Theo tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng, Bangkok (Thái Lan), Hawaii (Mỹ) và Singapore cũng là địa điểm được cân nhắc cho việc tổ chức hội nghị. Tuy nhiên, tuần trước, các nguồn tin Trung Quốc nắm được thông tin về cuộc gặp của ông Kim Jong Un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nhiều khả năng Việt Nam sẽ được chọn.
Lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ. Ảnh: AP.
Trước đó, báo Yomiuri của Nhật ngày 13.1 cũng đưa tin Mỹ cũng đề nghị chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị.
Các nhà quan sát cho biết, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên, và được coi là quốc gia trung lập. Năm 2006, Tổng thống Mỹ George W Bush từng đề cập tới sáng kiến Triều Tiên mới và làm dấy lên triển vọng về việc chính thức chấm dứt chiến tranh liên Triều lần đầu tiên, tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Hà Nội.
Koh Yu-hwan, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết, Hà Nội được chọn một phần là do gần Trung Quốc. "Có thể đi tới Hà Nội bằng đường bộ, qua Trung Quốc... Điều đó sẽ làm Bình Nhưỡng phần nào bớt gánh nặng trong việc bảo vệ ông Kim Jong Un".
Năm ngoái, khi ông Kim Jong Un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore, chính Trung Quốc đã đảm bảo an ninh cho chuyến bay của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Lee Yun-keol, cựu vệ sĩ cho gia đình người đứng đầu Triều Tiên, từng cho biết, lộ trình của nhà lãnh đạo Kim Jong Un luôn là mối quan tâm chính của người Triều Tiên vì họ luôn sợ các âm mưu ám sát.
Zhao Tong, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về chính sách toàn cầu ở Bắc Kinh (Trung Quốc) nói, Việt Nam "đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn cần thiết" để là nơi tổ chức hội nghị giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên.
"Việt Nam từng là một quốc gia khép mình nhưng hiện giờ đã mở cửa hơn và kết nối với cộng đồng quốc tế. Đó là một tiền lệ mà Triều Tiên có thể học tập và đi theo", ông Zhao Tong nói và cho biết thêm, Trung Quốc - đồng minh duy nhất của Trung Quốc, cũng rất ủng hộ cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un với người đứng đầu nước Mỹ.
Ông Koh cũng lập luận: "Thông qua hai cuộc gặp, phía Mỹ có thể cũng muốn truyền đi một thông điệp mang tính tượng trưng rằng Triều Tiên có thể lựa chọn các mô hình kinh tế như Singapore hoặc Việt Nam".
Hoài Linh (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.