Vì sao khối ngoại “đổ tiền” vào HDB của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 22/01/2019 10:44 AM (GMT+7)
Không phải những cái tên có lợi nhuận “khủng” như VCB (Vietcombank), BID (BIDV) hay TCB (Techcombank)…, dù mức lợi nhuận đạt được của HDB trong năm 2018 chỉ 4.000 tỷ đồng nhưng đây lại là mã chứng khoán được khối ngoại quan tâm nhất trong năm 2018.
Bình luận 0

img

Giao dịch tại HDBank (Ảnh: IT)

Trong top 10 mã chứng khoán được khối ngoại mua ròng nhiều nhất năm 2018, HDB của “nữ tỷ phú” Nguyễn Thị Phương Thảo là cái tên duy nhất ngành ngân hàng được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị đạt 2.330 tỷ đồng.

Vì sao HDB được chú ý?

Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, câu chuyện HDBank thu hút dòng vốn ngoại nhiều nhất năm 2018, trước hết là đến từ độ mở của room ngoại còn gần 10% và được HDBank kiểm soát khá tốt. Nhờ đó, khi HDBank chào bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại và lên kế hoạch chi tiết cho việc niêm yết trên sàn HoSE, nhiều định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như: Credit Saison (Nhật), Deutsche Bank AG (Đức), JP Morgan Việt Nam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital (Anh), Vina Capital…đã đồng loạt đang ký tham dự. Kết quả là, các nhà đầu tư này đã chi ra 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) để sở hữu 21,5% cổ phần hiện hữu của HDBank.

Một nguyên nhân khác, nội tại ngân hàng cũng là những điểm sáng hấp dẫn giới đầu tư. Cụ thể, tính đến 30.12.2017, HDBank có tổng tài sản (riêng lẻ )180.816 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu (riêng lẻ HDBank) là 14.051 tỷ đồng. HDBank cũng dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ trong cả năm 2018, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, những gì đã làm được của HDBank trong năm 2018 còn vượt trội hơn cả. Thống kê cho thấy, cả năm 2018, HDBank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017. Quy mô tài sản của HDBank đến 31.12.2018 đạt 216.108 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2017. Tổng huy động vốn đạt 191.588 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 14,0% lên 16.828 tỷ đồng.

Đặc biệt, khả năng sinh lời trên vốn ROE và khả năng sinh lời trên tổng tài sản ROA đạt lần lượt 20,27% và 1,58%. Tỉ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank được kiểm soát ở mức 0,97%.

Song vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn nữa là khả năng sau khi HDBank chính thức M&A với PGBank (kế hoạch M&A này mới được NHNN chấp thuận về nguyên tắc), những chiến lược của “nữ tỷ phú” Nguyễn Thị Phương Thảo có khiến HDBank vươn lên dẫn đầu trong hệ thống các ngân hàng tư nhân hay không? Room ngoại sẽ được mở như thế nào?

img

Top 10 cổ phiếu có giá trị mua ròng lớn nhất sàn HoSE (Ảnh chụp màn hình)

Theo tờ trình cổ đông về kế hoạch nhận sáp nhập PGBank, HDBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 267.256 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 170.641 tỷ đồng, tổng huy động đạt 245.000 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn (CAR) trên 12%; lợi nhuận trước thuế 4.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, quan trọng nhất, việc sáp nhập PGBank sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch lên con số 365, lọt vào Top 5 ngân hàng niêm yết có quy mô lớn nhất, trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 trong khối ngân hàng tư nhân.

Đặc biệt, việc sáp nhập PGBank đồng thời cũng giúp room ngoại đang được lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng, tương đương khoảng 7%. Điều này sẽ tiếp tục làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu HDBank trong thời gian tới khi room ngoại là vấn đề đau đầu với các ngân hàng trong việc chào bán cho cổ đông ngoại.

“Nhấp nhổm” chuẩn Basel II

Câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho thấy “tiềm lực” của các ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn, nhất là trong bối cảnh chỉ còn một thời gian ngắn nữa là đến mốc 2020 - thời điểm tất cả các ngân hàng phải áp dụng Basel II - Thì ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất thị trường cũng đang… “chật vật” trong quá trình tăng vốn cấp 1.

img

Nhiều ngân hàng đang đau đầu với bài toán tăng vốn cấp 1 trước bối cảnh phải áp dụng Basel II (Ảnh: IT)

Chẳng hạn, với Vietcombank - ngân hàng dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận năm 2018 – dù đã được NHNN công nhận áp dụng Basell II thành công, nhưng vẫn chưa thể giải quyết vướng mắc trong việc chào bán cổ phần cho đối tác ngoại dù đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với GIC để mua gần 306 triệu cổ phiếu VCB (7,7%) từ tháng 8.2016. Mới đây nhất, Vietcombank đã chào bán 359.776.857 cổ phiếu, dự tính thu về 20.220 tỷ đồng, song số phân phối thành công chỉ là 111.108.873 cổ phiếu, bằng 30,88% lượng đăng ký chào bán.

Kế đến là BIDV - ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống -  cũng đang chật vật trong quá trình tăng vốn với hệ số CAR sắp chạm ngưỡng nguy hiểm. Mới đây, BIDV cũng xin cổ đông thông qua việc bán 15% vốn điều lệ sau phát hành cho đối tác là Ngân hàng Hana của Hàn Quốc nhưng kế hoạch cụ thể về việc bán vốn điều lệ này vẫn chưa được công bố. Hiện ngân hàng này vẫn còn room ngoại lên tới 26,9%.

Song ảm đạm hơn cả là Vietinbank, câu chuyện tăng vốn với nhà băng này thông qua việc huy động vốn ngoại là không khả thi vì room nước ngoài còn lại chỉ là 0,7%.

Nói về câu chuyện khó tăng vốn cấp 1 thông qua huy động dòng vốn ngoại của các ngân hàng lớn, TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ, đa số các ngân hàng lớn đều có cổ phần chi phối thuộc về Nhà nước. Khi đó, sẽ phải tuân thủ nhiều hơn các quy định quản lý so với các ngân hàng tư nhân. Điển hình như việc phân bổ lợi nhuận, nếu như ngân hàng tư nhân có thể dễ dàng được cổ đông đồng thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu thì các ngân hàng có vốn nhà nước lại không được, đa số là lấy tiền mặt. Hơn nữa, giới hạn về sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng (tối thiểu là 65%) cũng gây khó khăn trong việc gọi vốn…

“Sắp tới đây, khi thời hạn áp dụng Basel II cận kề, nếu việc tăng vốn vẫn không thực hiện được thì CAR còn xuống sâu hơn nữa bởi theo tính toán của giới phân tích thì chênh lệch CAR giữa cách tính của Thông tư 36 (tối thiểu 9%) và Basell II vào khoảng 1,5%”, ông Tín, chia sẻ.

Trước tình hình khó tăng vốn cấp 1 thông qua huy động dòng vốn ngoại, nhiều ngân hàng trong năm 2018 cũng tìm cách xoay sở bằng cách xin vay vốn tài trợ dài hạn của các tổ chức tài chính quốc tế để góp phần cải thiện vốn cấp 2. Chẳng hạn, tại BIDV, ngân hàng này đã vay của ADB (Ngân hàng phát triển châu Á) 300 triệu USD trong năm 2018; trong khi trước đó, VietinBank cũng vay 115 triệu USD từ 8 tổ chức quốc tế (năm 2017) và vay 200 triệu USD từ 18 ngân hàng quốc tế (năm 2016).

Một loạt các ngân hàng khác cũng vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế trong năm 2017 và 2018 với khoản vay có giá trị lớn như: VPB (vay 100 triệu USD từ Deutch Bank; 122 triệu USD từ IFC; 41 triệu USD từ Credit Suisse; 57 triệu từ IFC); VIB vay 185 triệu từ IFC…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem