2,1 tấn vải thiều chính thức đến Mỹ: Cú huých mới cho người trồng vải

Hà Vũ- Ngọc Lê Thứ hai, ngày 01/06/2015 09:02 AM (GMT+7)
 Chiều qua (31.5), lô vải thiều đầu tiên có khối lượng 2,1 tấn, kèm theo 5 tấn nhãn đã qua chiếu xạ chính thức được xuất khẩu đi Mỹ dưới dạng “công bay” (conteiner theo đường hàng không). 
Bình luận 0

Theo ông Hoàng Trung-  Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), việc xuất khẩu được lô hàng vải, nhãn đầu tiên đi Mỹ sẽ mở ra triển vọng rất lớn đối với mặt hàng trái cây này.

Cho người Mỹ biết vải Việt Nam

Lô hàng đầu tiên được xuất khẩu đi lần này là của Công ty Ánh Dương Sao sau khi đã thực hiện đúng quy trình chiếu xạ tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đại diện công ty này, số vải thiều này được mua tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang trong các ngày 25-26.5 vừa qua và toàn bộ số vải đều được trồng theo quy trình VietGAP của Bộ NNPTNT. Còn theo lãnh đạo huyện Lục Ngạn, lô hàng trên được Ánh Dương Sao mua của 9 hộ dân tại xã Tân Mộc là giống vải chín sớm U hồng với giá 30.000 đồng/kg (cao hơn thị trưởng 10.000 đồng).

 Được biết, Tân Mộc là một trong những xã có diện tích vải thiều sớm nhiều nhất của huyện Lục Ngạn với khoảng 200ha chủ yếu là giống vải U hồng, sản lượng ước đạt 2.000 tấn (tăng 500 tấn so với vụ 2014). Hiện trung bình mỗi ngày người dân trong xã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 30 tấn quả. Dự kiến, khoảng 10 ngày nữa vải thiều chính vụ của huyện Lục Ngạn sẽ bắt đầu được thu hoạch.

img
Người dân Lục Ngạn,  Bắc Giang thu hoạch vải thiều sớm. Ảnh: Trần Quang

Ông Hoàng Trung cho biết: “Tại các vườn trồng vải trên, Cục BVTV đã xuống kiểm tra và cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của Mỹ và Úc. Đến nay, Cục đã cấp được 8 mã số vùng trồng vải ở Bắc Giang và 2 mã số vùng trồng vải ở Hải Dương, tương đương tổng 100ha; đồng thời cấp 2 mã số vùng trồng nhãn ở Hưng Yên và 2 mã số vùng trồng nhãn ở Hà Nội”.

 Ông Trung khẳng định, đến nay phía Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, trong đó có yêu cầu kiểm dịch thực vật của Úc và Mỹ. Việc này rất có ý nghĩa, bởi khi Việt Nam xuất khẩu được vải và nhãn sang Mỹ và Úc, thì việc xuất khẩu sang các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn do đây đều là những thị trường khó tính nhất thế giới. Nếu như một vài tháng trước, người trồng vải sạch theo quy trình VietGAP ở Bắc Giang còn lo ngại về việc chưa có doanh nghiệp đến thu mua hàng, thì tại thời điểm này đã có rất nhiều doanh nghiệp tìm đến để đàm phán, thu mua trước mắt có 3 công ty được Cục BVTV chấp thuận đủ điều kiện và giới thiệu để thu mua vải xuất đi Mỹ là Ánh Dương Sao, Rồng Đỏ và Thiên Anh Minh. 

Theo Cục BVTV, hiện đang có rất nhiều công ty đang liên hệ với đơn vị này để chuẩn bị các điều kiện, thủ tục xuất khẩu vải thiều đi Mỹ, Úc. Về giá thu mua vải thiều, ông Trung cho biết, nhiều doanh nghiệp cam kết thu mua với giá cao hơn 10% so với giá thực tế tại thị trường, chứ chưa thể biết chính xác giá cụ thể là bao nhiêu. “Đây là hai thị trường mới mở và là hai thị trường khó tính, chúng ta cũng không kỳ vọng xuất khẩu với số lượng lớn sang hai thị trường này và năm nay chúng tôi chỉ kỳ vọng chúng ta cứ xuất khẩu đi được đã, càng nhiều thì càng tốt chứ không hy vọng số lượng lớn”- ông Trung nói.

Sẽ giúp thay đổi tư duy sản xuất

Theo ông Trung, việc xuất khẩu lô đầu tiên này có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, trong đó khẳng định rằng vải của Việt Nam, sản xuất vải của Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ về các yêu cầu kiểm dịch thực vật an toàn thực phẩm của các nước tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Khi xuất sang được 2 thị trường này sẽ tạo động lực vô cùng to lớn cho người trồng vải của chúng ta, tạo cho người dân thay đổi quan điểm, tư duy sản xuất theo một quy trình kỹ thuật cao hơn, nghiêm ngặt hơn và tạo ra sản phẩm chất lượng hơn. Nó cũng tạo động lực cho các vụ vải sau. “Tôi hy vọng vụ vải này là tiền đề rất tốt để cho các vụ vải tiếp theo, kể cả doanh nghiệp lẫn người dân có hợp tác tốt hơn để làm sao chúng ta đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, kỹ thuật, tiến tới không lệ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào cả”- ông Trung nói.

Sau lô hàng đầu tiên của Công ty Ánh Dương Sao xuất đi Mỹ, đến ngày 10.6, một doanh nghiệp khác sẽ xuất lô vải đầu tiên sang thị trường Úc. Ông Trung cho biết: “Để xuất lô vải đầu tiên, theo đúng quy định của Úc, chúng tôi phải mời chuyên gia của Úc đến giám sát, kiểm tra và cơ quan BVTV Úc cử các chuyên gia sang, họ đã xuống hẳn cơ sở chiếu xạ để kiểm tra, giám sát. Về phía Cục BVTV sẽ cử cán bộ kiểm dịch xuống tận vùng trồng vải để sẵn sàng cấp giấy kiểm dịch tại chỗ cho doanh nghiệp để đưa đi làm thủ tục chiếu xạ”.

Hiện có một khó khăn đối với việc xuất khẩu vải thiều đi Mỹ và Úc, đó là do tại khu vực phía Bắc chưa có cơ sở chiếu xạ nào, nên sau khi thu mua vải ở Bắc Giang, Hải Dương, các công ty lại phải chở ngược vào TP.HCM dẫn tới mất thêm thời gian và chi phí. Về vấn đề này, ông Trung cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội thuộc Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia (Bộ KHCN) cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu chiếu xạ tại Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Dự kiến, Bộ KHCN sẽ đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng cơ sở này đủ điều kiện chiếu xạ và tới vụ vải năm sau 2016, việc chiếu xạ sẽ được thực hiện tại đây”.

Trung Quốc vẫn là thị trường chính

Theo Cục BVTV, năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu của Việt Nam tới 100.000 tấn quả vải tươi. Để chuẩn bị cho vụ vải năm nay, Cục BVTV đã chuẩn bị sẵn lực lượng để bổ sung làm công tác kiểm dịch cho 2 cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn và cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai, giúp làm thủ tục thông quan nhanh nhất. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem