3.000 cơ sở chăn nuôi Đồng Nai trước lệnh di dời: Dứt khoát không để trại heo, gà trong khu dân cư (Bài 1)
3.000 cơ sở chăn nuôi Đồng Nai trước lệnh di dời: Dứt khoát không để trại heo, gà trong khu dân cư (Bài 1)
Nha Mẫn
Thứ hai, ngày 17/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Đồng Nai được biết đến là "thủ phủ" chăn nuôi với đàn lợn, gà lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để thực thi Luật Chăn nuôi (đã có hiệu lực), UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định buộc hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc đóng cửa trước ngày 1/1/2025. Động thái này đang khiến nhiều hộ chăn nuôi như ngồi trên lửa.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 296/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách 3.006 cơ sở chăn nuôi phải di dời. Trong số này có hơn 2.100 cơ sở phải di dời và số còn lại phải ngưng hoạt động theo theo lộ trình chậm nhất là trước ngày 1/1/2025. Đây là việc cần thiết nhằm vừa duy trì phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường xanh, sạch. Song nhiều hộ chăn nuôi đang như ngồi trên đống lửa, bất lực bởi không thể xoay xở đi nơi nào khác để chăn nuôi.
Dứt khoát di dời cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong dân cư
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, địa phương này đang phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xanh sạch, bảo vệ môi trường lâu dài. Đồng Nai "nói không với việc đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Lãnh đạo tỉnh cũng xác định chăn nuôi là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (chiếm 61,83%) và đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, thời gian qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi phớt lờ công tác bảo vệ môi trường. Do đó, Đồng Nai buộc phải "siết" lại ngành chăn nuôi để đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, qua kiểm tra xác định đa số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thường không đăng ký giấy phép; chưa có giải pháp xử lý nước, phân thải hiệu quả, chỉ thực hiện lắng lọc sơ kết hợp nuôi cá. Điều đó dẫn đến tình trạng nước thải, phân thải gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ở các sông, suối, ao, hồ. Nhiều con suối từng hứng chịu phân thải, nước dọn rửa chuồng heo gà gây ô nhiễm như suối Reo, suối Nước Trong, sông Buông, suối Săn Máu... gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, Đồng Nai khuyến khích phát triển ngành nghề chăn nuôi nhưng phải đúng quy hoạch và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
"Chăn nuôi phải đúng nơi, đúng chỗ, không để tồn tại cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, gần sông, suối, hồ vì sẽ đe dọa vệ sinh môi trường. Vì vậy, cơ sở nào chưa đúng quy hoạch phải dứt khoát di dời theo lộ trình. Cơ cơ sở chăn nuôi phải có giấy phép hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường và ngành chức năng phải xử lý nghiêm, dứt điểm cơ sở vi phạm. Đồng thời sắp tới cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để giảm dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm", ông Lĩnh nhấn mạnh.
Theo Trần Trọng Toàn- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai, mỗi năm đơn vị liên tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Quá trình kiểm tra nhận thấy đa số cơ sở chăn nuôi lớn đều có giấy phép môi trường (quy mô cấp huyện) hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường (quy mô cấp tỉnh). Cơ sở chăn nuôi được đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn, nước thải sau xử lý được tuần hoàn vệ sinh chuồng trại, tưới cây hoặc xả ra môi trường; phân thải được thu gom, tập kết vào nhà chứa, ủ rồi mang bán.
Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình, chủ cơ sở chọn đầu tư hầm biogas, hồ lắng, hồ chứa để xử lý nước thải, phân thải. Riêng các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Phân, nước dội rửa để nuôi cá hoặc thải trực tiếp ra môi trường bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân sống gần đó.
Sẽ có hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời
Kết quả thống kê 2 năm gần đây, Đồng Nai có đến 129 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ vi phạm về bảo vệ môi trường, phổ biến là xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, chưa đầu tư các hạng mục bảo vệ môi trường… Đặc biệt riêng huyện Long Thành, có trên 50 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động nhưng chỉ 8 cơ sở có giấy phép môi trường.
Trước tình trạng này, ông Thái Bảo - Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai khẳng định đã đến lúc phải quản lý, quy hoạch lại vùng chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn của người dân.
Để thực hiện mục tiêu này, năm 2021 HĐND tỉnh Đồng Nai đã có Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi... Trên cơ sở Nghị quyết, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới đây đã ra quyết định buộc phải di dời hơn 3.006 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Trong số đó, có hơn 2.100 cơ sở phải di dời và số còn lại phải ngưng hoạt động theo lộ trình chậm nhất trước ngày 1/1/2025. Đối tượng vật nuôi của những cơ sở này chủ yếu là heo, bò, gà, vịt…
Tổng đàn heo của tỉnh Đồng Nai hiện đạt trên 2,6 triệu con; tổng đàn gà đạt 26 triệu con. Toàn tỉnh có 255 cơ sở chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; có 95 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cam kết bảo vệ môi trường; có 7.684 công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi; có 1.748 trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, đạt tỷ lệ gần 91%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.