3 năm triển khai Đề án 1 tỷ cây xanh: Trồng được 770 triệu cây, vượt 121% kế hoạch
3 năm triển khai Đề án 1 tỷ cây xanh: Trồng được 770 triệu cây, vượt 121% kế hoạch
P.V
Thứ sáu, ngày 17/05/2024 12:35 PM (GMT+7)
Sau 3 năm thực hiện Đề án "trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", cả nước đã trồng được 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm: 335 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung.
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17/5, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh "vì một Việt Nam xanh" của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024 tổ chức tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nhơn Trạch, khu vực này chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh và khu vực đô thị trong tương lai rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, nhằm đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng, phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng. Đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh "vì một Việt Nam xanh" của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 trồng 20 triệu cây xanh các loại, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Kết quả, sau 3 năm thực hiện chương trình đã trồng được 12,3 triệu cây xanh các loại, đạt 61,5% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm. "Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp tốc độ đô thị hóa nhanh và là địa phương bảo vệ tốt diện tích 181.000 ha rừng thì việc trồng cây xanh càng có ý nghĩa hơn, qua đó, góp phần ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh trên địa bàn tỉnh là 52%, tỷ lệ che phủ rừng 28,92% hoàn thành và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh", ông Phi nói.
Cho rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa lớn, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Phạm Hồng Lượng khẳng định, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; các cấp, các ngành và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.
Sau 3 năm thực hiện Đề án "trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025", cả nước đã trồng được 770 triệu cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm: 335 triệu cây xanh phân tán và trồng mới 435 triệu cây xanh tập trung. Theo đó, nhiều địa phương trồng cây xanh đạt kết quả cao trên 30 triệu cây như: Lào Cai, Phú Thọ, Long An, Gia Lai, Nghệ An; trên 20 triệu cây: Lai Châu, Lâm Đồng, Kom Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương như: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt và trồng được 49,2 triệu cây xanh; Bộ Quốc phòng tổ chức trồng được trên 9,58 triệu cây phân tán và hơn 4.800 ha rừng trồng; tỉnh Đồng Nai trồng được gần 13 triệu cây xanh, cao nhất các tỉnh miền Đông Nam bộ.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia tích cực thực hiện Đề án điển hình như: Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA, Ngân hàng Agribank, Công ty Toyota Việt Nam và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác trên khắp mọi miền của tổ quốc. Nguồn lực thực hiện, đã thu hút được gần 9.450 tỷ đồng, từ nhiều nguồn vốn nhất là từ vốn xã hội hóa 4.110 tỷ đồng (chiếm 43,5%); vốn ODA và nguồn vốn khác: 3.090 tỷ đồng chiếm 32,7%; vốn ngân sách nhà nước 2.250 tỷ đồng (chiếm 23,8%).
Riêng năm 2023, cả nước đã trồng được 260.000 ha rừng trồng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14,4 tỷ USD, trong đó xuất siêu là 12,2 tỷ USD; sản lượng khai thác đạt trên 22 triệu m3 gỗ; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì 42,02%; công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực, theo hướng giảm cả về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 4.130 tỷ đồng, trong đó lần đầu tiên dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng gần 1.200 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành; đóng vai trò quan trọng trong kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Năm 2024, nhằm đạt được những chỉ tiêu tốc độ gia tăng sản xuất lâm nghiệp từ 3,5% đến 4%; trồng rừng 245.000 ha; trồng mới 127 triệu cây xanh; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ 15,2 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng; duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, ông Lượng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và du lịch sinh thái, nâng cao giá trị đa dụng của rừng, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các Chương trình, Đề án trọng điểm khác của ngành Lâm nghiệp.
Việc tổ chức phát động "Tết trồng cây" phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; trồng cây xanh phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa-lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.
Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom, cây rừng đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ, thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.
Tăng cường công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động nguồn cung nguyên liệu hợp pháp cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.
Phát triển dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khai thác lợi thế, giá trị về tài nguyên thiên nhiên, gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; phát triển nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon nhằm đóng góp thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.