Vài năm trước bố tôi có mua một mảnh đất ở trên huyện. Hiện nay bố tôi muốn tách thửa đất đó ra thành 2 mảnh đất để chia cho tôi và gia đình em gái tôi. Bây giờ tôi muốn tách thửa thì cần làm những gì?
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, thủ tục thực hiện tách thửa đất có 2 bước gồm làm hồ sơ tác thửa và gửi cơ quan chức năng.
Tách thửa đất là gì?
Tách thửa đất chưa được định nghĩa trong một văn bản pháp luật cụ thể, thay vào đó, pháp luật đất đai quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục khi người sử dụng đất muốn tách thửa đất. Tách thửa đất thường được hiểu là việc phân chia thửa đất ban đầu thành các thửa đất nhỏ hơn.
Tách thửa đất là việc phân chia, chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ một người đứng tên thành nhiều người khác nhau và sở hữu riêng biệt.
Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có những quy định riêng về tách thửa đất cho phù hợp.
Tách thửa đất thường được người sử dụng thực hiện trong các trường hợp như:
Chuyển nhượng, mua bán, thừa kế, tặng cho,…hoặc một hình thức khác tương tự làm thay đổi diện tích thửa đất ban đầu/thay đổi người sử dụng đất so với ban đầu;
Bị thu hồi một phần thửa đất theo quy định pháp luật;
Theo quyết định/bản án của Tòa án nhân dân có thẩm quyền;Khi thực hiện tách thửa đất theo các mục đích như trên, thửa đất ban đầu sẽ được chia tách thành các thửa nhỏ hơn, có thể việc chia tách này làm thay đổi người sử dụng đất (mua bán, tặng cho…) hoặc giữ nguyên người sử dụng đất (bị thu hồi…).
Thủ tục thực hiện tách thửa đất
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ tác thửa
Người sử dụng đất có nhu cầu xin tách thửa nộp 01 bộ hồ sơ nộp tại cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ gồm:
Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo mẫu quy định;
Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Cơ quan có thẩm quyền là Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì để thuận tiện, có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, hoặc Bộ phận một cửa (nếu có).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, những cơ quan, chủ thể trên phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Trong trường hợp hồ sơ chưa đủ, chưa hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc.
Bước 2: Xử lý hồ sơ, trao trả kết quả
Sau khi nhận được hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm giải quyết hồ sơ hợp lệ trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ. Đối với trường hợp địa phương có đất là vùng có điều kiện khó khăn (vùng núi, hải đảo,…) thì thời hạn giải quyết hồ sơ tối đa là 25 ngày.
Nội dung gồm các công việc sau:
Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trao giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.