24 giờ bão tố của Trump sau khi sa thải giám đốc FBI

Phương Đăng (theo CNN) Thứ sáu, ngày 12/05/2017 07:24 AM (GMT+7)
Vượt xa khả năng gây hoang mang, khó hiểu thường thấy của chính quyền Trump, vụ sa thải Giám đốc FBI James Comey, sau 24 giờ, vẫn là một tình thế bế tắc, kỳ lạ và có thể không thể xử lý được ở Washington.
Bình luận 0

img

Vụ sa thải giám đốc FBI James Comey kéo sóng gió bủa vây Tổng thống Trump

Tất cả bắt đầu bằng một tin sét đánh vào cuối chiều thứ Ba (9.5), Tổng thống Donald Trump đuổi việc ông Comey. Không ai từng nghĩ chuyện này sẽ xảy ra, vì giám đốc FBI đang dẫn đầu cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và mối liên hệ của các trợ lý chiến dịch của ông Trump với Moscow. 

Tuy nhiên, ông Trump đã bất chấp những hệ lụy về chính trị, đặc biệt là phản ứng tiêu cực từ dư luận để sa thải Comey. Đáng nói nhất là, lý do mà Tổng thống Mỹ đưa ra để sa thải ông Comey lại khiến toàn bộ sự việc kỳ lạ đến khó tin. Nhà Trắng đã dẫn một bản ghi nhớ của Phó Tổng chưởng lý Rod Rosenstein cho biết, lý do ông Comey bị sa thải là cách xử lý của ông liên quan đến bê bối email của bà Clinton. 

Thế nhưng trước đó, ông Trump từng ca ngợi ông Comey vì đã "dũng cảm" theo đuổi vụ bê bối của bà Clinton trong suốt chiến dịch tranh cử. Do đó, không có gì lạ khi nhiều thành viên đảng Dân chủ cho biết, lý do trên khó chấp nhận về mặt cảm quan.

Sau khi sa thải ông Comey, Nhà Trắng cũng tỏ ra lúng túng để giải thích về quyết định trên với báo giới.

Bản thân ông Comey cũng là một trong những người cuối cùng biết việc mình sa thải. Ông đang nói chuyện với các tân binh FBI thì thấy bản tin thông báo việc ông bị sa thải. Một nguồn tin tiết lộ, Comey nghĩ đây chỉ là một trò đùa nhưng vẫn gọi về văn phòng để xác nhận. 

Tại Washington, Trump đã cử một trợ lý hàng đầu đưa thư sa thải tới trụ sở của FBI trao tận tay cho ông Comey.

img

Giám đốc FBI James Comey là một trong những người cuối cùng biết tin mình bị sa thải

Nhà phân tích của CNN Jeffrey Toobin chia sẻ cảm giác bất ngờ và bình luận: "Chuyện này thật không bình thường". 

Thông tin ông Comey bị Tổng thống sa thải ngay lập tức khiến Washington chao đảo. Nhà báo Dana Bash của CNN cho biết, giới truyền thông không ngờ bản tin về giám đốc FBI lại gây ra phản ứng dữ dội như vậy.

Tại thời điểm đó, vào đêm thứ Ba, trợ lý báo chí Nhà Trắng Lindsey Waters lại tuyên bố sẽ không bình luận thêm về vụ việc. 

Nhưng trường hợp kỳ quặc nhất phải kể đến phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khi ông vào đêm thứ Ba phải nấp trong một bụi cây lớn cạnh Nhà Trắng để tránh báo giới. Đây được cho là một trong những phản ứng vụng về nhất của ông. 

Kết thúc đêm thứ Ba, sáng sớm ngày hôm sau, Trump đánh thức mọi người bằng một Twitter: "Khi mọi thứ bình ổn lại, họ sẽ phải cảm ơn tôi".

Nhưng mọi thứ đã không hề dịu đi. Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng cùng với Trump dường như trở thành một sự thách thức đối với dư luận.

Cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với một cơn bão chính trị sau vụ sa thải ông Comey. Người biểu tình đã rầm rộ xuống đường biểu tình yêu cầu chỉ định một công tố viên đặc biệt và độc lập để tiếp tục điều tra mối liên hệ của ông Trump và Nga.

Trong khi Washington đang chao đảo, phóng viên CBS News đã tiếp cận thành công Tổng thống Nga Putin và phỏng vấn ông về vụ việc. "Chúng tôi không có liên quan đến vụ sa thải Comey", Tổng thống Nga khẳng định.

Vào cuối ngày, bầu không khí ở Washington vẫn căng như dây đàn với bình luận của Thượng Nghị sĩ John McCain rằng, vụ Comey xứng đáng được liệt vào danh sách dài những bê bối đình đám ở của Washington.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem