Thông tin từ ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết sáng 28.2.
Theo đó, khi xuất khẩu sản phẩm gạo tấm sang Trung Quốc, có ba doanh nghiệp Việt Nam bị phát hiện có lẫn hạt cỏ vượt mức quy định của phía nhà nhập khẩu. Do đó, phía Trung Quốc đã có thông báo và tạm ngừng hẳn việc nhập khẩu gạo của ba đơn vị này. Tuy nhiên, các lô hàng bị phát hiện có lẫn hạt cỏ vẫn được phía Trung Quốc cho thông quan.
Ba doanh nghiệp Việt Nam bị phía Trung Quốc từ chối nhập khẩu gạo vì trong gạo tấm có lẫn hạt cỏ. (Ảnh minh họa).
Cũng theo ông Thiệt, “lỗi” này xảy ra do trước đây, khi thỏa thuận các điều kiện xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã chưa quy định rõ ràng. Đến khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo tấm vào thị trường này thì bị “bắt lỗi” có lẫn hạt cỏ vượt mức quy định. Hiện, ba doanh nghiệp này đã họp bàn và làm các giải trình để gửi phía cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc.
Như vậy, Việt Nam hiện còn 19 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo lắng với các quy định có phần không ổn định của Trung Quốc đối với sản phẩm gạo tấm nhập khẩu từ Việt Nam. Vì đây là thị trường lớn, trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 700.000 tấn gạo tấm sang Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm gạo, tấm của 3 doanh nghiệp Việt Nam nêu trên cũng ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường này nói chung. Phía Trung Quốc cũng đang ngày càng siết chặt hơn các tiêu chuẩn nông sản nhập khẩu vào nước này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đều nhận định, làm ăn với các đối tác Trung Quốc cũng rất… “hên xui”, doanh nghiệp dễ bị rơi vào thế bị động.
Bị phát hiện lô tấm lẫn hạt cỏ nhưng cả ba doanh nghiệp này đều bị cấm xuất khẩu các sản phẩm gạo trắng khác sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh tư liệu).
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An thông tin, vào ngày 24.1 vừa qua, phía Trung Quốc đã tạm ngưng việc nhập khẩu gạo từ ba doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ông Hồng cho rằng, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng lúa gạo nói riêng, tuy nhiên, quốc gia này cũng đang thay đổi nhiều chính sách về xuất nhập khẩu, siết chặt các vấn đề về quản lý chất lượng, bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế mậu dịch biên giới… Việc này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thương mại giữa hai bên, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Hồi đầu năm 2017, Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc bắt đầu dựng hàng rào kỹ thuật, tiến hành khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam khiến gạo Việt gặp khó khăn khi muốn thâm nhập thị trường này. Sau quá trình kiểm tra, khảo sát, phía Trung Quốc đã chính thức đồng ý cho phép 22 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của gạo Việt Nam, với khoảng 39% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt 1,56 triệu tấn và 700,7 triệu USD, tăng 32% về khối lượng và tăng 30,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.