20 năm, chưa từng thấy chợ "không ngủ" lớn nhất TP.HCM vắng thế này

Nguyên Vỹ Chủ nhật, ngày 12/04/2020 06:00 AM (GMT+7)
Gần 20 năm đi vào hoạt động, chưa bao giờ những tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (nơi được mệnh danh là chợ đêm không ngủ lớn nhất TP.HCM) chứng kiến cảnh ế ẩm và thưa vắng như giữa mùa cao điểm chống dịch Covid-19 năm nay.
Bình luận 0

img

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thành lập vào năm 2002, được coi là chợ rau củ quả lớn nhất TP.HCM. Với hàng ngàn tấn rau củ quả nhập về mỗi đêm, chợ hoạt động nhộn nhịp từ lúc 9 giờ tối tới 5 giờ sáng ngày hôm sau. Đây cũng là chợ đêm không ngủ với hàng ngàn tiểu thương, lao động trong chợ.

img

Theo Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, có lúc cao điểm, chợ tiếp nhận khoảng 10.000 người mỗi đêm. Nhưng kể từ sau Tết, khi dịch Covid-19 bùng phát, và nhất là trong những ngày đang thực hiện giãn cách xã hội, lượng người giao dịch trong chợ đã giảm đi phân nửa.

Ông Nguyễn Bình Phương – Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh tiếp thị của chợ cho biết, lượng thực phẩm cung ứng về chợ vẫn đủ sức phục vụ cho nhu cầu của thành phố và các tỉnh thành lân cận nhưng mãi lực giảm. Năm 2019, trung bình mỗi ngày chợ nhập về 3.500 tấn rau củ quả các loại thì nay chỉ còn 3.000 - 3.100 tấn. Giá nhiều loại nông sản cũng giảm theo.

img

Từ trên văn phòng chỉ tay xuống khu vực mua bán, ông Phương bảo, lúc trước có khoảng 30 xe container đưa hàng từ Trung Quốc về đậu kín bãi tập kết, thì nay chỉ còn khoảng 10 xe. Còn trong khu vực hàng nội địa, lượng khách ra vào cũng giảm hẳn.

Tại gian hàng trái cây nhập khẩu Thảo Lợi, chị Thảo cho biết, lúc trước chị thuê 5 ô sạp để kinh doanh, nay chỉ còn duy trì 1 ô duy nhất. Bình thường chị nhập về từ 1-2 container trái cây, chủ yếu là nho, táo, lê từ Trung Quốc. 1 container như thế có thể bán trong 1-2 ngày nhưng nay phải mất 7-10 ngày mới tiêu thụ hết hàng.

img

Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là những sạp hàng lớn có đông nhân công, vì hàng bán không chạy nhưng lương bổng, cơm nước vẫn phải lo đủ. “Sạp của tôi có 30 nhân công phụ bán. Nhiều đêm ngồi ế chỏng chơ nhưng phải ráng duy trì quân số vì khi mua bán lại bình thường sợ khó tìm người”, chị Thảo nói.

Tiến vào khu A - nơi bán trái cây nội địa, anh Năm Thìn, chủ sạp hàng xoài D401 cũng than thở, sức mua đã giảm đi khoảng 1/5 so với trước. Vì không có người mua nên anh cũng không dám lên hàng nhiều dù xoài đang vào vụ.

Năm trước, bình quân anh Thìn nhập từ 1-2 tấn, có khi lên 3 tấn xoài từ Đồng Tháp; nay đã giảm còn 1/3. Ngày nào bán không được thì hàng cứ tồn lại, chất từng đống. Không kể các mối sỉ, các bà, các cô dưới tỉnh thường ngày đi xe đò, xe buýt đi thẳng lên chợ lấy hàng. Nay giao thông kiểm soát để hạn chế dịch bệnh lây lan, sức mua cũng giảm theo đáng kể. Giá xoài vì thế cũng giảm theo.

img

Chỉ tay vào bảng giá đề ngày 9/10/2019, anh Thìn bảo, giá giảm riết từ đầu năm đến giờ nên chẳng buồn cập nhật. “Anh cứ canh theo giá đó mà trừ đi 50% thì sẽ hình dung mức giá hiện tại”, Thìn nói.

Làm công cho sạp hàng kế bên, anh Nguyễn Được kể, từ trước hôm có lệnh cách ly anh cũng định về quê vài ngày. Nhưng về dưới quê không có việc làm ổn định, lỡ ứng ứng tiền của chủ sạp rồi lại không biết hồi nào mới hết dịch nên thôi thì cứ ráng ở lại làm.

img

“Có những ngày ế khách, cứ dọn hàng ra rồi sếp hàng vào, oải lắm! Nhưng tình hình chung, ai cũng vậy chứ biết sao được”, Được nói.

Khu B là nơi kinh doanh các mặt hàng rau củ. Ông Dương Chấn Thành, chủ sạp hàng Hồng Sành cho biết đã buôn bán ở đây gần 20 năm nhưng bao giờ thấy chợ lâm vào cảnh ế ẩm và đìu hiu như thế này. Hiện ông Thành chỉ đưa khoảng 5-6 tấn hàng rau củ Lâm Đồng xuống mỗi đêm, giảm đi một nửa so với trước.

Ông Thành kể, lượng hàng giảm xuống không đáng kể mà bí nhất là đầu ra. Ông Thành làm việc lâu năm với nông dân, nhận bao tiêu sản phẩm. Nhưng nay hàng bán chậm mà không lấy hàng thì không được. Rau củ vì thế cứ tồn lại từ kho của chủ sạp ra tới ruộng của nông dân. Bó rau ngoài ruộng càng để lâu càng to ra, to quá cỡ rồi cũng bỏ luôn.

img

Hàng trong kho tồn lại thì phải bán rẻ. Mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nhất là rau ăn lá vì để qua ngày là héo úa. “Sau khi trừ chi phí, nhiều loại rau bán xong không đủ bù tiền vốn”, ông Thành tâm sự.

img

Ngày bình thường, lượng người ra vào chợ tập tấp, chen lấn chật chội khắp các lối đi. Trong những ngày chống dịch, nửa đêm về sáng là cao điểm giao dịch mua bán nhưng những lối đi cứ rộng thênh thang.

img

Lực lượng bốc xếp ngồi hàng dài chờ đợi chủ sạp kêu kéo hàng.

img

Bà Mai Thị Bốn (76 tuổi) là “cửu vạn” nổi tiếng ở chợ đầu mối Thủ Đức vì tuổi cao và thâm niên gắn bó với nghề kéo hàng ở chợ. Đáng lý từ đêm cho tới sáng là thời gian bà quần quật kéo xe kiếm tiền. Đêm nay, cũng như nhiều đêm trước, bà ngồi chờ người ta gọi kéo hàng nhưng không thấy, rồi ngủ gật lúc nào không hay.

img

Một số sạp hàng khác cũng tranh thủ chợp mắt chỉ vì chung một lý do: Ế!

img

Tại khu C, chuyên kinh doanh mặt hàng hoa, không khí còn vắng vẻ hơn khu A, khu B. Chủ một sạp hàng hoa cho biết, nhiều bạn hàng đang thực hiện cách ly nên cũng ngại đến chỗ đông người. Một số khác thì đặt hàng qua điện thoại.

img

Từ 9-11 giờ tối, xe chở nông sản từ các nơi chợ. Từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng là khoảng thời gian người mua hàng sỉ đưa về các chợ, hoặc về tỉnh.

img

Từ sau 5 giờ sáng, Ban quản lý chợ tạo điều kiện cho tiểu thương bày hàng ra bên ngoài để bán lẻ ( từ 1 kg trở lên). Đây phần lớn là hàng còn tồn lại trong đêm do chưa tiêu thụ hết. Trong những ngày cách ly, lượng người đến mua hàng chóng vánh và phiên chợ sáng cũng tan rất nhanh.

Ông Nguyễn Bình Phương cho biết, cách thức kinh doanh của thương nhân tại chợ phần lớn là ăn theo huê hồng chứ không phải mua đứt bán đoạn. Vì thế, thương nhân sẽ tự chủ động điều chỉnh nguồn hàng theo cung cầu.

img

Trong những ngày chống dịch, lượng hàng có giảm nhưng cơ bản vẫn đáp ứng đủ theo nhu cầu.

Số liệu thống kê ngày 31/3, lượng hàng về chợ là 3.011 tấn. Đến ngày 6/4 ( tức 14 rằm âm lịch), lượng hàng tăng lên 3.200 tấn. Qua ngày 7/4, lượng hàng giảm còn hơn 3.000 tấn. Các mặt hàng rau như bầu, bí, cà chua, dưa leo, khổ qua, ớt hiểm có lượng về bình thường nhưng qua ngày rằm nên sức mua giảm, giá giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg. Qua ngày 8/4, hàng về chỉ còn 2.750 tấn.

 “Hiện giờ, nhiều giao dịch đều thực hiện qua điện thoại thay vì trực tiếp như lúc trước. Tuy lượng người đến mua giảm nhưng nguồn hàng ở chợ vẫn luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ”, ông Phương khẳng định.
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem