"Báu vật sống" trọn đời với ví, giặm

Tiến Dũng Thứ ba, ngày 24/03/2015 08:04 AM (GMT+7)
Dành phần lớn quỹ thời gian của cuộc đời để “truyền lửa” dân ca ví giặm, ông Phan Thế Phiệt đã được Nhà nước tôn vinh Nghệ nhân dân gian. Ông là một báu vật nhân văn sống, gìn giữ và trao truyền dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Bình luận 0

Người vì câu ví truyền đời...

Về xã Hoa Thành (Yên Thành, Nghệ An) hỏi thăm nhà nghệ nhân Phan Thế Phiệt, hầu như người dân nào cũng biết. Nhà ông mái ngói đơn sơ nằm dưới tán cây sum suê, đầy tiếng chim hót, một không gian thật đẹp và yên bình. Ông Phiệt dáng người tầm thước, vầng trán cao, mái tóc bạc phơ, trông cốt cách nho nhã như một cụ đồ nho ngày xưa, lại vừa có phong thái của một nghệ sĩ. Bên ấm nước chè xanh tỏa khói, chúng tôi đã được nghe ông kể về tình yêu đối với dân ca ví, giặm.

img

Ông Phan Thế Phiệt và vợ trao đổi về dân ca ví, giặm.  Tiến Dũng

Ông Phiệt sinh năm 1948, trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Hoa. Hai cụ thân sinh ông là những người hát dân ca ví, giặm nổi tiếng nên lòng yêu dân ca ví, giặm đã thấm vào tâm hồn ông từ thuở nằm nôi. Và mấy chục năm trước, những vở kịch dân ca do ông sáng tác và dàn dựng đã gây được sự chú ý trong công chúng huyện nhà. Nhiều năm công tác tại Phòng Văn hóa huyện, ông Phiệt đã gây dựng đội văn nghệ huyện lớn mạnh nổi tiếng xứ Nghệ.

Ngoài năng khiếu trời cho, ông Phiệt còn tự học hỏi kiến thức dân ca ví giặm ở các bậc đàn anh, đàn chị đi trước, học hỏi trong sách vở và khổ luyện gọng hát để đạt đến độ cuốn hút người nghe đằm sâu trong từng làn điệu. Rồi ông đi “truyền lửa” cho nhiều thế hệ về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Thời gian phần lớn của ông Phiệt là đi dạy hát, dàn dựng các vở kịch dân ca ví giặm cho các đội văn nghệ các xã trong huyện. Ông đi làm mà không đòi hỏi một đồng tiền công bồi dưỡng nào. “Từ khi lên làm cán bộ phòng văn hóa huyện, tôi đã đi khắp nơi “tiếp lửa” cho dân ca ví giặm. Hồi đó đói lắm, dựng chương trình cho họ cả buổi xong chỉ có bát cháo hay gói mì tôm lót lòng nhưng rất vui. Tôi vui vì dân ca ví dặm đã được lan truyền” - ông Phiệt tâm sự.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ thông tin và các loại hình âm nhạc hiện đại đã làm cho dân ca có lúc tưởng chừng như mai một, làm ông Phiệt rất buồn. Nhưng rồi, ông nghĩ, loại hình nghệ thuật dân gian này đã đồng hành một cách bền vững và toả sáng qua mọi thời kỳ lịch sử văn hóa và lịch sử dân tộc thì không dễ gì mai một, nên ông đã bằng tất cả tâm huyết và lòng nhiệt tình của mình để “hà hơi, tiếp lửa” cho nó.

Nay đã về hưu, nhưng ông Phiệt vẫn được nhiều xã và huyện trong tỉnh mời đi dàn dựng các chương trình văn nghệ, xây dựng câu lạc bộ dân ca ví giặm ở các xóm. Không dừng lại ở đó, ông Phiệt còn đi dạy hát dân ca, ví, giặm miễn phí ở các trường học. Thậm chí những ngày nghỉ ở nhà ông cũng gọi mấy trẻ chăn trâu vào nhà tập hát cho chúng. Ông bảo rằng: “Mình làm rứa cũng là mục đích để “truyền lửa” dân ca ví giặm cho thế hệ trẻ”.

Trong gia đình, ngoài ông thì vợ ông cũng là một người hát dân ca ví giặm nổi tiếng. Thuở thanh xuân bà là người đẹp và hát hay nổi tiếng huyện Yên Thành. Cũng chính vì thế mà bà hiểu và tạo điệu kiện cho ông đi suốt niềm đam mê. Nhà ông Phiệt đông con, vợ làm ruộng, với đồng lương ít ỏi, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng những khó khăn trong cuộc sống không làm ông bà ngừng tiếng hát.

Nỗi niềm nghệ nhân

Ông Phiệt tâm sự: “Hơn 40 năm qua, tôi đã đi khắp nơi để truyền lại cho thế hệ trẻ những lời ca, điệu ví với mong muốn những người dân của xứ Nghệ bây giờ và sau này không quên những làn điệu dân ca ví giặm. Vậy nên, khi hay tin dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi vui sướng đến trào nước mắt”.

Rồi ông Phiệt chợt trở nên trầm ngâm: “Thế nhưng, tôi vẫn trăn trở rằng, thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà mấy với dân ca ví giặm bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các loại hình âm nhạc, phim ảnh khác. Thứ nữa, là môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca xứ Nghệ không còn, và làm thế nào để phục hồi môi trường diễn xướng đang là một câu hỏi khó. Ngày xưa hát phường vải thì có phường vải, hò chèo thuyền thì có chèo thuyền… còn ngày nay chỉ có thể mô phỏng, sân khấu hóa”.

Đề đạt cấp thiết nhất của ông Phiệt hiện nay là mong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hãy đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy dân ca ví, phục hồi không gian diễn xướng cho dân ca ví, giặm. Đặc biệt, theo ông là nên xây dựng được nhiều hơn nữa các CLB ví giặm dưới cơ sở như thôn, xóm, xã phường…

Tiếp xúc và trò chuyện với nghệ nhân dân gian Phan Thế Phiệt, chúng tôi hiểu rằng trong từng mạch máu của ông luôn căng tràn tình yêu với dân ca ví giặm. Ông Lê Xuân Nhương- nguyên Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Yên Thành nói: “Ông Phiệt là người gìn giữ và phát huy giá trị của dân ca ví giặm, làm cho nó ngày càng lan tỏa trong công chúng. Loại hình văn hóa đặc biệt này vừa qua đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có một phần đóng góp không nhỏ của những người như ông”.

Với những cống hiến của mình, ngày 1.8.2013, tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông được Nhà nước tôn vinh là Nghệ nhân dân gian.

  Ông Phan Phiệt còn đạt Huy chương Vàng liên hoan truyền hình toàn quốc, với tác phẩm “Làng Lòi những mảnh đời một nửa”; 2 lần đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương. Đến nay, ông đã xuất bản được 4 tập sách gồm: 1 tập phóng sự, ký sự, 2 tập truyện ngắn, 1 tập tiểu thuyết.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem