"Bom nổ chậm" chanh dây đe dọa hàng nghìn nông dân

Thứ ba, ngày 14/12/2010 21:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có lúc, chanh dây được xem là cây làm giàu ở một số tỉnh Tây Nguyên, còn bây giờ, nó như là “bom nổ chậm” đe dọa hàng nghìn nông dân.
Bình luận 0
img
Dù đã được cảnh báo nhiều rủi ro nhưng nông dân vẫn đổ xô trồng cây chanh dây.

Rủi ro của việc nông dân đổ xô trồng chanh dây thực ra đã được cảnh báo rất nhiều, thế nhưng trong thời gian gần đây diện tích chanh dây vẫn tăng một cách chóng mặt.

Cách đây hơn 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông chỉ có khoảng 800ha chanh dây. Nhưng hiện tại diện tích ấy đã tăng ít nhất gấp hai lần. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng diện tích chanh dây ở Đăk Nông đã lên đến trên 2.000ha.

Ngoài ra, tại Đăk Lăk cũng đã mọc lên ít nhất 300ha chanh dây. Hiện ở Đăk Nông chỉ có 8 cơ sở sơ chế nước múc, tiêu thụ khoảng 50 tấn chanh dây tươi/ngày. Lượng hàng này là nhu cầu của hai công ty cung ứng giống là Chia Meei (Đài Loan) và Trường Hoàng (Lâm Đồng). Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Mến - chủ Đại lý Hoàng Nam (xã Đăk Nia, TX. Gia Nghĩa) thì vào thời điểm thu rộ chỉ riêng đại lý của bà đã nhập khoảng 40 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Đức Luyện- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Nông cho rằng: “Cung vượt cầu, rớt giá là quy luật. Hiện cây chanh dây chỉ mới được Bộ NN&PTNT cho sản xuất thử nghiệm. Tỉnh cũng đã rất nhiều lần khuyến cáo, song nông dân vẫn làm theo cách của họ. Việc không thông qua các nhà cung ứng, nông dân không chỉ thiệt hại vì không được bảo hiểm giá mà còn lao đao với dịch bệnh”.

Cũng theo ông Luyện, với giá trên 2.500 đồng/kg, người trồng chanh dây vẫn có lãi từ 70-80 triệu/ha/năm, song đó là đối với giống Đài Nông F1 (giống chính thức), có năng suất cao, ít sâu bệnh. Thế nhưng hiện chỉ có khoảng 600ha chanh dây ở Đăk Nông được trồng nguồn giống này. Diện tích còn lại chủ yếu là giống do người dân tự chiết ghép hoặc mua trôi nổi ở thị trường Lâm Đồng.

Vẫn theo ông Luyện thì bài toán quy hoạch quả là không có đáp số. Nguyên nhân không chỉ từ phía nông dân mà cũng có thể là những cảnh báo của tỉnh chỉ mới về… đến huyện, hoặc đã đến dân nhưng bị “rơi rớt” và không phải bất kỳ nông dân nào cũng dễ dàng tiếp cận được với những thông tin ấy. Song ngoài cách cảnh báo rủi ro cho nông dân, cơ quan chức năng vẫn chưa thể làm được gì hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem