"Bốn nhà” chung tay làm cánh đồng mẫu

Chủ nhật, ngày 08/05/2011 05:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ hè thu này, tỉnh Trà Vinh xây dựng ba cánh đồng mẫu (CĐM) theo tiêu chuẩn VietGAP với sự liên kết chặt chẽ của “bốn nhà”.
Bình luận 0

Triển vọng từ những CĐM này sẽ giúp nông dân sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, hạt lúa làm ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước đó, cánh đồng liên kết “4 nhà” (nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước và nông dân), đã thực hiện ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, đến nay đã được 11 vụ lúa. Hiệu quả của sự liên kết này là đem lại cho nông dân thu nhập cao, ổn định từ cây lúa.

Ông Kiên Ninh - Chủ tịch UBND xã Phú Cần cho biết: “Việc liên kết “4 nhà” ở địa phương đạt hiệu quả rất cao. Tổng cộng có 110ha lúa “tham gia”, năng suất bình quân tăng 2,5 tấn/ha/vụ nhờ được nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật, Nhà nước đầu tư thủy lợi nội đồng và sản phẩm làm ra tiêu thụ ổn định...”.

Kết nối chặt chẽ “4 nhà”

img

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xử lý giống trước khi sạ.

Ở vụ lúa hè thu này, sự liên kết “4 nhà” ấy được thực hiện chặt chẽ hơn nữa bởi mô hình CĐM. Nông dân ở 2 ấp Cầu Tre và Đại Trường (xã Phú Cần) sẽ xây dựng mô hình CĐM này với diện tích 375ha. Toàn bộ diện tích sẽ sạ hàng đồng loạt bằng 1 giống lúa có sự hướng dẫn trực tiếp của các nhà khoa học. Khi triển khai thực hiện xây dựng CĐM nông dân rất hào hứng tham gia vì hiệu quả mang lại được kỳ vọng sẽ rất lớn. Ông Trần Văn Quân - nông dân ấp Cầu Tre, cho biết: “CĐM, này sẽ đem lại cho chúng tôi hiệu quả rất lớn không chỉ về năng suất, mà cả chất lượng hạt lúa”.

Ông Trần Trung Hiền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: “Ngành nông nghiệp và các đơn vị tham gia đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty CP Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang cung ứng thuốc BVTV và 30 tấn giống lúa OM 6976, đến cuối vụ lúa mới thanh toán. Còn Công ty Phân bón Bình Điền cung ứng toàn bộ phân bón và Công ty Lương thực Trà Vinh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ngay từ đầu vụ, đảm bảo có lãi từ 30% trở lên”. Ngoài ra, 2 cánh đồng khác ở huyện Cầu Kè và Trà Cú cũng được xây dựng theo mô hình CĐM với diện tích khoảng 700ha.

Lão nông Thạch Riêng - dân tộc Khmer ở ấp Cầu Tre, đã có hơn 30 năm trồng lúa. Nhưng chỉ 4 năm gần đây, ông mới thật sự thoát nghèo nhờ cây lúa. Khi cách đồng nơi đây được đầu tư xây dựng cống bê tông với kinh phí 9 tỷ đồng và thực hiện liên kết “4 nhà” thì năng suất lúa tăng lên rất nhanh. Ông Riêng khoe: “Bây giờ ấp Cầu Tre đã trở thành ấp giàu trong xã nhờ vào cây lúa. Năng suất lúa đạt trung bình 6,5 tấn/ha nên hầu hết nông dân đều cất nhà tường, sắm xe gắn máy đời mới, cho con học hành đàng hoàng...”. Vụ hè thu này, gia đình ông Riêng tham gia CĐM và nhận 120kg giống lúa xác nhận OM 6976 cho 12 công lúa chuẩn bị xuống giống. Ông cho hay: Bây giờ nông dân vùng này chỉ sạ 1 loại giống chất lượng cao do công ty cung cấp, được kỹ sư hướng dẫn nên đã “thuộc bài” về kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Quy trình sản xuất liên kết “4 nhà” trong CĐM sẽ khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Các doanh nghiệp sẽ cung ứng giống, thuốc BVTV, phân bón cho nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm sau khi nông dân thu hoạch. Kỹ sư Lê Văn Xiêm - cán bộ kỹ thuật ở CĐM xã Phú Cần (thuộc Công ty BVTV An Giang), cho biết: “Trước đây khi chưa thực hiện việc liên kết “4 nhà” thì nông dân tốn rất nhiều lúa giống do sạ với mật độ dày. Khi được hướng dẫn kỹ thuật thì nông dân biết được cách sạ hàng nên giảm lượng giống và hạn chế được sâu bệnh, từ đó chi phí giảm hơn 1 triệu đồng/ha. Đồng thời chất lượng hạt lúa làm ra cũng cao hơn để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu”.

Vụ hè thu này chuẩn bị bắt đầu xuống giống, nhưng Sở NNPTNT đã chủ động liên hệ với Công ty Lương thực Trà Vinh, bàn kế hoạch triển khai việc ký hợp đồng tiêu thụ lúa nên nông dân rất an tâm sản xuất. Sở sẽ là đơn vị trung gian, giám sát hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân. Ông Trần Trung Hiền cho rằng: Mô hình CĐM đang thực hiện thí điểm sẽ hướng nông dân đến nền sản xuất hiện đại, theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu gạo xuất khẩu. Từ mô hình này sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh với diện tích khoảng 50.000ha lúa chất lượng cao trong thời gian tới.

Trước mắt, doanh nghiệp có lợi sẽ là Công ty Lương thực Trà Vinh, bởi vụ lúa tới, những hạt lúa đủ chuẩn, chất lượng đồng đều sẽ được chất đầy kho. Còn những doanh nghiệp còn lại, trước mắt họ chỉ tính đến vấn đề hỗ trợ cho nông dân yên tâm sản xuất. Nhưng xa hơn, đó sẽ là những “cú ghi điểm” đầy ấn tượng cho thương hiệu sản phẩm của họ đối với nông dân.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL:

Sự liên kết của “4 nhà” sẽ đem lại hiệu quả nhất định trong việc xây dựng CĐM. Khi đó nhà nông liên kết lại để hình thành vùng nguyên liệu lớn sẽ dễ dàng tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất giúp giảm thất thoát, hạ giá thành và nâng cao chất lượng hạt lúa. Để làm được điều này thì cần có sự giúp sức của nhà khoa học trong việc tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Nhà nước sẽ giúp về cơ chế, chính sách. Từ đó doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn... Ngoài ra, khi xây dựng CĐM thì sẽ tập cho nông dân sản xuất theo hướng chất lượng cao bằng cách sử dụng 1 giống hay 1 nhóm giống lúa, có sổ theo dõi, cách bón phân, sử dụng thuốc để đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giá lúa sẽ cao hơn vì chất lượng đồng đều và số lượng lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem