2 phương thức xét tuyển đại học được sử dụng nhiều nhất năm 2022 và dự kiến năm 2023

Tào Nga Thứ năm, ngày 01/12/2022 11:03 AM (GMT+7)
Theo thống kê từ Bộ GDĐT, có 2 phương thức xét tuyển đại học có tỉ lệ thí sinh nhập học/chỉ tiêu cao nhất trong năm 2022, thí sinh có thể tham khảo.
Bình luận 0

Phương thức xét tuyển đại học có tỉ lệ thí sinh nhập học/chỉ tiêu cao nhất

Mới đây, Bộ GDĐT đã có báo cáo công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2022 khối Đại học và Cao đẳng Sư phạm. Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm 2022 có 18 phương thức tuyển sinh đại học, trong đó có 2 phương thức chiếm tỉ lên cao nhập học/chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học theo các phương thức. Đó là phương thức thi tốt nghiệp và xét  kết quả học tập cấp THPT (học bạ).

2 phương thức xét tuyển đại học được sử dụng nhiều nhất năm 2022 và dự kiến năm 2023 - Ảnh 1.

Tỉ lệ nhập học giữa các phương thức. Ảnh: Bộ GDĐT

Cụ thể, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có 261.190 chỉ tiêu, có 245.040 thí sinh nhập học, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 93,82% và tỉ lệ nhập học theo các phương thức là 52,38%.

Phương thức thứ 2 có tỉ lệ cao là xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ). Năm 2022 có 224.042 chỉ tiêu, có 169.537 thí sinh nhập học, tỉ lệ nhập học/chỉ tiêu là 75,67% và chiếm 36,24% so với các phương thức khác.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho hay, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức chủ yếu được đa số các trường sử dụng và tỉ lệ nhập học bằng phương thức này cũng cao nhất. Điều đó chứng tỏ rằng kết quả của kỳ thi này rất quan trọng và có độ tin cậy cao, phổ thông hơn các phương thức khác.

TS Trần Đình Lý cho rằng: "Thực ra, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét tốt nghiệp bậc THPT nhưng trong phương án ra đề Bộ GDĐT đã có những câu hỏi phân loại thí sinh, rất phù hợp cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng mà không cần phải tổ chức thêm một kỳ thi nữa. Việc một số trường sử dụng kết quả này với tỉ lệ nhỏ hoặc không sử dụng có thể có một số nguyên nhân như mục tiêu tuyển sinh, đào tạo của trường đó đặc thù (ví dụ đào tạo năng khiếu, đào tạo theo một tiêu chuẩn nước ngoài khác). Nhưng cũng không loại trừ khả năng có một số trường chưa tin tưởng lắm vào kết quả thi này do hạn chế, khuyết điểm trước đó kỳ thi này đã mắc phải. 

Theo tôi, nhìn nhận, đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cả nước, toàn ngành nỗ lực thực hiện theo hướng tiêu cực như vậy là không phù hợp và cần xem xét lại. Rõ ràng, đây vẫn là một kỳ thi nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của người học và của các trường đại học. Kết quả từ kỳ thi này đủ sức để trở thành một điều kiện xét tuyển đại học. Ngoài ra, một số trường bổ sung phương thức đánh giá năng lực hoặc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá của trường khác làm phương thức xét tuyển sẽ bù đắp, giải quyết được một số hạn chế trong xét tuyển nếu chỉ sử dụng một phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

Việc mở rộng các phương thức xét tuyển đã mở ra nhiều cơ hội cho các thí sinh. Thí sinh tham dự nhiều kỳ thi, tham gia xét tuyển nhiều phương thức thì cơ hội trúng tuyển càng cao và tránh được việc rớt oan vì "học tài thi phận".

2 phương thức xét tuyển đại học được sử dụng nhiều nhất năm 2022 và dự kiến năm 2023 - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi năm 2022. Ảnh: HUST

Theo TS Trần Đình Lý, có thể năm 2023, việc xét tuyển của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM sẽ được giữ ổn định. Theo đó, nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức bao gồm tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ), xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp năm 2023 và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trong đó, tỉ lệ xét tuyển theo kết quả thi THPT vẫn cao nhất, khoảng 60% và tương tự là tỉ lệ nhập học theo phương thức này cũng cao nhất.

Nói về phương thức xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) gây tranh cãi, TS Lý cho hay: "Hiện nay, việc xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT đang được một số trường sử dụng và ngày càng có nhiều trường sử dụng hơn. Việc đánh giá thí sinh qua một quá trình học tập dài trong 3 năm là hoàn toàn đúng đắn và chính xác. Nếu chúng ta sử dụng kết quả học tập bậc THPT để xét tuyển sẽ giảm áp lực lên các kỳ thi như kỳ thi tốt nghiệp THPT (giảm áp lực phải thi đạt điểm đậu), kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học và đặc biệt là đánh giá đúng, chính xác và trung thực thí sinh, hạn chế được rủi ro cho thí sinh khi tham gia các kỳ thi với áp lực cao. 

Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại về chất lượng của học bạ, về điểm số các môn xét tuyển đại học được làm "đẹp" trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Theo tôi, những lo ngại này là có cơ sở và cần được đặt ra để các cấp, các ngành giải quyết vì thực tế đã chứng minh có một số nơi, một vài lúc nào đó đã có hiện tượng đó xảy ra. Nhưng việc này chắc chắn không thể mang tính phổ biến và thường xuyên được. Chúng ta không nên có cách nhìn tiêu cực về cách xét tuyển này, không nên vì một vài trường hợp tiêu cực xảy ra mà mất niềm tin vào cả quá trình giảng dạy, học tập của cả thầy và trò".

Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho hay, năm 2023, nhà trường vẫn có 4 phương thức xét tuyển là xét tuyển đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng theo đề án của trường và của Bộ GDĐT, xét học bạ THPT và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

"Nhà trường đang tính toán tỉ lệ giữa các phương thức xét tuyển, có thể là sẽ giảm phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT (khoảng 30% chỉ tiêu) và tăng lên phương thức xét đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM (khoảng từ 10% - 15% chỉ tiêu). Trường giữ nguyên chỉ tiêu với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT", Ths Sơn nói.

Năm 2023, có trường giảm chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Tuy nhiên, một số trường "hot" cho biết sẽ giảm chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. 

Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, năm 2023, trường tiếp tục giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023, tăng 2 đợt so với năm 2022. Năm 2022, trường dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội đã không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển hai phương thức còn lại.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến năm 2023 không sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kết quả của kỳ thi này sẽ được sử dụng kết hợp với các tiêu chuẩn khác để tuyển sinh như kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ…

Bộ GDĐT cân nhắc không xét tuyển đại học sớm năm 2023. Clip: Truyền hình Đồng Tháp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem