30 năm bắt cá đối trên sông Cà Ty ở Bình Thuận, vợ chồng già này thở dài, nay cá còn đâu mà nhìn
Một dòng sông nổi tiếng dài 76km qua thành phố Phan Phiết của Bình Thuận, có 2 vợ chồng hơn 30 năm đánh cá
Thứ ba, ngày 09/04/2024 16:22 PM (GMT+7)
Cơn mưa từ sáng sớm, đã khiến đôi vợ chồng ngư phủ lui xuồng núp lại dưới chân cầu Dục Thanh (TP Phan Thiết), sau mẻ lưới cuối cùng, chưa kịp ra chợ. Mấy mươi năm qua, dòng sông Cà Ty (tỉnh Bình Thuận) chứng kiến đôi vợ chồng ngư phủ, buồn vui, no ấm, thiếu hụt. Bác Ba – người ngư phủ thăng trầm trên dòng sông Cà Ty...
Một buổi sáng như bao buổi sáng của đôi vợ chồng ngư phủ hom hem, hiền hậu. Chiếc áo mưa mỏng tanh, sờn cũ như khắc họa lại vết dấu lênh đênh của đời người.
Cái xuồng nhỏ, chắt chiu của vợ chồng bác Ba đã cũ, nhiều lúc nước sông theo những vết nứt, cứ rưng rức len vào.
Đôi lần, giặm vá nhưng thời gian đã tạo thêm những loang lổ ngày càng nhiều hơn. Sao chú không kiếm cái động cơ gắn vào cho đỡ cực?
“Thôi, gắn máy thì cũng bộn tiền, mà làm xong xuồng một nơi, mình ở một nơi, sợ lắm. Giờ làm bữa có bữa không mà, máy móc chi đâu!”- ông nói.
Buổi sáng lao động đánh bắt cá của vợ chồng ông Ba trên con sông Cà Ty, đoạn chảy qua thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Bác Ba, người hơn 30 năm qua làm nghề đánh cá trên dòng sông Cà Ty, đoạn chảy qua thành phố Phan Thiết, (tỉnh Bình Thuận) trong căn phòng nhỏ của mình.
Cái xuồng nhỏ, chắt chiu của vợ chồng bác Ba đã cũ, nhiều lúc nước sông theo những vết nứt, cứ rưng rức len vào.
Đôi lần, giặm vá nhưng thời gian đã tạo thêm những loang lổ ngày càng nhiều hơn. Sao chú không kiếm cái động cơ gắn vào cho đỡ cực?
“Thôi, gắn máy thì cũng bộn tiền, mà làm xong xuồng một nơi, mình ở một nơi, sợ lắm. Giờ làm bữa có bữa không mà, máy móc chi đâu!”- ông nói.
Ông tên thật là Nguyễn Văn Ba, trước là thành viên HTX nghề cá Phú Trinh từ năm 1977 - 1991 giải thể. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Mười, hồi con gái hay đi mua cá của người cô ruột trên chiếc xuồng.
Khi người cô mất để lại cho bà chiếc xuồng nhỏ. Ai dè kỷ vật ấy, theo vợ chồng ông suốt mấy mươi năm.
“Hồi đó làm được lắm, đi từ 5 giờ sáng đến 10 giờ sáng lúc nào cũng có cá, bác gái sẽ mang ra chợ bán.
Ngày kiếm được vài trăm đồng. Nhưng vài trăm hồi đó sống được, chứ giờ cũng kiếm được vài trăm mà khốn khó lắm!”- bác Ba bộc bạch.
Hồi ấy cái xuồng nhỏ của vợ chồng bác Ba cũng quanh quẩn trên khúc sông Cà Ty, chỉ quanh quẩn trong các đoạn từ chân cầu Trần Hưng Đạo đến cầu Dục Thanh, mà cứ đủng đỉnh sống qua ngày. Thoát cái mấy mươi năm, cả một đời người.
Bác Ba nay đã 76 tuổi, chẳng còn nhanh nhạy như tuổi trẻ, nhưng với ông khúc sông này đã nuôi dưỡng vợ chồng ông, giúp ông bà đến với nhau nuôi các con ăn học, dựng vợ gả chồng, từ những con nước của thủy triều.
Hơn thế, còn dắt díu ông đi qua khốn khó, thậm chí những tai ương. Cưới nhau vào năm 1977, lúc còn ở Phú Trinh.
Sau này vì gia cảnh phải khốn khó bán nhà lên trên Văn Thánh 3, căn nhà mua lại phần sau của người ta, vài mét vuông rồi dựng lên cái gác lửng. Hai vợ chồng bác Ba và thêm nhiều thành viên khác sinh sống trong cảnh chật chội và thiếu thốn.
Ông đến với nghề thả lưới rê cơ duyên từ thời đi lao động công ích, rồi gắn bó đến giờ đã hơn mấy mươi năm rồi, từ khi mới 16 - 17 tuổi.
Chuyện trò cứ thế trôi, nhưng tuyệt nhiên chẳng có lời than trách, chỉ có niềm vui theo từng mẻ lưới.
Ông cứ nhớ lại những khoảng thời gian sông Cà Ty đầy ắp cá, nhưng giờ thì... “Sông suối mà con người không giữ, riết còn gì nữa đâu.
Có thời điểm mấy ghe lớn phá nát hết, cái gì cũng đánh cho bằng hết. Sau này Biên phòng không cho nữa mới thôi. Hồi đó, ngủ đêm tới sáng mất lưới là bình thường, không nói được ai”.
Bác Ba ngồi trên thành ghế, thỏ thẻ: “Giờ bữa nào đau nhức thì ở nhà nhưng nhớ nghề lắm!.
Hồi đó tầm tháng 3, tháng 4 cá kếnh (tên gọi khác của cá đối sông vào mùa sinh trưởng) nổi đầy mặt sông béo ngậy, nhìn thích lắm, giờ cũng chẳng có để mà nhìn.
Đi được bữa nào hay bữa đó, có hôm bả chèo, tui phải múc nước ra…”.
Để giặm vá những phần thân mục cũ, cũng mất đến vài triệu đồng, nhưng với vợ chồng bác Ba là cả khoản tiền lớn, nặng lòng lắm. Ước mơ để đó, vì tiền đâu mà sắm sửa!
Nhưng có điều ít ai ngờ tới, hình ảnh đôi vợ chồng làm nghề lưới trên khúc sông thân quen của bao người dân Phan Thiết, dù còm cõi, dù nắng mưa trôi dạt, vậy mà lại đầy ắp niềm vui của tuổi già.
Dù có khi nay ở gầm cầu này, mai ở gầm cầu khác nhưng lại là nhân vật trong rất nhiều bức ảnh nghệ thuật, là “khách hàng” của nhiều nhiếp ảnh gia.
Bác Ba nói: “Mình làm thì cứ làm, rồi có hôm mấy chú kêu quăng lưới cho mấy chú chụp hình. Có chú về họa ra rồi tặng, có chú chụp xong gửi ít tiền nước. Kệ người ta thích cái nghề mình, thì cũng vui chứ mất gì đâu”.
“Giờ chỉ mong kiếm được chút đỉnh sửa lại cái xuồng, kiếm bữa phụ mấy nhỏ. Chứ còn làm được sao trông vào con cái, tụi nó cũng có gia đình, cũng đi làm công nhân thôi, khá giả gì đâu”- bác Ba khắc khoải tâm sự.
Rời khỏi căn phòng nhỏ, bác Ba đưa tôi ra tận cửa. Nhưng ánh mắt đó, nụ cười đôn hậu và ước mơ của mấy mươi năm chứng kiến những đổi thay trên dòng sông Cà Ty của đôi vợ chồng ngư phủ ấy cứ vươn trong lòng tôi, vì ở đó có những thăng trầm họ đã nếm trải và có cả ước mơ nhỏ của tuổi xế chiều.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.