"Âm nhạc dân tộc mang đặc tính của nước"

Thứ hai, ngày 07/02/2011 07:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sông nước trong âm nhạc truyền thống Việt Nam đã trở thành một biểu tượng, một triết lý. Đây là nhận định thú vị của GS Nguyễn Thuyết Phong - nhà dân tộc nhạc học nổi tiếng.
Bình luận 0

Những nhận định xung quanh vấn đề này được ông trình bày ở nhiều nơi. Từ Mỹ, ông đã chia sẻ với NTNN.

Thưa GS, được biết ông rất quan tâm đến triết lý sông nước trong nhạc truyền thống Việt Nam?

- Tôi sinh ra ở đồng bằng sông Cửu Long với chín nhánh sông lan tỏa và hằng ngàn chi sông nước khắp miền. Nước là yếu tố không tránh khỏi trong đời sống hằng ngày của mọi người - từ phương tiện di chuyển trên sông cho đến lao động suốt ngày trên đồng ruộng lúa nước. Nó ăn sâu vài tiềm thức con người. Tâm thức về nước, tôi xem là chủ đạo trong tư tưởng con người Việt Nam.

 img
GS Nguyễn Thuyết Phong với các sinh viên Mỹ ở ĐH Michigan năm 2008. Ảnh GS Nguyễn Thuyết Phong cung cấp.

 Ông có so sánh hay nhận ra những gì thú vị trong triết lý sông nước của các bộ môn nhạc truyền thống Việt Nam?

- Dân ca là cội nguồn của âm nhạc Việt Nam. Dân ca đã tiếp thu yếu tố sông nước sớm nhất. Có hàng ngàn bài dân ca (hò, lý, hát) thể hiện cảnh quan, hoạt động, chất liệu về nước. Ta có thể hình dung tuyến đi của sông nước từ ngoại cảnh đến thẳng tâm hồn, rồi tan biến vào tư duy chung của người Việt, gồm nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, và khán giả... Đó là yếu tố "mở" trong âm nhạc thuộc tất cả các thể loại.

Mỗi lần về Việt Nam, tôi tìm hiểu các loại nhạc. Loại nào được xem là mạnh nhất (như Rock chẳng hạn) tôi vẫn thấy có một cái gì đó không đủ mạnh như ở các nước phương Tây. Hẳn nhiên các bộ môn âm nhạc truyền thống như chèo, tuồng, ca trù, ca Huế, đờn ca tài tử thì mang hẳn một đặc tính "mở", "động" như nhiều người đã biết.

Đây cũng là nhận định tôi tâm đắc với nhà nghiên cứu lão thành Mịch Quang. Hãy hình tượng hóa nước trong những dòng sông, nhánh sông, khe suối, lạch, len lỏi trong từng kẽ hở thì ta sẽ hiểu được những nốt nhạc, giai điệu đan xen cực kỳ tinh tế trong các loại nhạc ấy.

 Được biết, từ những nhận định này, ông đã xây dựng một chuyên đề?

Tôi sẽ về quê hương ăn Tết, vì ngày Tết có một ý nghĩa thiêng liêng, thật sâu sắc. Chu kỳ của cuộc sống được đánh dấu từ đấy. Biểu tượng đẹp nhất về sự an lành, thịnh vượng của mọi gia đình khởi đầu từ đấy. Tôi rất trân trọng cái lý do tái tạo, làm trẻ lại, sinh động lại đời mình từ đấy.

- Vâng, đề tài này tôi thường áp dụng trong các buổi giảng ở hàng chục trường đại học ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Nhật Bản. Trong âm nhạc của nhiều dân tộc trên thế giới có xảy ra một hiện tượng gọi là "heterophony" (đa âm phức điệu). Nếu không hiểu tính chất như "nước" trong âm nhạc Việt Nam, thì khó hiểu tại sao có sự đan xen cực kỳ tinh tế và phức tạp. Người mới nghe tưởng chừng như nó là một loại âm nhạc lộn xộn, không chuẩn. Nhưng cái "chuẩn" trong âm nhạc dân tộc mình là ý niệm điệu thức (mode), rất tinh vi so với nhiều loại nhạc khác.

Tôi thường cho nghe và phân tích nhiều đoạn nhạc biểu trưng trong ca Huế và đờn ca tài tử. Nghệ sĩ, nhạc công nắm vững ý niệm này qua mô hình lý thuyết truyền khẩu và ứng dụng tai nghe tinh xảo. Nhờ vào đó, bài nhạc có thể tiến hành, giai điệu ngẫu hứng tuôn chảy trong khuôn khổ lòng bản, nhịp phách và song lang chỉnh trang cái trật tự đó để không lọt ra ngoài cái trật tự khuôn nhạc. Giai điệu phải tuôn chảy như nước đi qua khe đá, rơi từ thác cao, cuộn theo dòng sông, hay thấm vào lòng đất.

 Hiệu quả của việc truyền tải này, thưa ông?

- Sinh viên cảm nhận điều này một cách hứng thú và cụ thể khi tôi rao, dạo nhạc có thể hàng giờ (dưới dạng thức thường hiểu là Improvisation) mà không nhìn vào nhạc phổ. Cách rao, dạo này chính là sức sống của nhạc truyền thống dân tộc mà cách đây một trăm năm nhà âm nhạc học Pháp Gaston Knosp đã phát hiện về âm nhạc Việt Nam. Khách quan mà nói, nếu không thể thấy được tác dụng của nước trong âm nhạc, ít ra chúng ta cũng thấy đặc tính của nước và của âm nhạc dân tộc có sự giống nhau, và có thể giải thích được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem