3 xu café

Thứ hai, ngày 04/02/2013 18:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng, chờ đợi 2-3 tiếng đồng hồ trong nắng gắt, thậm chí hỗn loạn khi cửa hàng café Starbucks đầu tiên khai trương tại Việt Nam vào ngày 1.2 vừa qua.
Bình luận 0

Bây giờ thì nhiều người mới hiểu nỗi cay đắng của Đặng Lê Nguyên Vũ, "CEO café số 1 Việt Nam", khi ông nói Starbucks là thứ "nước đường có pha café". Thật buồn cho ông Vũ. Thật buồn cho Đăk Lăk. Khi mà thứ "nước đường có hương vị café" đó, cũng vẫn chỉ là một cái gạch đầu dòng được gạch thêm trong chi chít những liệt kê về sự thất bại của sản phẩm Việt trên sân nhà. Năm 1890, lần đầu tiên cây café được người Pháp đưa tới Việt Nam. 4 thập kỷ sau đó, café Buôn Ma Thuột trở thành một trong những loại café nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2011, 81 năm sau đó, trong chính cái năm chúng ta đưa ra một con số thống kê hân hoan, rằng "Cứ 10,5 ly cafémà người dân trên thế giới uống", có 1,5 ly từ Việt Nam", thì một luật sư, chứ không phải những người kinh doanh café, vô tình phát hiện thương hiệu café hàng đầu thế giới "Buôn Ma Thuột" đã bị đăng ký mất, bởi những người Trung Quốc. Và điều còn đáng nói hơn, ngay cả thủ phủ café Đăk Lăk, cũng mất thương hiệu từ năm 1997. Thật hài hước, ngay năm ngoái, thương hiệu "café cũng đã bị một ông Alexcander nào đó đăng ký trước, tại Mỹ. Thật nực cười, ngay thương hiệu Trung Nguyên của người đàn ông "muốn lãnh đạo café thế giới" cũng đã từng bị đăng ký bảo hộ thương hiệu, vẫn là tại Mỹ. Và thật tệ, chi phí đăng ký bản quyền Legendee Coffee tại Mỹ chỉ 165 USD, tương đương với hơn 3 triệu đồng.

Khi quyết định thị trường thứ 62 sẽ là Việt Nam, quốc gia xuất khẩu café Robusta hàng đầu thế giới thì hoặc là Starbucks bị điên, hoặc họ đã nhìn thấy trong đó một thị trường tiềm năng đang bị bỏ trốn. "Có một nhu cầu bị dồn nén đối với Starbucks tại Việt Nam", lời tuyên bố của người lãnh đạo Starbucks, thương hiệu mới khai sinh từ 1971. Và với những gì diễn ra trong ngày khai trương, có thể thấy rút cục, chiến thắng đã thuộc về những người sở hữu thứ "nước đường". Đơn giản thôi, bởi các doanh nhân hàng đầu Việt Nam, thậm chí còn chẳng bao giờ đặt ra và trả lời câu hỏi: Tại sao thứ "nước đường có hương vị café" với giá bán đắt gấp 10 lần café nội địa, lại gây "dông bão" tại 61 thị trường trước đó và giờ là ở Việt Nam, nơi café, chứ không phải nước đường - "tuyệt hảo nhất thế giới", nơi từng có những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Một câu hỏi cực sốc liên quan đến thứ "nước đường" này đã được tờ Doanh nhân Sài Gòn đăng tải. Đó là Starbucks mang café Trung Quốc vào Việt Nam? Câu hỏi này dẫn tiếp đến câu hỏi thứ 2: "Chúng ta sẽ uống café "made in China" ngay tại nơi đang là vựa café của thế giới?".

Câu đầu tiên xuất hiện trên màn hình trong bộ phim "Vàng Đen" của đạo diễn Mark Francis và Nick Francis là: "Với một tách café 3 đôla, nông dân kiếm được chỉ 3 xu". Chỉ có điều, với cái cách hàng Việt lấm lưng trắng bụng trên sân nhà, e là 3 xu này cũng thuộc về nông dân ở đâu đó chứ không phải là nông dân Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem