Thêm 30 sản phẩm OCOP của Phú Thọ được đánh giá xếp hạng từ 3 - 4 sao

Hoan Nguyễn Chủ nhật, ngày 21/08/2022 18:01 PM (GMT+7)
Trong đợt 1 năm 2022, tỉnh Phú Thọ có thêm 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3- 4 sao.
Bình luận 0

30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao

Ngày 18/8 vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022.

Đợt đánh giá lần này có 30 hồ sơ sản phẩm của 11 huyện, thành, thị tham gia. Các sản phẩm tập trung ở hai ngành gồm thực phẩm và thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Kết quả, có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xếp hạng 3-4 sao đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương.

Phú Thọ: 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3-4 sao đợt 1 năm 2022 - Ảnh 1.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022. Ảnh: Hoan Nguyễn

Từ kết quả đánh giá, phân hạng, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ sớm ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh (48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 3 sao; 30 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt 4 sao).

Các sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Bưởi Đoan Hùng, chè xanh, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp gà gáy Mỹ Lung, khoai tầng vàng, cá sông Đà, gà nhiều cựa, thịt chua Thanh Sơn…

Phú Thọ: 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3-4 sao đợt 1 năm 2022 - Ảnh 2.

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ phấn đấu hết năm 2022 có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong đó, phát triển, tiêu chuẩn hóa thêm 46 sản phẩm OCOP mới đạt hạng 3 sao trở lên; nâng cấp 8 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao và 2 sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao.

Trọng tâm là phát triển sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP.

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, phát triển các sản phẩm OCOP có lợi thế; sản phẩm tham gia đánh giá ở hạng sao cao hơn, đáp ứng chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế (hạng 5 sao, sản phẩm OCOP quốc gia).

Phú Thọ: 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3-4 sao đợt 1 năm 2022 - Ảnh 3.

Sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đối với sản phẩm tiềm năng, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tổ chức đánh giá, phân loại các sản phẩm, đặc biệt sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Từ đó tập trung ưu tiên hỗ trợ, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, phát triển và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, chủ lực, có thế mạnh theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (tổ hợp tác, hợp tác xã), các tổ chức kinh tế, cá nhân phát triển sản xuất nông sản thực phẩm hàng hóa đặc trưng có tiềm năng lợi thế địa phương gắn với phát triển dịch vụ du lịch.

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh đã liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội… nhằm tuyên truyền, quảng bá, thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP cũng như nông sản nói chung của tỉnh.

Thúc đẩy cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp.

"Chương trình OCOP được đẩy mạnh tạo sự thay đổi cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng của từng địa phương, chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, theo yêu cầu của thị trường.

Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn; ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm…. nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao", ông Trần Tú Anh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem