28 sinh viên gian lận bị Bộ Công an trả vẫn được giữ kín danh tính

Thanh Phương Thứ ba, ngày 09/04/2019 15:52 PM (GMT+7)
Đại diện Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, Bộ đã bàn giao 28 sinh viên trúng tuyển được cho là có liên quan tới gian lận thi cử về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình.
Bình luận 0

Ngày 9.4, đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, trợ lý tuyển sinh, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã bàn giao 28 sinh viên trúng tuyển vào các trường công an nhân dân, được xác định liên quan gian lận điểm thi về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định.

img

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.

Trước đó, Bộ Công an đã nhận danh sách 64 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia do Sở GDĐT Hòa Bình gửi. Cục Đào tạo chuyển danh sách này về các trường trực thuộc Bộ Công an để xác minh và tìm ra 28 trường hợp có gian lận. 

Như vậy, việc xử lý thí sinh gian lận điểm thi ở Hòa Bình đối với các trường công an đã được xử lý xong. Đối với việc gian lận thi cử ở Sơn La, đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay, Cục Đào tạo chưa nhận được trả lời của Sở GDĐT Sơn La về thí sinh liên quan.

Mặc dù Bộ Công an đã chính thức đưa ra danh sách sinh viên Hòa Bình bị trả về đơn vị sơ tuyển, thế nhưng dư luận đang đặt ra dấu chấm hỏi về việc Bộ GDĐT kiên quyết giữ kín danh tính của các thí sinh gian lận thi cử này.

Nói về việc này, thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, cần công khai cả thí sinh lẫn phụ huynh vi phạm: "Tôi ủng hộ phương án công bố danh tính các thí sinh vi phạm. Thủ phạm dẫn đến sự gian lận đó là phụ huynh và học sinh là tòng phạm. Không thể có chuyện các học sinh vô can, vô tình trước các sai phạm. 

img

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Tôi đề nghị xử lý các phụ huynh và xét về bản chất sự việc thì đó là hành vi cố tình và chủ động hối lộ, thậm chí là lừa đảo. Pháp luật bất vị thân, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật nếu sai phạm. 28 thí sinh bị Bộ Công an trả về là con ai? Liệu có phải phụ huynh là quan chức (nếu có) mà bỏ qua sai phạm hay không? Nếu cố tình sai phạm càng phải xử lý sòng phẳng hơn. Cần rà soát lại các văn bản luật xem, liệu đã xử vi phạm công khai nhưng lại không công bố công khai tên người vi phạm, liệu có phạm luật không?".

Thầy Hiếu phân tích:

"Thứ nhất, người ta lý giải rằng làm như vậy sẽ dễ gây “tổn thương” về tâm lý cho thanh niên có điểm gian lận. Tôi thì không cho rằng như vậy. Đa số ai cũng biết hầu hết các thí sinh vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật đó không phải là dân thường. Sợ thí sinh “tổn thương” hay sợ phụ huynh sẽ bị kỷ luật, mất chức?

Thứ hai, các thí sinh khi tham gia dự thi và sau đó là trúng tuyển vào các trường đại học đều đã đạt hoặc gần đạt tuổi 18, tuổi trưởng thành để nhận thức được sai trái trong thi cử, đủ tuổi để hiểu ra hậu quả của gian lận khi bị phát hiện. 

Thứ ba, nếu đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng mà mức độ xử lý trước pháp luật không sòng phẳng, không tương ứng với hành vi vi phạm sẽ tạo ra sự gian dối mang tính “dây chuyền”. Gian lận khi thi, gian lận khi học đại học và gian lận khi đi làm. Hậu quả là tạo ra những “mẻ sản phẩm” gian dối vì quyền lực và tiền bạc. Và cách hành xử xem thường kỷ cương, pháp luật nhưng trọng tiền và quyền mà cha mẹ đã “dạy” từ thuở học sinh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem