2 kỳ tích ở vùng Đồng Tháp Mười: Khai phá rốn lũ, cách mạng xoá cầu khỉ

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 09/10/2020 11:56 AM (GMT+7)
40 năm trước, tỉnh Long An khai phá rốn lũ Đồng Tháp Mười thành công được xem là một kỳ tích. Nay, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh này lại bắt đầu một kỳ tích mới là bêtông hóa hàng chục ngàn cây cầu khỉ, cầu tạm trên diện tích 300.000ha.
Bình luận 0

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) tỉnh Long An gồm 6 huyện, 1 thị xã và 7 xã phía bắc của 2 huyện Thủ Thừa, Bến Lức với tổng diện tích tự nhiên gần 300.000ha. Điều kiện sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, giao thông đi lại khó khăn là một trở ngại lớn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh.

Nhịp cầu nối bờ vui

Tôi còn nhớ, vài năm trước, có lần vì muốn nhanh nên băng đồng từ đường 819 (Mộc Hóa) về trung tâm huyện Vĩnh Hưng, theo chỉ dẫn của bà con địa phương. Nghe đâu, quãng đường chỉ có 30km, nhưng tôi mất hơn nửa ngày trời vì rơi vào "mê hồn trận" cầu khỉ và đường tắc. 

Sau này tôi mới biết, Vĩnh Hưng nằm trong vũng lõm của khu vực ĐTM với kênh rạch chằng chịt, hệ thống cầu trước đây được xây dựng tạm chủ yếu để lưu thông được thông suốt, tải trọng thấp, sử dụng lâu năm đã xuống cấp. Do đó, việc lưu thông bằng đường bộ đã khó chưa nói là vận chuyển hàng hóa nông sản của bà con nông dân.

Long An: Cấp bách xóa cầu khỉ vùng Đồng Tháp Mười - Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự khánh thành một cây cầu nông thôn ở Đồng Tháp Mười. Ảnh: T.Đ

Sau những năm làm NTM, tình trạng cầu cống, kết nối giao thông trên địa bàn huyện đã thay đổi nhiều. Giờ, những con đường đất nhỏ hẹp, những cây cầu tạm bợ trước kia đã được thay bằng các công trình bêtông kiên cố. 

Ông Tạ Thành Phê (ấp Láng Lớn, xã Thái Trị) cho biết, trước đây chưa có các cây cầu này, người dân muốn đi lại phải dùng xuồng, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nông sản thường bị thương lái ép giá… 

"Bà con ở đây gặp rất là nhiều trở ngại, nhất là vấn đề đưa con em đi học, tiêu thụ nông sản. Từ ngày nhiều cây cầu bêtông được xây dựng, giao thông ở địa phương được thông thương, thuận tiện cho việc sản xuất, buôn bán của bà con. Những người bị đau ốm được xe ôtô đưa đến nơi cấp cứu kịp thời" - ông Phê vui mừng cho biết.

Theo ông Trần Đình Tuyển - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Trị, nhiều cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng hoàn thành đã cải thiện tiêu chí giao thông trong tiến trình xây dựng NTM ở xã. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản được dễ dàng, giá cả cao hơn... từ đó giúp cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Long An: Cấp bách xóa cầu khỉ vùng Đồng Tháp Mười - Ảnh 2.

Người dân xã Tân Lập (Tân Thạnh, Long An) vui mừng một cây cầu được hoàn thành tại xã. Ảnh: T.Đ

UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, 10 năm qua huyện Vĩnh Hưng đã huy động trên hơn 2.100 tỷ đồng tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, đầu tư phát triển sản xuất... nhằm xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại.

Phá thế kìm hãm

Còn nhớ, trong lễ khánh thành 11 cây cầu giao thông nông thôn tại huyện Vĩnh Hưng vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định, nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn của ĐBSCL, trong đó có tỉnh Long An nói riêng, còn vướng rất nhiều vấn đề. Song, một trong những việc cấp bách cần phải tháo gỡ giúp cho kinh tế phát triển và đời sống của người dân được cải thiện đó là vấn đề giao thông. 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức cấp bách, từ việc phát triển giao thông nhiều vấn đề khác sẽ được mở ra. Đặc biệt, trong đó là các vấn đề về sản xuất, khi đó nông dân không còn bị ép giá...

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, vùng ĐTM có hạ tầng giao thông khá yếu. Đây là vùng đặc thù với kênh, rạch chằng chịt, phải đầu tư cầu, cống khá lớn. Qua 10 năm xây dựng NTM, các địa phương đã có nhiều cố gắng cải thiện hạ tầng giao thông. Về cơ bản là đường đi được nhưng mới cứng hóa, còn bê tông hóa chưa nhiều. Xe ôtô có thể dễ dàng đến các trung tâm xã. Nhưng đường nội đồng, liên ấp đi lại còn khá khó khăn.

Cũng theo ông Truyền, trước đây, các huyện có phong trào hiến đất, đóng góp tiền của để cải thiện giao thông nông thôn. Nhưng đường nội đồng làm khá nhỏ, cầu làm tạm để kết nối giao thông nên người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa khá khó khăn. Giờ những con đường này phải tổ chức làm chỗ tránh xe. Các cầu khi xây dựng phải chịu tải 5-8 tấn. 

"Đây là một vấn đề lớn của khu vực này, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Về tiêu chí giao thông, khu vực này mức đầu tư sẽ rất lớn, trong khi nguồn lực của tỉnh lại hạn hẹp, nên cần phải huy động toàn xã hội tham gia"- ông Truyền chia sẻ.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Long An, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư ưu tiên đầu tư theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Toàn tỉnh hiện có hơn 8.153km đường giao thông, trong đó hơn 435km đường bê tông nhựa, 2.718km đường láng nhựa, 1.488 km đường bêtông xi măng, hơn 2.35km đường cấp phối, 1.161km đường đất. 

Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 92 xã/166 xã đạt tiêu chí giao thông; đã có 100% các xã có đường ôtô (đường nhựa hoặc bêtông) đến trung tâm xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem