2 người dân Lai Châu bị phạt tù vì nuôi nhốt gấu, Cục Kiểm lâm: Không được phép nuôi gấu chó để bán

Khương Lực Thứ bảy, ngày 27/11/2021 19:57 PM (GMT+7)
"Gấu chó chỉ được phép nuôi không vì mục đích thương mại như: các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý Cites:- ông Nguyễn Quốc Hiệu- Phó Cục trưởng Cục Kiềm lâm cho biết.
Bình luận 0

Về việc nuôi nhốt gấu chó, 2 người dân Lai Châu bị phạt tù, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: Từ sau khi thực hiện thống kê, gắn chíp điện tử để quản lý kết hợp với nhiều giải pháp vận động tuyên truyền thì số gấu phát sinh tại các sơ sở nuôi bất hợp pháp không còn.

"Việc sử dụng mật gấu đã giảm đi rất nhiều, gần như hoàn toàn chấm dứt, mức độ vi phạm về chích hút mật gấu có thể vẫn còn diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ và không thường xuyên như giai đoạn trước đây. Qua theo dõi và nắm bắt tình hình tại một số địa phương cho thấy việc rao bán mật gấu vẫn còn xảy ra, đặc biệt là trên hệ thống thương mại điện tử, tuy nhiên qua xác minh hầu hết đều là mật giả. Tóm lại, về cơ bản các vi phạm pháp luật về nuôi nhốt gấu cơ bản là hoàn toàn chấm dứt" - ông Hiệu thông tin.

2 người dân Lai Châu bị phạt tù vì nuôi nhốt gấu, Cục Kiểm lâm: Kiên quyết ngăn chặn hành vi nuôi gấu trái phép - Ảnh 1.

Gấu nuôi tại các cơ sở bảo tồn sẽ có ý nghĩa về mặt bảo tồn, duy trì nguồn gen và mục đích giáo dục môi trường, thiên nhiên. Ảnh: Khương Lực.

Gấu chó chỉ được phép nuôi không vì mục đích thương mại

Nói về những trường hợp được gây nuôi gấu chó, ông Nguyễn Quốc  Hiệu thông tin, gấu chó chỉ được phép nuôi không vì mục đích thương mại như: các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý Cites.

Những hoạt động nuôi gấu chó trên được quy định tại khoản 11 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 4, Điều 14, khoản 3 Điều 40 Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.

Theo ông Hiệu, việc nuôi gấu chó phải đảm bảo các điều kiện nuôi như: có phương án nuôi; cơ sở nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Cùng với đó là đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi hợp pháp khác. 

Trong quá trình nuôi, phải lập sổ theo dõi nuôi; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, về môi trường cấp tỉnh.

Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, đối với nuôi gấu tại các cơ sở bảo tồn thì có ý nghĩa về mặt bảo tồn, duy trì nguồn gen và mục đích giáo dục môi trường, thiên nhiên. Đối với nuôi gấu của các hộ dân thì cơ bản không có ý nghĩa về mặt bảo tồn vì gấu đã được nuôi nhốt từ lâu, mất tập tính săn mồi, nên khó có thể tái thả vào tự nhiên.

Kiên quyết xử lý triệt để, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự

Để ngăn ngừa và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã (trong đó bao gồm việc nuôi gấu chó trái pháp luật), trong nhiều năm qua Cục Kiểm lâm đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều các giải pháp hiệu quả.

Cụ thể, Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ NNPTNT, Tổng cục Lâm nghiệp ban hành cơ chế chính sách, các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã phù hợp với thực tế quản lý. 

Đồng thời, hướng dẫn hoặc trực tiếp hướng dẫn các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật.

Trong thời gian tới, Cục Kiểm lâm kiên quyết ngăn chặn, thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp)

Một giải pháp hiệu quả khác là Cục Kiểm lâm đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Động vật thế giới thực hiện kiểm tra, rà soát gấu nuôi trên toàn quốc để gắn chíp điện tử thế hệ mới đối với những cá thể gấu đã được gắn chíp giai đoạn 2005-2008 hoặc gấu đã có hồ sơ quản lý nhưng chưa được gắn chíp thế hệ cũ; thường xuyên theo dõi quản lý tốt đối với các cá thể gấu đang nuôi nhốt; thực hiện quản lý gấu bằng mã định danh đối với các cá thể gấu chưa giao về các Trung tâm cứu hộ gấu.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương, với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; vận động các tổ chức, cá nhân tự giác giao nộp động vật hoang dã quý, hiếm cho cơ quan chức năng.

Tuyên truyền vận động, giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tự nguyện giao nộp gấu nuôi về các Trung tâm cứu hộ.

"Trong thời gian tới, Cục Kiểm lâm kiên quyết ngăn chặn, thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam" - ông Nguyễn Quốc Hiệu nhấn mạnh.

Để duy trì hoạt động nuôi bảo tồn động vật hoang dã, trong đó có gấu chó, lãnh đạo Cục Kiểm lâm kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét để tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thuộc các vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã. 

Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ để vận động các nhà đầu tư, xây dựng các Trung tâm cứu hộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện tiếp nhận gấu do người dân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Theo số liệu thống kê 5 năm gần đây các cơ quan kiểm lâm trong toàn quốc đã chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng khác kiểm tra và xử lý 1.060 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (năm 2016 là 323 vụ; năm 2017 là 190 vụ, năm 2018 là 219 vụ, năm 2019 là 203 vụ, năm 2020 là 125 vụ).

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), ngày 24/11, Tòa án nhân dân huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu vừa tuyên phạt Thào A Tủa (sinh năm 1979) và Lò Thị Mỷ (sinh năm 1965), cùng trú tại thôn Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn mỗi người 1 năm tù về hành vi nuôi nhốt trái phép 1 con gấu chó - tên khoa học Helarctos malayanus.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem