Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (mã VJC) công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với kết quả khả quan.
Lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 6.000 tỷ, tài sản của nữ tỷ phú tăng thêm 1.200 tỷ đồng
Cụ thể, tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kết hoạch; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 5.830 tỷ đồng.
Doanh thu vận tải hàng không đạt 33.815 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước và đạt 112% so với kế hoạch. Doanh thu phụ trợ tăng trưởng 57% so với cùng kỳ, trong đó cơ cấu doanh thu phụ trợ có sự chuyển dịch từ 25% năm 2017 lên gần 27% năm 2018.
Số dư tiền mặt của công ty tính tới 31.12.2018 đạt 7.161 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp là 0,04 lần. Lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 37,6%. Tỷ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức hấp dẫn 11,5.
Năm 2018, Vietjet thực hiện 118.923 chuyến bay với 105 đường bay bao gồm 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế, phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và quốc tế tới Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc… tàu bay Vietjet cũng khai thác tại khu vực các sân bay Dubai, Doha. Chiến lược phát triển mạng bay quốc tế của Vietjet được đẩy mạnh nhằm tăng cường thu về ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước.
Ngoài ra, Vietjet bắt đầu nhận và khai thác tàu bay thế hệ mới A321neo có khả năng tiết kiệm nhiên liệu tới 16%, góp phần giúp Vietjet tiết giảm chi phí vận hành trong những năm tới. Đội tàu bay của Vietjet tính tới 31/12/2018 bao gồm 64 tàu bay hiện đại với tuổi trung bình trẻ nhất, chỉ 2,82 năm.
Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiểu VJC trong tuần vừa qua đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp bất chấp mức độ “lình xình” của thị trường nhờ kết quả kinh doanh khả quan của hãng hàng không “giá rẻ” này.
Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (25.1), VJC đứng tại mức 122.500 đồng/cp. Tính chung trong 3 phiên, mã này tăng tổng cộng 7.500 đồng/cổ phiếu, qua đó, cân bằng được thị giá cổ phiếu trong 1 tháng giao dịch đầy biến động vừa qua. Hiện tại, so với 1 tháng trước, VJC vẫn đạt được trạng thái tăng 0,49%.
Nhờ mức tăng của cổ phiếu, trong 3 ngày vừa qua, giá trị tài sản trên sàn của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet đã tăng thêm khoảng 1.260 tỷ đồng. Thống kê của Forbes cho thấy, bà Thảo vẫn đang xếp trong danh sách 1.000 tỷ phú giàu nhất thế giới, giá trị tài sản ròng đạt 2,4 tỷ USD.
Trong Top những người giàu có trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nữ tỷ phú này vẫn đứng vị trí á quân sau ông chủ của tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng với giá trị tài sản 21.719,43 tỷ đồng.
Mong muốn được đối xử công bằng
Cũng liên quan đến hoạt động của Vietjet trong năm 2018, trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 tổ chức mới đây, nữ tỷ phú USD cho biết doanh nghiệp mình có gần một nửa thị phần hàng không Việt Nam, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng tại sân bay như khu bảo dưỡng máy bay, nhà ga, suất ăn, cơ sở mặt đất… vẫn phụ thuộc vào một doanh nghiệp độc quyền của Nhà nước.
“Chúng tôi cứ nói vui là doanh nghiệp mình không có đến một tấc đất cắm dùi tại các sân bay lớn, mặc dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực. Chúng tôi có thể đầu tư khẩn trương, chất lượng, không dùng nguồn vốn ngân sách”, bà Thảo nói.
CEO Vietjet mong muốn được đối xử công bằng
Chính vì vậy, nữ tỷ phú đề xuất Chính phủ cần có cơ chế chính sách để khai thác tốt nguồn lực tư nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng hàng không, sân bay, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất.
Ngoài ra, CEO VietJet cũng mong muốn doanh nghiệp bà được đối xử công bằng, bình đẳng. Bà cũng mong muốn được đưa tin, tuyên truyền một cách khách quan, bình đẳng, không để hình ảnh của doanh nghiệp tư nhân xấu xí, không ảnh hưởng đến tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội.
Lấy dẫn chứng cho vấn đề này, bà Thảo nói “Vietjet là công ty có chứng chỉ an toàn khai thác quốc tế IOSA. Chúng tôi vận chuyển gần một nửa lượng khách của ngành hàng không nhưng trong 6 năm hoạt động chỉ có 2 sự cố nhóm B trong 12 sự cố của toàn ngành. Nhưng trong năm 2018 cùng 1 sự cố giống nhau tại sân bay Cam Ranh thì sự khác biệt trong hành xử của các cơ quan và dư luận đối với tư nhân và nhà nước hoàn toàn khác nhau”
Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 25 và 26.12.2018, máy bay của VietJet gặp sự cố kỹ thuật tới 3 lần. Cụ thể, vào lúc 12h02 ngày 25/12/2018, chuyến bay VJ689 của hãng hàng không Vietjet bay từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đi TP.HCM đã gặp sự cố, tổ bay xin quay lại hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và đã hạ cánh xuống đường băng chưa đưa vào khai thác.
Bộ GTVT đánh giá việc máy bay Vietjet hạ cánh xuống đường cất-hạ cánh (CHC) chưa đưa vào khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh “là sự cố uy hiếp an toàn hàng không nghiêm trọng”. Đồng thời, yêu cầu Cục Hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Cũng trong ngày 25.12.2018, chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP.HCM đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Loan.
Đến sáng 26.12.2018, chuyến máy bay VJ513 của Vietjet từ Nội Bài đi Đà Nẵng lại gặp sự cố kỹ thuật sau khi máy bay tăng tốc và chuẩn bị rời khỏi mặt đất thì đột ngột giảm tốc độ và hạ đầu máy bay.
Trong khi đó, vào cuối tháng 4, một máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng hạ nhầm vào đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh. Sự cố này được Cục Hàng không xác định ở mức độ nghiêm trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.