3 sĩ quan Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc là ai?

Quỳnh Nguyễn Chủ nhật, ngày 11/04/2021 06:18 AM (GMT+7)
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 3 sĩ quan trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc.
Bình luận 0

Mới đây, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định cho Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đi thực hiện nhiệm vụ Sỹ quan huấn luyện quân sự cho BQL chương trình huấn luyện, Phòng Huấn luyện tích hợp, Văn phòng Chính sách, đánh giá và huấn luyện, Cục Hoạt động hòa bình (GGHB) tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ), nhiệm kỳ 2021 - 2023.

3 sĩ quan tiên phong

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 3 sĩ quan trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở LHQ.

Người đầu tiên là Trung tá Lương Trường Vinh, đảm nhiệm vị trí Sĩ quan Kế hoạch tổng hợp, Phòng Xây dựng lực lượng, Văn phòng các nền quân sự, Cục Hoạt động hòa bình từ tháng 1/2020.

Trung tá Lương Trường Vinh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 2003, được điều về công tác tại Quân chủng Hải quân. Trước khi trúng tuyển vị trí ở trụ sở LHQ, anh có thời gian công tác ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Tháng 6/2019, anh nhận nhiệm vụ làm Quan sát viên quân sự (Sỹ quan liên lạc) tại phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS).

3 sĩ quan Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc - Ảnh 3.

Trung tá Lương Trường Vinh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Ảnh: Cục gìn giữ Hòa bình Việt Nam

Sĩ quan thứ hai là Trung tá Trần Đức Hưởng vừa lên đường nhận nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc với vai trò sĩ quan Tham mưu Kế hoạch, Phòng Kế hoạch Quân sự, Cục Hoạt động Hòa bình từ tháng 3/2021.

Trung tá Trần Đức Hưởng sinh năm 1983, quê quán tại xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Đặc công, Binh chủng Đặc công; Chỉ huy Tham mưu Lữ-Sư đoàn, Trường Học viện Lục quân Mỹ và Thạc sỹ Khoa học Quân sự về Nghiên cứu Chiến lược tại Mỹ

Sĩ quan Hưởng có quá trình công tác tại Lữ đoàn Đặc công 5; Khoa Biệt động, Trường Sĩ quan Đặc công và Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Anh từng 2 lần được Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cử làm nhiệm vụ tại phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

3 sĩ quan Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc - Ảnh 4.

Trung tá Trần Đức Hưởng trúng tuyển vào vị trí Sĩ quan kế hoạch, Phòng Kế hoạch quân sự, Cục Hoạt động hòa bình tại trụ sở LHQ (tại New York, Hoa Kỳ). Ảnh: TTXVN

Thành viên trẻ tuổi nhất trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc - Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông sinh năm 1986, ở xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; tốt nghiệp và từng là giảng viên Học viện Hậu cần. Sau thời gian công tác, anh được trường cử đi đào tạo chỉ huy tham mưu và thạc sĩ tại Hoa Kỳ.

Trước khi trúng tuyển vị trí ở trụ sở LHQ, Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông cũng trúng tuyển vị trí Giảng viên tại Trung tâm Huấn luyện GGHB Bộ Quốc phòng Australia và từng có nhiệm kỳ công tác tại Phái bộ GGHB LHQ ở Cộng hòa Nam Sudan với vai trò Quan sát viên Quân sự.

3 sĩ quan Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc - Ảnh 4.

Thiếu tá Nguyễn Phúc Đông là sĩ quan thứ 3 của Việt Nam trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở LHQ. Ảnh: T.L

Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của LHQ.

Từ năm 1948 đến tháng 7/2020, Liên Hợp Quốc đã triển khai tất cả 70 phái bộ được thành lập; có tới 125/193 nước thành viên LHQ đang đóng góp lực lượng cho các phái bộ.

Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình LHQ. Mới đây, một sĩ quan được tiếp nhận làm giảng viên Trung tâm huấn luyện Gìn giữ hòa bình Bộ Quốc phòng Australia, nhiệm kỳ 2 năm.

3 sĩ quan Việt Nam đầu tiên trúng tuyển vào làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc - Ảnh 6.

Các cán bộ chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3), lên đường đến Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ngày ngày 23/3. Ảnh: Bạch Dương

Năm 2020, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam có 3 sĩ quan vượt qua các bài kiểm tra để trở thành nhân viên tại cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc ở trụ sở New York; sĩ quan điều phối hoạt động quân sự của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ và Quân đội Cộng hòa Trung Phi tại Trung Phi.

Để trúng tuyển vào một vị trí tại trụ sở LHQ, các sĩ quan của Việt Nam phải trải qua quy trình gồm 4 vòng: sơ loại hồ sơ, thi viết, phỏng vấn, thông báo trúng tuyển. Mỗi vị trí đều có khoảng 150 - 200 ứng viên khác đến từ các quốc gia thành viên ứng tuyển.

Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam, việc có 3 sĩ quan  làm việc tại trụ sở LHQ không chỉ khẳng định Việt Nam có trách nhiệm ngày càng cao với vai trò thành viên LHQ, không chỉ tuân thủ và làm theo các quy tắc, luật lệ đã được hoạch định sẵn, mà Việt Nam tiến tới tham gia vào quá trình xây dựng các quy tắc, luật lệ của hoạt động GGHB; góp phần chứng tỏ công tác chuẩn bị nhân sự có chất lượng tham gia sứ mệnh GGHB LHQ của Việt Nam đạt hiệu quả cao.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết, đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của quân đội mà của đất nước Việt Nam. Qua đó, góp phần khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của quân đội, của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế với tư cách là một thành viên có trách nhiệm.

Nhân dịp trao quyết định của Chủ tịch nước cho cho sĩ quan thứ 3 đi thực hiện nhiệm vụ tại trụ sở Liên hợp quốc, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu Cục GGHB Việt Nam tiếp tục chuẩn bị nhân sự đạt chất lượng tốt để tham gia ứng tuyển vào các cương vị khác tại trụ sở LHQ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem