222 tác phẩm gửi dự thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” sau 6 tháng phát động

Hà Thúy Phương Thứ ba, ngày 07/01/2020 17:30 PM (GMT+7)
Sau hơn 6 tháng phát động, cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đã nhận được 222 tác phẩm gửi đến dự thi, trong đó có nhiều nhà văn tên tuổi như Nguyễn Văn Thọ, Trần Thanh Cảnh, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Trí...
Bình luận 0

img

Ngày 7/1/2020, tại tòa soạn báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã diễn ra buổi hợp sơ kết 6 tháng cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Nông thôn Ngay nay/Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 – Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, với sự tài trợ kim cương của Công ty CP Ô tô Trường Hải.

Trong thời gian 6 tháng vừa qua, cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đã tổ chức 2 cuộc phát động tại Hà Nội (26/4/2019) và tại TPHCM (30/5/2019).

Tính đến hết tháng 11/2019 (tròn 6 tháng kể từ ngày phát động) cuộc thi đã nhận được 205 truyện dự thi và tính đến 5/1/2020 đã nhận được 222 truyện dự thi.

Trong ngày đầu tiên phát động 26/4/2019 đã có tác giả ở ĐH Sư phạm Thái Nguyên gửi truyện dự thi. Và tiếp đó, “Làng Việt thời hội nhập” đã thu hút một số nhà văn có tiếng gửi truyện tham gia: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Trí, Trần Chiến, Hoàng Minh Tường, Lê Thanh Cảnh... trong đó mỗi nhà văn đều tham gia 2-3 truyện.

img

Các tác giả gửi truyện dự thi ở hầu khắp cả nước, Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Lào Cai, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Gia Lai, Phú Yên, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long... Có tác giả ở vùng sâu vùng xa: Đỗ Văn Dinh (Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lầu Thí Ngài, Bắc Hà, Lào Cai); Lê Quang Thọ (GV Trường Phổ thông dân tộc nội trú xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đăk Lăk – đã có truyện được đăng Bụi thị thành)…

Các tác giả ở nhiều lĩnh vực ngành nghề như: Giáo viên, công chức, nhân viên văn phòng, nhà báo, nội trợ, nông dân...Có nhiều tác giả là hội viên, chủ tịch/phó chủ tịch Hội VHNT các tỉnh, thành.

img

Đặc biệt, cuộc thi có những tác giả tham gia là người tàn tật, viết tay bản thảo gửi đến, có người khiếm thị, tự đánh máy truyện gửi đến như tác giả Phạm Văn Thuận – Hội người mù huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương với truyện “Tết ở làng mang tên mới" – đăng 4/1/2020.

Số lượng truyện gửi đến dự thi chỉ sau 1/4 chặng đường của cuộc thi được đông đảo các nhà văn, tác giả đánh giá là thành công bước đầu của "Làng Việt thời hội nhập". Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - thành viên Ban sơ khảo - nhận xét các truyện gửi đến dự thi có chất lượng khá đồng đều, thể hiện được các vấn đề nổi bật của nông thôn hiện nay.

img

Tác giả Trần Thanh Cảnh (áo xanh) 

Tác giả Trần Thanh Cảnh chia sẻ: Là một người con của Bắc Ninh, ông cảm nhận rõ sự chuyển biến dữ dội của quê hương mình trên con đường hiện đại hóa từ làng lên phố. Bắc Ninh đang phát triển theo hướng đô thị với những biến động dữ dội. Hiện giờ nếu tới Bắc Ninh, sẽ không còn thấy hình ảnh làng quê Kinh Bắc nữa ngoài hai làng duy nhất ở Văn Giang. Ông đã viết hai truyện ngắn về sự phát triển hội nhập của Bắc Ninh và chắc chắn sẽ viết tiếp câu chuyện về đề tài này.

img

Nhà văn Hoàng Minh Tường (giữa) tâm đắc  từ cái tên đến ý nghĩa cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập"

Tác giả Hoàng Minh Tường xúc động trước sự tâm huyết của những người tổ chức cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập”. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, văn học đang mất dần đi giá trị của mình bởi những phương tiện giải trí khác. Theo ông, vấn đề nông thôn rất đáng phải suy nghĩ, cày xới, trong khi hiện nay nhiều nhà văn vẫn còn nhợt nhạt với cuộc đời, e sợ, né tránh những vấn đề như ruộng đất, thân phận con người, đất đai… Ông tâm đắc với cái tên của cuộc thi, và cho rằng cái tên rất trúng, gợi cho các nhà văn suy nghĩ về đề tài của mình. Nhà văn Hoàng Minh Tường mong muốn sự quảng bá của các tác phẩm được sâu rộng hơn, đến được với nhiều người đọc hơn, đặc biệt với hiện trạng báo động khi văn hóa hiện nay đang sa đà vào giải trí mà quên đi văn hóa đọc cùng các vấn đề khác trong cuộc sống.

Nhà báo, nhà thơ Lương Ngọc An – Báo Văn nghệ cho biết, các tác phẩm tham gia cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Truyện ngắn “Thằng T đã về chưa” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ hay truyện “Ông giám đốc nghĩa trang làng Mai” của nhà văn Nguyễn Hiếu có lượng người đọc gấp đôi mức trung bình. Điều đó cho thấy đây là cuộc thi có được sự quan tâm lớn của độc giả và nó đã thể hiện bằng chỉ số cụ thể.

img

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức cuộc thi - tin tưởng vào sự thành công của cuộc thi qua số lượng và chất lượng của những tác phẩm dự thi 6 tháng vừa qua và cho rằng tinh hoa bao giờ cũng xuất hiện vào phút chót.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến các nhà văn, tác giả đã nhiệt tình tham gia cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập”, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hoan nghênh, tạo điều kiện cho các nhà văn, tác giả có thêm cảm hứng và tư liệu sáng tác, như tổ chức các chuyến đi thực tế tới các vùng nông thôn để cùng các nhà văn thâm nhập và có cái nhìn sát sao hơn với cuộc sống của người nông dân hiện nay…

Cuộc thi sẽ tiếp tục diễn ra đến tháng 4/2021, dự kiến trao giải vào dịp 7/5/2021 -  kỷ niệm 37 năm ngày xuất bản số báo Nông thôn Ngày nay đầu tiên, với cơ cấu giải thưởng thuộc hàng cao nhất trong số các cuộc thi viết truyện ngắn từ trước đến nay, gồm: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì: 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba: 10 triệu đồng/giải; 10 giải khuyến khích: 3 triệu đồng/giải; giải thưởng cho tác giả có nhiều tác phẩm dự thi nhất: 5 triệu đồng/giải. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ trao các tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm hưởng ứng cuộc thi có chất lượng cao.

222 tác phẩm gửi dự thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” sau 6 tháng phát động - Ảnh 1.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem