Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu: Đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng và trồng rừng gỗ lớn
Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu: Đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng và trồng rừng gỗ lớn
Nhóm P.V
Thứ ba, ngày 07/11/2023 09:10 AM (GMT+7)
Sáng 7/11, báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu", nhằm tạo diễn đàn tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng theo hướng đa giá trị, thúc đẩy xuất khẩu gỗ bền vững.
TỌA ĐÀM Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu Đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng và trồng rừng gỗ lớn.
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng hiện nay của Việt Nam khoảng 14,74 triệu ha, trong đó rừng trồng chiếm 4,57 triệu ha (31%), rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha (69%). Trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỷ lệ che phủ rừng sẽ từ 42-43%, giá trị sản xuất tăng từ 5 - 5,5%, mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD, năm 2030 đạt 23-25 tỷ USD.
Hiện nay, cả nước có hơn 6.000 doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung tại Đông Nam Bộ tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Trước đây, nguyên liệu sản xuất Việt Nam phải nhập hoàn toàn từ các nước, nhưng đến nay số liệu nhập khẩu đã giảm dần. Đây được coi là một thành công trong việc cải thiện giống và trồng rừng, đặc biệt là các loài keo, bạch đàn, cao su, và một số loài cây gỗ bản địa khác đem lại giá trị xuất khẩu cao.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, rừng không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn đem lại giá trị về môi trường và xã hội, đặc biệt đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho người dân sinh sống tại khu vực có rừng, thông qua đó để tổ chức lại cộng đồng.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, hiện nay các cơ chế chính sách trong trồng rừng gỗ lớn, tích hợp các giá trị của rừng chưa được đồng bộ; chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, vai trò; việc trồng rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng chưa được quan tâm đầu tư; chưa phát huy được liên kết chuỗi giá trị rừng nguyên liệu…
Ngoài ra, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, phức tạp, trong khi nhân sự và công nghệ chưa được đầu tư thích đáng.
Nhằm tạo diễn đàn tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng theo hướng đa giá trị, khai thác hiệu quả các giá trị từ rừng, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gỗ bền vững…, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị rừng nguyên liệu".
Đến dự buổi Toạ đàm trực tuyến ngày hôm nay, xin trân trọng giới thiệu:
- Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (tham gia qua zoom).
- Ông Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Ông Vũ Thành Nam - Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
- Ông Nguyễn Văn Diện – Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Về phía Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, xin được trân trọng giới thiệu ông Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập thường trực của báo.
Nhiều thành công trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Những năm gần đây, diện tích rừng của Việt Nam khá ổn định, dao động quanh 14,6-14,7 triệu ha. Điều đó chứng tỏ Chính phủ, các địa phương cũng như cộng đồng xã hội đang rất chú trọng việc bảo vệ rừng gắn với phát triển rừng trồng.
Nói về những giải pháp chính trong việc phát triển, quản lý, bảo vệ rừng, ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:
Thời gian qua, diện tích rừng của chúng ta tăng lên rất nhanh, để đạt được kết quả này là nhờ tổng hợp các giải pháp tổng thể của Chính phủ, Trung ương, chính quyền địa phương, đến người dân, góp phần đạt độ che phủ rừng.
Giải pháp nữa là chúng ta đã thực hiện việc giao đất giao rừng rất hiệu quả, rừng không những có chủ, mà còn tạo điều kiện cho người dân trồng rừng tiêu thụ được sản phẩm do mình trồng, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra.
Các chính sách nữa mà tôi muốn đề cập là chính sách môi trường rừng, chính sách trồng mới 5 triệu ha rừng, chính sách lâm nghiệp bền vững 5 năm… Tát cả các chính sách này đều góp phần đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, tiêu thụ gỗ rừng trồng đến nay đã đạt 20 triệu khối gỗ rừng trồng được tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu gỗ cho xuất khẩu hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, diện tích rừng của chúng ta tăng lên rất nhanh, để đạt được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội; sự vào cuộc của các Bộ ban ngành, đóng góp của hơn 6.000 DN chế biến gỗ đạt thành tựu hết sức phấn khởi.
Diện tích rừng trồng tăng 5-5,5% hàng năm, độ che phủ đạt chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra, tạo công ăn việc làm cho hơn 2 triệu nông dân, và rừng trồng chính là nguồn cung cấp chính cho công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu.
Chúng ta đã có nhiều giải pháp, một số giải pháp hết sức căn cơ, những cơ chế chính sách, tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển nhờ trồng rừng.
Chúng ta đã thay Luật bảo vệ phát triển rừng thành Luật lâm, xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật theo chuỗi, từ trồng, bảo vệ khai thác thương mại, định hướng này đã làm thay đổi giá trị, nhận thức dẫn tới hành động thay đổi trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Luật Lâm nghiệp còn hài hòa với Luật đất đai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Chúng ta xác định Luật lâm nghiệp phát triển đa dạng, da dụng để có chính sách về dịch vụ môi trường rừng phát triên, du lịch sinh thái, trên cơ sở đó đóng cửa rừng; yếu tố then chốt để bảo vệ rừng hiệu quả nhất từ trước tới nay. Chúng ta đã giao đất giao rừng, thể hiện vai trò làm chủ của người trồng rừng, để dân chủ động sản xuất, kinh doanh bảo vệ rừng.
Về giải pháp công nghệ, ngành lâm nghiệp đến nay đã tiên phong ứng dụng công nghệ, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chúng ta đã dùng các công nghệ phát hiện đám cháy sớm, đây là giải pháp bảo vệ rừng tốt hơn.
Chúng tôi có công nghệ phát hiện biến động của rừng, ngăn chặn kịp thời phá rừng và phục hồi rừng bị mất, công nghệ thông tin trong chế biến gỗ và lâm sản, DN ta ứng dụng rất sâu, DN bán hàng qua online, dịch Covid-19 những năm qua như vậy nhưng bán hàng gỗ của ta vẫn tốt, đạt 11,7 tỷ USD.
Về tổ chức thực hiện, chúng ta có lực lượng kiểm lâm hùng hậu với 12.000 cán bộ kiểm lâm, đội ngũ này cầm tay chỉ việc cũng là đội ngũ kiểm lâm cơ sở, giúp chính quyền địa phương, rồi tuyên truyền vận động dân tham gia bảo vệ rừng, đây là các giải pháp căn cơ để bảo vệ rừng.
Về việc cấp chứng chỉ rừng bền vững, ông Trần Lâm Đồng– Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia tiếp cận chứng chỉ rừng từ sớm, từ năm 2006, Việt Nam đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Tuy nhiên hiện nay rừng của bà con quản lý còn hạn chế, nhỏ lẻ.
Năm 2017, khi Luật Lâm nghiệp ban hành diện tích rừng có chứng chỉ còn khiệm tốn, đạt khoảng 250.000 ha. Để thúc đẩy thực hiện, năm 2018 Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trong đó giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS).
Hệ thống VFCS được xây dựng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc tế PEFC, được PEFC công nhận, cho phép sử dụng nhãn mác và vận hành từ 2019. Đến nay cả nước đã có khoảng 435.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 150.000 ha chứng chỉ rừng VFCS/PEFC.
Như chúng ta biết, vài trò của chứng chỉ rừng bền vững rất quan trọng, chúng ta là nước xuất khẩu gỗ, lâm sản lớn. Hiện, chúng ta đứng thứ 5 về lâm sản, gỗ.
Để đưa nhiều sản phẩm vào các nước Mỹ, quốc gia nhập khẩu, thị trường khó tính đều đòi hỏi cần các chứng chỉ rừng bền vững. Qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm lâm sản, tăng thu nhập cho người trồng rừng.
Hiện diện tích rừng trồng mới của nước ta đã đạt gần 5 triệu ha nhưng có nhiều vấn đề trong việc trồng rừng. Để đạt năng suất cao và hiệu quả, chúng ta phải đạt chứng chỉ rừng bền vững.
Những thách thức trong quản lý, bảo vệ rừng
Liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong rừng trồng gỗ lớn, ông Vũ Thanh Nam cho rằng, trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho các hộ gia đình, mà còn giúp giảm xói mòn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Hiệu quả của rừng gỗ lớn so với rừng gỗ nhỏ đã được khẳng định, song loại rừng này vẫn chưa phát triển tương xứng.
Theo thống kê hiện tại diện tích rừng trồng sản xuất vào khoảng 4 triệu ha, chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân quản lý, chiếm trên 60%. Đặc điểm nữa là rừng trồng của chúng ta chủ yếu là các loài cây mọc nhanh, cây trồng rừng tầm 5-6 tuổi là chúng ta đã khai thác rồi. Diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện nay đang được chuyển hóa khá khiêm tốn, có 440.000 ha, chiếm hơn 10% tổng rừng trồng sản xuất (với cây trồng rừng trên 10 tuổi).
Nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn và vướng mắc trong trồng rừng gỗ lớn, đó là:
Thứ nhất, quỹ đất quy hoạch trồng rừng gỗ lớn quy mổ nhỏ, nhiều chỗ dưới 1ha manh mún, phân tản, không liền vùng.
Thứ hai, trồng rừng gỗ lớn cần thời gian dài, người dân cần tiền phát triển kinh tế mà thời gian thì mất nhiều nên đây cũng là một trong những rào cản lớn.
Thứ ba, do chu kỳ dài nên câu chuyện vay vốn, tiếp cận vốn vay khó, tuy chính sách nhà nước cũng đã có những hỗ trợ nhất định nhưng cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu.
Thứ tư, trồng rừng gỗ lớn có nhiều rủi ro như gió bão, thiên tai, gây thiệt tại cho bà con. Ví dụ như trồng rừng gỗ lớn dọc biển miền Trung chẳng hạn, trong suốt 10 năm thì cũng sẽ có những trận bão, lũ gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân.
Thứ năm là khó khăn về giống và biện pháp canh tác, trồng rừng gỗ lớn đòi hỏi giống khác, biện pháp kỹ thuật lâm canh có những hạn chế khi áp dụng quy mô hộ gia đình.
Cuối cùng là liên kết giữa các doanh nghiệp, mặc dù đã phát triển trong thời gian vừa qua nhưng cũng còn hạn chế và chưa phổ biến.
Đó là khó khăn, trở ngại lớn nhất trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn để phục vụ nguyên liệu chế biến gỗ xây dựng và xuất khẩu.
Về những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ rừng hiện nay, ông Nguyễn Văn Diện – Trưởng phòng Thông tin và Chuyển đổi số, Cục Kiểm lâm cho biết: Trong khâu quản lý bảo vệ rừng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều thành tích về bảo vệ rừng, số vụ cũng như các thiệt hại năm sau đều giảm hơn năm trước theo thống kê của Cục Kiểm lâm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn có những vụ phá rừng, cháy rừng làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng cũng như tài sản của nhân dân, đất nước.
Trong công tác bảo vệ rừng hiện nay đang có những khó khăn, nhất là khó khăn nội tại của ngành đó là, địa bàn là vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, cây lâm nghiệp có khả năng cạnh tranh với các cây công nghiệp rất kém, không thể cạnh tranh được. Đây cũng là một trong những áp lực trong công tác bảo vệ rừng.
Nếu chỉ tính riêng về giá trị kinh tế của rừng đối với người dân ở gần rừng thì rất thấp. Đây là một trong những nguyên nhân, khó khăn nội tại của ngành.
Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta vẫn còn tồn tại khoảng 3 triệu ha rừng do UBND các xã đang tạm quản lý, đây là một trong những nguyên nhân khiến dễ bị các đối tượng xâm lấn
Về vấn đề di dân tự do, chúng ta đã có những giải pháp rất là căn cơ và chúng ta đã nghiên cứu vấn đề này rất sớm; tuy nhiên hiện nay vẫn chưa hiệu quả. Di dân tự do cũng làm cho việc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu đất canh tác, đặc biệt với đối với đồng bào dân tộc ít người cũng là một trong những khó khăn. Chúng tôi thấy ở vùng Tây Nguyên có chất đất rất tốt, địa hình khá bằng phẳng, người dân có thể dễ dàng tác động đến rừng để có đất canh tác
Chính quyền một số nơi, một số địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình. Chủ rừng vẫn chưa làm hết trách nhiệm, năng lực quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng vẫn còn hạn chế.
Cơ hội từ trồng rừng gỗ lớn
Quảng Trị là một trong những địa phương đạt được nhiều thành tựu trong phát triển rừng gỗ lớn, liên kết trồng rừng. Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong tổng số 23.400 ha rừng trồng gỗ lớn FSC mà Quảng Trị đang có tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp gồm: Bến Hải, Triệu Hải và Đường 9 với khoảng trên 17.000 ha, diện tích còn lại ở các hộ dân và hợp tác xã.
Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế FSC đối với rừng tự nhiên. Theo đó, 2.145ha rừng tự nhiên của 5 thôn tại các xã: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh của huyện Hướng Hóa được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon vào tháng 10/2022, với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Kết quả này mang đến cơ hội cho các chủ rừng cộng đồng trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ và chi trả tự nguyện cho dịch vụ hệ sinh thái do Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế FSC khởi xướng trên toàn cầu.
Cũng theo ông Đồng, kết quả này đã có tác động đến việc thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị, thúc đẩy tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030, với mục tiêu sản xuất khoảng 4.000 tấn hạt trẩu, tương đương trị giá thương mại khoảng 50 tỷ đồng/năm cho nông dân khu vực miền núi.
Với diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng nhận quản lý bền vững FSC nói trên đã tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô.
Lâm sản ngoài gỗ là khoảng 30.000 tấn tre nguyên liệu có chứng nhận FSC nằm trong diện tích rừng ở trên giúp Quảng Trị có cơ hội tạo vùng nguyên liệu cho Công ty Water Solution South-East Asia để sản xuất khoảng 10.000 tấn than tre sinh học/năm, tạo ra giá trị thương mại lớn cho nông dân, đóng góp hấp thụ lâu dài 20.000 tấn Co2 hằng năm dưới hình thức than sinh học.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ từ rừng trồng của khu vực miền Trung.
Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2022 -2025 tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện gồm: Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh với khoảng 5.000 ha. Qua đó nâng diện tích rừng loại này lên khoảng 28.000 ha, đến năm 2030 phấn đấu đạt 30.000 ha. Để phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn cần có thêm chính sách, hoạt động hỗ trợ, tạo động lực để nhiều hộ dân tham gia.
Với mục tiêu hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đề án Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030.
Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng, ông Vũ Thành Nam cho biết: Trong đó có các kể hoạch 5 năm như trong giai đoạn từ 2015 đến 2020 hay từ 2020 đến 2025. Trong đó có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng như hỗ trợ 8 triệu/ha để bà con trồng rừng gỗ lớn.
Hay chúng ta cũng đã có những đề án, chương trình phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng hiệu quả từ 2025 đến 2030.
Đặc biệt là 2 chính sách lớn. Thứ nhất là Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển liên kết, hợp tác liên kết trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ.
Theo đó, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ có 7 hình thức liên kết: (1) Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (2) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (3) Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp; (4) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (5) Liên kết tổ chức sản xuất thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (6) Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ phẩm nông nghiệp; (7) Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ phẩm nông nghiệp.
Thứ 2 là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hiện Bộ đã trình Chính phủ ban hành một số chính sách, hay như chính sách cho vay người trồng rừng gỗ lớn phát triển kinh tế hiệu quả hơn.
Hiện Bộ xây dựng và đang ban hành đề án riêng về trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2023 đến 2030, dự kiến Bộ sẽ phê duyệt đề án này vào năm nay trong đó có các cơ chế, chính sách về hợp tác, liên kết phấn đầu cuối năm 2030 chúng ta có 1 triệu ha rừng gỗ lớn. Trên cơ sở khoảng trên 440.000ha và chúng ta cần phát triển thêm trên 500.000ha rừng nữa là đạt kết quả này.
Về vấn đề suy thoái năng suất rừng hiện nay, ông Trần Lâm Đồng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết:
Hiện chúng ta đang có khoảng 4 triệu ha rừng sản xuất cung cấp khoảng 20 triệu m3 gỗ, trồng chủ yếu các loại keo, bạch đàn, quế, thông.
Tuy nhiên đúng là có tình trạng suy thoái năng suất rừng trồng hiện nay. Theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng giống cây rừng đang là vấn đề có nhiều bất cập.
Với rừng trồng thì khâu giống rất quan trọng, các đơn vị đầu ngành của chúng tôi đều có nghiên cứu cho ra các giống keo, bạch đàn; chuyển giao nhiều giống mới cho bà con, nhưng trong quản lý sử dụng giống cây rừng của chúng ta đang còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, xử lý.
Tôi lấy ví dụ thực tế hiện nay, tỷ lệ giống cây rừng có nguồn gốc xuất xứ chưa cao, giống áp dụng các tiến bộ kỹ thuật cũng còn thấp, như giống nuôi cấy mô còn ít, đa số bà con đang sử dụng giống cây rừng trôi nổi, chất lượng giống chưa được kiểm soát, nên có xu hướng gây suy thoái năng suất.
Giống mới nhiều song việc chuyển giao các giống này vào sản xuất cho bà con còn gặp nhiều khó khăn, bà con quen sử dụng giống lâu năm như keo lai nên không chịu thay đổi giống mới.
Chúng tôi đã phổ biến các giống mới, chia sẻ cho bà con biết, hầu hết giống ghi rõ thích hợp vùng nào, năng xuất bao nhiêu, thích ứng khí hậu ra sao để bà con có những chọn lựa phù hợp.
Suy thoái năng suất rừng còn do sâu bệnh, dịch bệnh, dịch với rừng rất khó chữa, không có thiên địch để kiểm soát như cây keo của chúng ta đang bị nhiều bệnh, không đáp ứng được cho làm gỗ xẻ. Ngoài ra, gió bão cây keo yếu, nên việc trồng keo bền vững rất khó, tất cả góp phần làm suy thoái năng suất rừng trồng hiện nay.
Giải pháp của chúng ta đưa ra hiện nay là trồng rừng kết hợp phát triển lâm sinh vân đề này hiện nay đang rất được chú trọng, cụ thể chúng tôi khuyến khích bà con trồng thêm cây rừng, trồng thêm cây gỗ lớn, thay vì độc canh vài loại cây rừng. Các giải pháp này đều được Bộ coi là các giải pháp kỹ thuật, bên cạnh đó là nghiên cứu thêm các loại phân bón, chế phẩm sinh học để bón cho cây cũng được in ấn để làm sao cải tạo được năng suất rừng của mình. Chúng tôi cũng mong các thông tin này được đẩy mạnh để tuyên truyền tới bà con, từ đó áp dụng các chính sách cải tạo năng suất rừng trồng được thực hiện tốt hơn.
Về các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng, ông Trần Lâm Đồng cho biết, ngoài keo, bạch đàn là những loại cây dễ trồng và quen thuộc thì chúng ta còn tiềm năng lớn về mảng các loài cây về lâm sản ngoài gỗ đó là cây dược liệu, cây gỗ có giá trị khác.
Thực hiện chủ trương của Bộ NNPTNT về phát triển kinh tế dưới tán rừng, hay giá trị đa dụng của rừng thì Viện cũng thực hiện nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này. Trong đó, có thể phân các nhóm nghiên cứu như sau:
Nhóm các loại cây lâm sản ngoài gỗ: Viện đã thực hiện nghiên cứu các loại cây có giá trị như sâm Lai Châu, tam thất hoang, khôi tía, sa nhân, ba kích, thảo quả, và nhiều loại cây dược liệu khác như đẳng sâm, bách bộ, kim tuyến,… Những loài cây lâm sản ngoài gỗ khác như dẻ trùng khách, mắc ca, sơn tra, và những loại cây họ tre khác,…
Cũng có nhiều loại cây có giá trị, kể ra thì sẽ có rất nhiều mô hình cụ thể. Hiện Viện đã đúc rút thành các nguồn giống, quy trình kĩ thuật nhân giống và trồng, từ thí nghiệm đến chuyển giao sản xuất ở nhiều địa phương. Tùy theo từng loại cây thích hợp với trừng điều kiện lập địa, thời tiết vùng khác nhau, từ đó bà con có thể tham khảo để chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai của mình.
Viện cũng thực hiện nhiều nghiên cứu cây đa mục đích, vừa cho gỗ vừa cho nhiều giá trị khác như cây dổi ăn hạt, cây ươi, cây trám, cây xoay, cây quế, cây óc chó,…, Viện cũng đã chuyển giao cho một số địa phương và mang lại hiệu quả rõ.
Ví dụ so trồng rừng quế với rừng keo thì lợi nhuận mang lại rất nhiều. Ở đây cũng có một điểm lưu ý đó là không phải đất nào cũng trồng được những cây quý đó, cần phải có những yêu cầu về lập địa, thời tiết.
Về vấn đề phát triển kinh tế, canh tác dưới tán rừng, Viện cũng đang tiếp tục nghiên cứu, có 2 vấn đề cần được quan tâm, đó là:
- Về chính sách thì quy định của nhà nước, nếu chúng ta không kiểm soát mà phát triển ồ ạt thì cũng không được. (Ví dụ rừng đặc dụng, phòng hộ thì chỉ được phép trồng và phát triển một phần nào đó).
- Về kỹ thuật, đối với rừng tự nhiên nếu quản lý không tốt sẽ gây ra suy thoái nền rừng và có thể gây ra mất rừng.
Hiện, không phải chỗ nào cũng trồng được cây gỗ quý, cây dược liệu có giá trị, Viện cũng khuyến cáo bà con cần có kiến thức về địa hình và tham khảo những hướng dẫn giống, kỹ thuật trồng của Viện để tham gia phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Ông Vũ Thành Nam, Trưởng phòng Sử dụng rừng, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, hiện nay để quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng, Bộ NNPTNT đã ban hành thông tư số 28/2018 quy định quản lý rừng bền vững, trong thông tư này đã quy định rất rõ các bước để xây dựng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Để khu rừng có chứng chỉ rừng thì chủ rừng phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của các tổ chức cấp chứng chỉ. Sau đó, có đơn vị vào đánh giá và đạt được yêu cầu đó thì sẽ được cấp chứng chỉ.
Hiện nay, Việt Nam có 2 loại chứng chỉ rừng, đó là hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) và đã được PEFC công nhận, có giá trị tương đương với các chứng chỉ của FSC. Thứ hai là chứng chỉ FSC.
Tính đến tháng 9/2023 tổng diện tích rừng của Việt Nam cả 2 loại chứng chỉ VFCS và FSC gần 500.000ha, chúng ta đạt hơn 90% mục tiêu đặt ra vào năm 2025 và đến 2030 đặt mục tiêu 1 triêu ha có chứng chỉ theo đề án quản lý rừng bền vững tại Quyết định 1288/2018.
Còn đối với diện tích rừng thuộc hệ thống chứng chỉ VFCS mới hình thành nhưng cũng đã phát triển nhanh, hiện đạt 152.000ha. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ rừng còn gặp một số khó khăn, đó là tiêu chí đánh giá trình độ của chủ rừng trong khi đó chủ rừng của chúng ta diện quy mô nhỏ, trình độ có hạn; chi phí phụ thuộc vào trình độ của chủ rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.