Đó là sự trở lại của NSƯT Lê Vy sau thời gian dài vắng bóng trên cả sân khấu và truyền hình trong bộ phim nhiều tập Hai phía chân trời đang phát trên kênh VTV1. NSND Lê Khanh trong vai trò đạo diễn lại vừa nhận thêm trách nhiệm Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Thêm nữa, tên ông ngoại của 3 người đẹp họ Lê - nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh (1907-1996) - vừa được đặt cho một đường phố ở Hải Phòng.
| | |
NSND Lê Khanh | NSƯT Lê Vân | NSƯT Lê Vy |
Đạo diễn, NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - đã dành cho Dòng Đời cuộc trò chuyện về mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ nghề nghiệp giữa ông và 3 cô cháu gái tài sắc vẹn toàn.
Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ hình ảnh Lê Vy trong ký ức của ông?
Tháng 7.2011, tôi và một nhóm anh chị em đồng nghiệp sân khấu Việt Nam có điều kiện đến Paris, Marseille và thành phố lễ hội nghệ thuật Avignon ở phía nam nước Pháp. Tại đó, tôi gặp vợ chồng Lê Vy cùng 3 con. Ngoài tình cảm và sự quan tâm đến nhau, tôi đưa cho cháu quả nhãn, quả ổi… Vy đưa lại cho tôi những trái đào to, ngọt hái ở vườn của gia đình.
Đi xem và ăn với nhau một cách vui vẻ, chợt Vy nhắc: “Cháu nhớ những lần cậu sẻ cơm và chút thức ăn cho cháu ở Mai Dịch, có khi là gói muối vừng, nghèo mà thân thiết”. Đó là vào quãng năm 1979 - 1980, tôi học đạo diễn ở Trường đại học Sân khấu, còn Vy là học sinh khóa 13 Trường Múa Việt Nam. Hai trường liền kề nhau, khi đó tôi là “cán bộ” có lương đi học nên gọi là có chút “dấn vốn ra vào”.
|
NSƯT Lê Chức |
Thường là tôi đi xe đạp vào trường để còn chủ động quay ra đi thu thanh các chương trình. Nhiều khi hai cậu cháu gặp nhau trên xe buýt vừa đông, vừa nóng. Khi đó tôi lại phải chen để cho Vy có một chỗ gần cửa… để thở.
Những năm đầu, Vy không bật lên được trong học tập. Gần kết thúc thì có chuyên gia - biên đạo múa người Moldova qua dạy. Đây là giai đoạn Lê Vy được “phát hiện” trong các điệu múa cổ điển châu Âu. Đó là hành trang để sau này Vy lập nên điệu “Múa công”, “Bến lụy”…
Cùng 2 chị bước vào điện ảnh, Vy ghi lại dấu ấn của mình trong Cổ tích tuổi 17, Giải hạn, Cây bạch đàn vô danh và cũng đạt được 1 giải Diễn viên xuất sắc nhất. Bây giờ là lúc Vy được xả hơi để nuôi dạy các con của mình.
Thế còn với Lê Vân? Tôi nhớ Vân gọi ông là "cậu bé" trong cuốn sách của mình.
Em của mẹ thì gọi là cậu, lại là cậu út nên Vân dành cho tôi chữ “cậu bé” là quá đúng. Chị Lê Mai sinh Vân năm 1958, tôi theo mẹ (bà Đinh Ngọc Anh) lên chăm chị ở 136 Quán Thánh. Việc của tôi là hằng ngày ra chợ Đồng Xuân mua thịt bò, khoai tây, cà rốt để nấu súp cho chị, sau đó đi ra Bách hóa Tràng Tiền xếp hàng… mua đường. Sau này khi cả anh Trần Tiến và chị Lê Mai cùng đi đâu đó biểu diễn theo đoàn thì lại gửi Vân về Hải Phòng.
Tôi cho cháu ngồi vào xe mây, đẩy ra đầu phố khi làm “thiếu niên cờ đỏ”. Do đó mà tôi gần với Vân lúc bé hơn. Ở Hải Phòng, tôi mua sách về múa bằng tiếng Nga, Pháp cho Vân ngay từ những năm đầu Vân học khóa 7 trường múa để cháu có hình ảnh để xem và tập theo. Trên cả màn ảnh phim truyện và sàn múa, Lê Vân đều có được vị trí ở một thứ hạng cao.
Khoảng năm 1983, Vân theo nhà hát sang Moscow để đi Belarus biểu diễn. Tôi được đón cháu tại sân bay ngày giá lạnh, được đưa cháu ra cửa hàng để mua thực phẩm, trái cây, sữa chua. Tôi đáp ứng được sở nguyện của cháu là ăn gà không chặt, ăn cá thu không đầu, ăn táo không phải cắt, mua va-li, mua đồ Nga như phích sắt nóng lạnh, bàn là, phim ảnh, thuốc… cho Vân mang về Hà Nội. Đấy là tuần lễ vui nhất của cậu cháu tôi.
Ông cùng Lê Khanh đã diễn với nhau nhiều vở kịch, hẳn kỷ niệm về cô cháu này trong ông cũng không ít?
Với Khanh thì tôi còn là đồng nghiệp sân khấu của cháu. Hai cậu cháu đã diễn cùng nhau vở Hoàng tử học nghề của tác giả Tất Đạt, chị Phạm Thị Thành đạo diễn, khi Nhà hát Tuổi trẻ ngày đầu thành lập. Khanh lại thể hiện vai chính trong vở Người con trai cả của tác giả A.Vanpilov khi tôi về nước dựng vở thực tập tốt nghiệp năm 1985 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Rồi 2 cậu cháu lại cùng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
|
Lê Vy, Lê Khanh bên cạnh mẹ - NSƯT Lê Mai (ngoài cùng bìa trái) |
Tôi nhớ là chị Lê Mai sinh cháu ở tình trạng thiếu tháng. Khanh lúc sinh không được đủ 2 cân. Chị Mai cho Khanh vào cái làn to, móc vào ghi đông xe đạp thiếu nhi Liên Xô ngày đó để chở đi làm tại Đoàn kịch Hà Nội. Và cứ thế… Khanh lớn lên. Gương mặt Khanh có nhiều nét đẹp của bà ngoại Đinh Ngọc Anh (một nghệ sĩ kịch không chuyên, người đầu tiên thể hiện hình tượng Võ Thị Sáu vào năm 1957 tại Đoàn kịch Gió biển Hải Phòng).
Ngồi ở phòng khán giả để xem Khanh thể hiện Đet-đê-mô-na, Nô-Ra, J’an-Đa, rồi trong Bến bờ xa lắc, Lời thề thứ 9…, không ai dám nghĩ đó là đứa bé mẹ sinh thiếu tháng vào năm 1963. Mới đây, trong vai trò đạo diễn, Khanh dựng vở Nhà ô sin (tác giả Nguyễn Huy Thiệp). Tôi mừng cho sân khấu chính thống Việt Nam lại có thêm được 1 vở diễn chững chạc.
Cách đây 2 năm, cùng với việc cả nhà Lê Vy ở Pháp về thì đại gia đình họ Lê - Trần đã xuất hiện cùng lúc tại cuộc trao giải Cánh diều vàng của Điện ảnh Việt Nam. Bà Lê Mai cũng có mặt và luôn rạng rỡ vì sự thành công của 3 kiều nữ.
Có thể nói, ông là người có công đóng góp vào sự trưởng thành của 3 cô cháu gái xinh đẹp, tài danh?
Sao lại gọi là có công nhỉ? Ruột thịt phải là thế chứ. "Một giọt máu đào" kia mà, lại cùng một định mệnh là sống - chết vì nghệ thuật. Vậy là từ cha mẹ của chúng tôi, đến các cháu và con cái thế hệ thứ tư đã và đang tiếp tục “vào nghiệp diễn” như là cuộc đời đã tạo nên một thiên đạo cho tất cả chúng tôi khởi phát và bước tới.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.