Ngành mía đường đã 3 năm liên tiếp gặp khó (Ảnh: IT)
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2018 - 2019 cũng đánh dấu là năm thứ ba liên tiếp ngành đường tiếp tục gặp khó khăn trước tình hình giá cả thị trường và điều kiện thời tiết bất lợi.
“Vòng luẩn quẩn” của ngành mía đường
Theo VSSA, niên vụ mía đường 2018/2019 là năm thứ ba liên tiếp nhiều doanh nghiệp (DN) ngành mía đường đã nhìn thấy trước khả năng… thua lỗ. Nguyên nhân vẫn là các yếu tố được xác định từ… “vài năm nay”, với các vấn đề chủ yếu là: Tồn khá lớn từ trước, buôn lậu đường chưa giảm; đặc biệt là tiếp tục gia tăng nhập khẩu đường lỏng.
Cụ thể, báo cáo của VSSA, hiện nay cả nước đã có tới 36 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995. Diện tích mía của cả nước cũng vào khoảng 300.000 ha, tăng lên khoảng 10 lần so với năm 1995. Với quy mô này, hàng năm ngành mía đường sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường (với giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng). Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn tồn kho khoảng 650.000 tấn đường và đây là mức tồn kho kỷ lục từ trước đến nay.
Trong khi đó, đường lậu không thuế của một số nước lân cận, đặc biệt là Thái Lan luôn tràn ngập thị trường. Theo đó, với mức sản xuất khoảng 15 triệu tấn đường/ năm, trong khi mức tiêu thụ trong nước của Thái Lan chỉ hơn 2 triệu tấn, khiến lượng đường dư thừa được xuất sang các nước, đặc biệt là Việt Nam khá lớn và “không thể kiểm soát được” khi giá thành luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước khoảng 1.000 đồng/kg.
Thêm vào đó, lượng đường lỏng tiếp tục được nhập khẩu ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn, thì năm 2018 nhập khẩu tới 140.000 tấn, tăng gấp 3 lần... khiến tình hình cạnh tranh của các DN mía đường ngày càng thêm khó.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết giá đường vẫn ở mức thấp, phổ biến khoảng 10.500 đồng/kg đối với đường kính trắng RS và mức giá này đang dưới giá thành, trong khi hàng làm ra tồn quá nhiều và nhiều DN lớn “ngưng mua” để chờ tín hiệu từ ATIGA nên nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.
“Do tác động của thị trường giá cả trong nước và quốc tế, giá mía nguyên liệu và diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết đã làm cho mía trổ cờ sớm và sâu bệnh nên diện tích, năng suất mía đang giảm mạnh. Vì vậy, ước thực hiện niên vụ 2018-2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017”, ông Doanh, cho hay.
Cũng theo ông Doanh, dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019-2020 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, năng suất ước tính sẽ giảm so với niên vụ 2018-2019 khi diện tích trồng mía trên toàn quốc chỉ còn khoảng 220.000 ha; sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn, giảm 5% so niên vụ 2018-2019.
“Kẻ mừng, người lo”
Trước tình hình dự báo khó khăn có thể sẽ tiếp tục kéo dài, một số DN ngành mía đường đang niêm yết trên sàn chứng khoán đã có sự điều chỉnh về các chỉ số kinh doanh trong niên vụ mới.
Tại Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS), DN này đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu tăng nhẹ 2% lên mức 8.400 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm từ 1.405 tỷ về chỉ mức 240 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng chỉ còn bằng 1/6 so với năm 2018, xấp xỉ 199 tỷ đồng. Tuy nhiên, giải thích việc giảm các chỉ tiêu lợi nhuận, QNS cho rằng, việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp do liên quan đến hệ thống lương thưởng và quản trị nội bộ cũ; đồng thời cũng tạo động lực cho các đơn vị trong công ty tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động.
Có lẽ việc điều chỉnh lợi nhuận giảm mạnh này khiến cổ phiếu QNS đã liên tục "đỏ sàn" 8 phiên liên tiếp, hiện giá cổ phiếu QNS là 42.000 đồng/CP.
Được biết, thời gian qua QNS đã đầu tư rất lớn cho mảng mía đường với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông năm 2019 vừa qua (ngày 30.3.2019), QNS tiếp tục thông qua việc đầu tư dự án đường RE với tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng. Theo QNS, tổng vốn đầu tư này được dùng cho dự án sản xuất đường tinh luyện RE và sắp tới sẽ đầu tư dự án Ethanol để tối ưu hóa hiệu quả chuỗi mía đường – điện sinh khối – Ethanol.
Trong khi đó, với “vua mía đường” Thành Thành Công (Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, mã chứng khoán: SBT), DN này dự kiến sản lượng đường tiêu thụ quý III (01/01 - 31/03/2019) niên độ 2018 - 2019 tăng 31% với hơn 163.000 tấn đường. Doanh thu thuần ước đạt 2.404 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 287 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ và tăng 349% so với 6 tháng đầu niên độ.
Lũy kế 9 tháng, SBT tiêu thụ 550.000 tấn đường, bằng 65% kế hoạch. Doanh thu thuần 8.062 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế không thấp hơn 350 tỷ đồng và bằng 50% kế hoạch năm (sản lượng đường tồn kho với giá vốn cao đã tiêu thụ hết).
Theo nhận định của Chứng khoán TP.HCM (HSC), trong niên độ 2018 - 2019, SBT có thể đạt doanh thu thuần 10.610 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước khoảng 518 tỷ đồng với giả định sản lượng tiêu thụ 750 ngàn tấn, tăng 31% cùng kỳ. Riêng niên độ 2019-2020, công ty chứng khoán này cũng dự phóng doanh thu thuần của SBT có thể đạt 11.954 tỷ đồng, tăng 13% và lãi trước thuế 740 tỷ đồng, tăng 12%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.