"Canh bạc tất tay” của bóng đá Việt Nam

Thứ tư, ngày 14/11/2012 17:02 PM (GMT+7)
Dân Việt - Đúng 10 ngày nữa, đội tuyển bóng đá Việt Nam sẽ bước vào AFF Cup 2012 mang theo niềm tin của hàng triệu trái tim người hâm mộ...
Bình luận 0

Trong quá khứ, những bước đi của đội tuyển luôn thu hút triệu triệu trái tim người hâm mộ. Tất cả đều sẵn sàng tha thứ, bỏ qua hết những tồn tại của bóng đá Việt Nam (BĐVN) khi đổ ra đường ăn mừng thành công của đội tuyển. Ngược lại, những "góc khuất" dù là nhỏ nhất cũng sẽ được mang ra mổ xẻ nếu người hâm mộ thất vọng với các tuyển thủ.

Căn cứ vào số liệu thống kê trên trang web chính thức của VFF, cứ khi nào đội U23, đội tuyển quốc gia thi đấu thành công, là khi đó các khán đài V.League lại đầy ắp khán giả và ngược lại. Cụ thể, sau khi đội tuyển đoạt Cúp vô địch AFF Cup 2008, V.League 2009 đã có 1.879.500 người tới sân, trung bình 10.326 người/trận.

Con số này nhiều hơn hẳn so với V.League 2010 (1.510.128 người, trung bình 8.297 người/trận, gắn với thất bại của đội U23 tại SEA Games 2009), V.League 2011 (1.346.000 người, trung bình 7.395 người/trận, gắn với thất bại của đội tuyển ở AFF Cup 2010), V.League 2012 (1.412.500 người, trung bình: 7.760 người/trận, gắn với thất bại của đội U23 tại SEA Games 2011).

img
Đội tuyển Việt Nam (trái) mang trên mình trọng trách lớn tại AFF Cup 2012. Ảnh: Đàm Duy

Nói cách khác, trong thời điểm kinh tế khủng hoảng như hiện nay, chỉ có một lối chơi thuyết phục tại AFF Cup 2012 mới giúp bản thân từng thành viên trong ban huấn luyện đội tuyển tới các tuyển thủ “cứu” được tương lai của chính mình. Đó cũng là cách tốt nhất để họ “cứu” BĐVN.

Bao năm qua, các ông chủ và cầu thủ đã thiếu hiểu biết, lạnh nhạt, quay lưng với tình yêu cháy bỏng từ phía người hâm mộ. Một số Hội cổ động viên, đặc biệt là Hải Phòng còn có cảm giác như mình bị “bỏ rơi”. Và khi kinh tế khó khăn, các ông bầu hết tiền, họ dường như mới bắt đầu nhận thức được ý nghĩa đặc biệt của người hâm mộ trong đời sống bóng đá.

Lời tuyên bố của ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF đáng để chính VFF, VPF, các ông chủ, huấn luyện viên (HLV), cầu thủ suy ngẫm: “Nguồn lực tài chính, “bầu sữa” từ các doanh nghiệp đã cạn rồi, nhưng khoản chi cho bóng đá chuyên nghiệp lại rất lớn. Bóng đá phải sống bằng khán giả, bằng bản quyền truyền hình thì mới phát triển bền vững được. Mà muốn như vậy, không còn cách nào khác là phải chơi thật hay, đẹp, cống hiến”.

img
Người hâm mộ đang đặt rất nhiều niềm tin vào đội tuyển tại AFF Cup 2012

Theo cách nói của ông Dũng, trước khi các cầu thủ thay đổi, biết cách trân trọng khán giả hơn từ mùa giải mới, trước mắt, các tuyển thủ - những điểm sáng nhất của BĐVN phải biết cách thể hiện mình ở AFF Cup 2012.

Chiếc Cúp vô địch cộng với một lối chơi đẹp là điều quá hoàn hảo. Nhưng trong trường hợp không thể đi tới đỉnh cao khu vực, các tuyển thủ cũng cần thể hiện được tinh thần, ý chí chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Một bộ mặt bạc nhược như cách các đội tuyển đã thể hiện ở AFF Cup 2010, SEA Games 2011 rất có thể sẽ khiến BĐVN vốn đã khủng hoảng sẽ chìm sâu trong bế tắc không có lối thoát. Không loại trừ khả năng sau đó sẽ có những biến động lớn ngay trong tổ chức VFF, VPF.

Thành bại đều nằm ở AFF Cup 2012. Tất cả niềm tin, sự kỳ vọng đang được đặt vào đôi chân, “cái đầu” của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Ở góc độ đó, đội tuyển dù không được treo thưởng 1 đồng nào, nhưng thực chất lại gánh trên mình trọng trách rất lớn, nặng nề hơn nhiều những khoản treo thưởng hàng chục tỷ đồng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem