Năm 2025 cơ bản giải quyết dứt điểm dân di cư tự do

PV Thứ bảy, ngày 10/12/2022 05:31 AM (GMT+7)
Ông Vũ Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm chỉ có 100 hộ dân di cư tự do (DCTD), trong đó 9 tháng đầu năm 2022 có 22 hộ di dân tự do. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 cơ bản giải quyết dứt điểm dân di cư tự do.
Bình luận 0
2025 cơ bản giải quyết dứt điểm dân di cư tự do - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến do Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức. Ảnh: Nguyễn Chương.

 Cả nước đã bố trí, ổn định 8.000 hộ dân di cư tự do

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến: "Một số kết quả thực hiện chủ trương, chính sách bố trí ổn định dân cư trong giai đoạn hiện nay" do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 9/12, ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT cho hay:  Bố trí dân cư là lĩnh vực quan trọng, Chính phủ giao nhiệm vụ này cho Bộ NNPTNT và Bộ giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tham mưu, quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác sắp xếp, bố trí dân cư. Đây là chủ trương, chính sách có tính nhân văn cao, đặc biệt trong giai đoạn gần đây biến đổi khí hậu, việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở vùng thiên tai vô cùng cấp bách và cần thiết.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2030. Ở cấp Trung ương, cùng với Bộ NNPTNT, có nhiều bộ ngành tham mưu cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc và ở dưới địa phương, chính quyền các cấp cũng quan tâm, hỗ trợ nguồn lực.

Theo ông Tiến, trong 10 năm qua (giai đoạn 2013-2022), cả nước đã bố trí, sắp xếp ổn định cho hơn 112.000 hộ. Về việc bố trí dân DCTD, năm 2018, Thủ tướng chủ trì hội nghị về DCTD. Sau hội nghị, Thủ tướng ban hành Nghị quyết 22, nhờ đó công tác sắp xếp, bố trí dân DCTD đạt kết quả rất tích cực.

Một trong mục tiêu Nghị quyết 22 đặt ra là đến 2025 cơ bản giải quyết dứt điểm dân DCTD. Nếu như năm 2005, cả nước có 2.700 hộ DCTD thì từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm chỉ có 100 hộ dân DCTD, trong đó 9 tháng đầu năm 2022 có 22 hộ DCTD. Triển khai Nghị quyết 22, cả nước đã bố trí, ổn định 8.000 hộ dân DCTD.

"Nói chung, công tác bố trí, ổn định dân cư, trong đó có di dân tự do cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Việc bố trí, ổn định dân cư góp phần ổn định cuộc sống, an ninh trật tự ở các địa phương như: Điện Biên hay vùng Tây Nguyên…

Có những khu dân cư, mô hình, dự án bố trí ổn định dân cư, người dân thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nhiệm vụ sắp xếp, bố trí dân cư còn rất nhiều vấn đề, tồn tại hạn chế. Đặc biệt từ 2020, các khu vực, đặc biệt khu vực miền Trung xảy ra mưa lớn, bão, lũ lụt… nên công tác sắp xếp, ổn định dân cư là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng", ông Tiến khẳng định.

2025 cơ bản giải quyết dứt điểm dân di cư tự do - Ảnh 3.

Ngôi nhà của gia đình ông Khổng Văn Trang, người dân tộc Tày, di cư tự do từ Bắc Giang vào Tiểu khu 265, 269, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Chương

Gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân cư

Cũng theo ông Tiến, đến thời điểm này, chúng ta còn 16.983 hộ dân DCTD tại 10 địa phương: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, trong đó tập trung lớn ở Tây Nguyên.

Thời gian qua chúng ta triển khai 82 dự án với tổng số 5.900 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành triệt để 41 dự án với 17.740 hộ, còn 41 dự án dở dang với 8.582 hộ.

Ông Tiến cho biết thêm, ngày 28/11/2022 vừa qua, Bộ NNPTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP về ổn định dân DCTD và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. 

Hội nghị đã kiến nghị và đề xuất một số giải pháp tiếp tục bố trí ổn định dân DCTD, cụ thể như: Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bố trí ổn định dân DCTD bằng nhiều hình thức tuyên truyền, để người dân tại chỗ và dân DCTD nâng cao hiểu biết, thực hiện nghiêm chỉnh chính sách pháp luật của nhà nước, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.

Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP; gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền (cả nơi đi, nơi đến), đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân cư, không để tiếp tục diễn ra tình trạng dân DCTD. Quản lý dân cư; xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, kích động lôi kéo đồng bào DCTD, phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện các nội dung, giải pháp của chương trình bố trí dân cư tại địa phương; tập trung ưu tiên bố trí vốn, không phân tán, dàn trải, đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành dứt điểm các dự án dở dang và các dự án mới, đặc biệt là các dự án cấp bách, bảo đảm phát huy hiệu quả các dự án và hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề dân DCTD; Cần ưu tiên, bố trí các nguồn vốn hợ lý. Lồng ghép bố trí nguồn lực từ các Chương trình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt 03 Chương trình MTQG để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. 

Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng nguyên liệu; gắn đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã; khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân DCTD.

Tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất và nghiên cứu giải pháp điều chỉnh diện tích đất sử dụng không hiệu quả để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân DCTD.

Chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ổn định dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong công tác bố trí ổn định dân cư, đặc biệt là bố trí dân cư vùng thiên tai, biên giới, ổn định dân DCTD; coi đây là nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của cả hệ thống chính trị để tập trung thực hiện có hiệu quả nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống lâu dài cho người dân, phát triển KT-XH trên địa bàn cả nước.

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP và Quyết định số 590/QĐ-TTg; gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền (cả nơi đi, nơi đến), đặc biệt là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân cư, không để tiếp tục diễn ra tình trạng DCTD.

Ông Tiến cho rằng: Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Chương trình.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương; Các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư; tăng cường công tác quản lý (đặc biệt là công tác lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường), kiểm tra, giám sát các dự án trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện bố trí dân cư tại các địa phương.

Rà soát, tổng hợp bổ sung các dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu cư công trung hạn, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện Chương trình; tập trung ưu tiên bố trí vốn, tránh đầu tư dàn trải, đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành dứt điểm các dự án dở dang, đặc biệt là các dự án bố trí dân cư cấp bách, bảo đảm phát huy hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, các địa phương cần ưu tiên bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, các chương trình, dự án hiện có trên địa bàn hỗ trợ đầu tư, phát triển sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vùng bố trí ổn định dân cư, tạo việc làm từng bước nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống lâu dài. 

"Nếu không đất sản xuất, thu nhập sẽ xảy ra tình trạng, bà con đến nơi ở mới không có đất sản xuất, công việc lại quay về nơi cũ chặt phá rừng, nhiều hệ lụy liên quan...Làm sao để bà con đến nơi ở mới có kế sinh nhai, mô hình cho thu nhập tốt hơn, điều kiện sống tốt hơn sẽ yên tâm, ổn định sản xuất...", ông Tiến khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem