Theo đúng dự kiến, sáng nay, 13.11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
Đại biểu (ĐB) Phùng Đức Tiến (Hà Nam) tiếp tục đặt câu hỏi với Bộ trưởng Dũng: Tái cấu trúc nền kinh tế có dựa trên cơ sở hạ tầng. Bộ đã làm gì tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này. Hậu quả của việc đầu tư dàn trải các dự án bất động sản?
Bộ trưởng Dũng tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn: Hôm qua tôi đang trả lời câu hỏi liên quan tới tập đoàn của ĐB Lê Như Tiến về những TCty thuộc Bộ, có đồng dạng với Tập đoàn Sông Đà hay không. Hiện nay, các TCty thuộc Bộ cũng như các doanh nghiệp (DN) hiện nay đang trong tình trạng nhiều khó khăn, chẳng hạn như Lilama, phải xử lý nợ xấu của một số công trình chưa thanh toán xong do nợ đọng, xử lý những vấn đề liên quan tới kết luận của Thanh tra, trong đó có vấn đề về nhà máy xi măng Hạ Long chẳng hạn.
Hay Coma thì liên quan tới xi măng Đồng Bành. Do nợ đọng trong xây dựng cơ bản nên các DN trong ngành xây dựng rất khó khăn. Bộ đang tập trung xử lý những vấn đề này. Trước hết rà soát lại hết các khoản nợ của DN, những khoản nợ nào xử lý được hay không xử lý được, khoản nợ nào có thể để lâu. Thứ hai là phải tái cấu trúc lại ngành xây dựng, những ngành nghề nào không chính thức thì phải thoái vốn, cổ phần hóa các DN theo đúng lộ trình, sắp xếp lại tổ chức, bố trí nhân sự, tăng cường kiểm tra để các DN hoạt động đúng theo luật, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giải quyết đời sống việc làm cho công nhân viên chức.
Số liệu nhiều nên nếu ĐB có nhu cầu chúng tôi sẽ có báo cáo gửi ĐB sau. Rất mong các ĐB có những đóng góp cùng chúng tôi để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Bộ trưởng trả lời về ý kiến ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) khi đại biểu này hỏi về thực trạng, giải pháp của 5 nhà máy xi măng có quyết định không chính xác, sản xuất không hiệu quả: Nói chung các DN xi măng đỡ khó khăn hơn các DN khác, nhưng cũng có những DN rất khó khăn như ĐB nói.
Hiện chúng tôi đang tìm các nguyên nhân: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thấp (xi măng Đồng Bằng chỉ 4,49%...), trong khi đó lãi vay cao dẫn tới chi phí lớn, ảnh hưởng tới đầu ra. Sản xuất xi măng lại không phải là thế mạnh của các DN đang đầu tư hiện nay nên các DN này bị khó khăn. Các DN cũng mới đi vào sản xuất nên bị lỗ kế hoạch. Ngoài ra, do khó khăn nói chung của nền kinh tế nên xi măng tiêu thụ khó.
Giải pháp: Bộ đang phân loại các DN xi măng để có giải pháp phù hợp như chuyển giao vốn, nguyên trạng DN cho những DN khác đang có lợi thế như Vicem chẳng hạn. Lỗ kế hoạch nên theo lộ trình sẽ lãi nếu như DN nào có vốn lớn. Sẽ thoái vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các DN như Đồng Bành, Hạ Lọng đang tập trung theo hướng này, tăng vốn điều lệ để huy động vốn xã hội, cho giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay...
Bộ trưởng Dũng trả lời thêm ý nữa của ĐB Ngô Văn Minh là tại sao Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) an toàn mà không cho tích nước?
Ông Dũng cho biết: TĐST 2 tuân thủ các quy trình về kiểm tra chất lượng. Thấm đã đạt trên mức yêu cầu, là đập thấm ít nhất so với những đập lớn hiện nay. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước yêu cầu Chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập khác kiểm tra an toàn toàn diện của đập. Sau khi có kết luận của tư vấn thứ 2 và thứ 3 (Thụy Sĩ) kết luận đập an toàn cả về thi công và nền móng, có khả năng chịu động đất với gia tốc nền là 150cm/s2.
Đến nay, đập TĐST 2 xảy ra nhiều động đất và rung chấn, tuy đều nhỏ hơn động đất mà Viện vật lý địa cầu đã cung cấp đầu vào cho tính toán TĐST là 5,5 độ richter, nhưng do động đất như vậy, người dân lo lắng nên quan điểm của Chính phủ và Bộ là tập trung xử lý mọi vấn đề có liên quan tới an toàn, lấy an toàn của đập là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đó cũng là một yêu cầu để an dân. Và khi dân còn lo lắng thì không tích nước. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã chủ động đề nghị Thủ tướng chưa cho tích nước.
Chính phủ cũng đã yêu cầu Viện Vật lý địa cầu mời các nhà tư vấn có knh nghiệm về động đất và địa chất để đánh giá toàn diện khu vực Bắc Trà My. Hiện nay, các nhà địa chất của Nga đã đến khu vực này từ chủ nhật vừa rồi, tiếp sẽ có thêm của Nhật Bản tới để đánh giá toàn diện và khẳng định động đất ở khu vực này không vượt quá 5,5 độ richter. Sau đó, sẽ tuyên truyền để bà con yên tâm, khi đó mới cho tích nước.
Còn khi nào xảy ra sự cố, các cơ quan liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gợi mở thêm: Bộ trưởng phải khẳng định rõ cho dân yên tâm về tính an toàn của công trình này? Đề nghị Bộ trưởng tuyên bố rõ ràng rằng có phải đồng bào cứ ở tại chỗ, Nhà nước sẽ đảm bảo an toàn?
Bộ trưởng Dũng tiếp lời: Nếu như với tình trạng hiện nay thì đập có thể chịu được động đất với gia tốc nền tới 350cm/s2...
Chủ tịch QH ngắt lời, nhắc lại Bộ trưởng là người dân không quan tâm tới con số đó, chỉ cần Bộ trưởng nói là an toàn hay không? - Bộ trưởng Dũng tỏ vẻ khá căng thẳng, khẳng định lại: Nếu với những con số như vậy thì bà con hoàn toàn yên tâm ở đó, không phải đi đâu hết.
Cả hội trường rộ tiếng cười. Bộ trưởng nói tiếp: Đập như vậy gần như tuyệt đối an toàn rồi. Chỉ trừ trường hợp đặc biệt động đất cao hơn 5,5 độ richter thì phải nghiên cứu tiếp.
Chủ tịch QH hỏi lại lần nữa: Vậy là vẫn chưa biết bà con ở đó nên đi hay ở? - Bộ trưởng Dũng ngập ngừng khẳng định: Bà con cứ yên tâm ở lại, đập như vậy là rất an toàn.
Về hậu quả của đầu tư dàn trải, Bộ trưởng Dũng cho biết: Hiện ta đang có khoảng 54.000 công trình đang thực hiện. Theo các địa phương, tổng nguồn vốn phải điều chỉnh tăng lên là hơn 8.000 tỉ.
Nguyên nhân nợ đọng trong xây dựng cũng như việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là do: Các địa phương được phân bổ ngân sách đầu tư, nhưng trước đây các địa phương chủ yếu đầu tư theo công trình theo ngân sách hàng năm chứ không theo quá trình hoàn thành công trình.
Thêm nữa, việc đầu tư rất dàn trải, chưa có vốn cũng bố trí đầu tư hoặc vốn chưa đủ cũng bố trí đầu tư để hi vọng năm sau có vốn tiếp. Ngoài ra, chất lượng công tác quy hoạch còn kém, trùng lắp.
Giải pháp tránh đầu tư dàn trải: Thứ nhất là phải theo quy hoạch, có kế hoạch. Tới đây, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng luật Đầu tư công, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là kế hoạch phân bổ vốn, đầu tư hợp lý
Tiếp nữa là tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý những công trình đầu tư thiếu những thủ tục, yêu cầu theo quy định như thiếu vốn.
ĐB Trần Du Lịch hỏi tiếp về vấn đề phá băng thị trường bất động sản: Ghi nhận nỗ lực trong việc làm ấm thị trường BĐS, nhưng vẫn chưa nhìn thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Trong 30 năm lại đây, tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính đều bắt nguồn từ thị trường BĐS mà ra. Yếu kém trong thị trường BĐS là điển hình trong sự yếu kém, méo mó trong cơ cấu. Phải đề ra giải pháp cụ thể ở từng địa phương phù hợp thì mới mong giải quyết được.
Bộ trưởng Dũng cho biết đồng tình với ĐB Lịch và nói thêm, việc phân ra từng địa phương, Bộ cũng đã tập trung vào những địa phương có nhiều dự án để giải quyết cụ thể.
ĐB Ngô Văn Minh truy tiếp: Việc hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy kinh doanh xi măng kém, bộ trưởng đã nói rồi. Nhưng đây có phải là dạng “Tay không bắt giặc” không. Giờ bắt Chính phủ gỡ vốn, trả nợ vay tới hàng nghìn tỉ đồng thì trách nhiệm thuộc về ai?
Thứ hai, Bộ trưởng có thấy hội trường cười rộ lên khi bộ trưởng nói người dân cứ yên tâm với TĐST 2 không? Bản thân trong câu trả lời của Bộ trưởng đã cho thấy không yên tâm rồi. Vấn đề này, các nhà khoa học còn đang tranh luận nhiều, tình trạng như thế mà Bộ trưởng bảo yên tâm thì dân cũng không thấy ổn. Đề nghị Bộ trưởng phải có cách nào để các nhà Khoa học có chung tiếng nói, giúp người dân yên tâm hơn. Và xin hỏi thêm, nếu chẳng may sự cố xảy ra thì ai là người đầu tiên chịu trách nhiệm và xin Thủ tướng cũng trả lời câu hỏi này. Có phụ cấp “độc hại” cho người dân ở đó hay không?
Chủ tịch QH ngắt lời ĐB Minh, cho biết bản thân mình cũng chưa yên tâm với câu trả lời của Bộ trưởng. Chủ tịch nói: Vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, các nhà khoa học tới nay cho rằng yên tâm, nhưng tạm thời thôi vì giờ chưa tích nước. Còn vấn đề động đất, các nhà khoa học quốc tế tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy ổn mới cho tích nước, lúc đó mới có quyết định cuối cùng. Vì thế chưa tích nước là giải pháp quá độ. Đồng bào cứ ở lại. Chắc Bộ trưởng cũng không có gì mới hơn để trả lời nên đề nghị tạm dừng vấn đề này ở đây.
Vừa định trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Hồng (nghệ An) về việc Bộ Xây dựng có tham nhũng hay không, Bộ trưởng Dũng đã bị Chủ tịch QH nhắc rằng: Câu hỏi của ĐB rộng hơn thế, muốn hỏi là nguyên nhân công trình chất lượng kém là có tham nhũng hay không chứ không nói cụ thể như vậy?
Bộ trưởng Dũng trả lời tiếp: Như đã báo cáo, trong các nguyên nhân gây ra chất lượng công trình kém, có nguyên nhân là do năng lực phẩm chất cán bộ, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng, trong đó có tham nhũng. Còn ĐB hỏi trong Bộ Xây dựng có tham nhũng không, tôi cho rằng tham nhũng nó biểu hiện ở việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể. Có những công trình thất thoát có nhiều nguyên nhân, trong đó có tham nhũng. Nhưng việc tham nhũng có được nhận diện hay không thì phụ thuộc vào việc kiểm tra, phát hiện của người dân và cơ quan quản lý.
Chủ tịch QH phát biểu chốt lại phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng:
Với thời gian khoảng 3 tiếng, các câu hỏi của ĐB đặt ra khá sâu sắc, đa dạng, làm rõ thêm tình hình. Về việc quản lý thị trường BĐS, đánh giá chung của Chính phủ đây là vấn đề lớn, tình trạng đóng băng của thị trường này tác động xấu tới kinh tế, gây ra ách tắc trong nhiều lĩnh vực, tạo ra tồn đọng hàng lớn, tạo nên khó khăn trong hàng loạt các DN đầu tư trong xây dựng và DN kinh doanh vật liệu xây dựng.
Cuối cùng, nó tác động tới hệ thống mạch máu ngân hàng và gây ra nợ xấu. Nợ xấu trong lĩnh vực này rất lớn. Vay tiền mua đất, mua nhà, xây nhà, đầu tư xây dựng, đầu cơ trong xây dựng... tạo ra nợ xấu. Vì vậy, phải có nhiều giải pháp cần thiết để làm ấm lên thị trường. ..
Giải pháp: Cân đối cung cầu nên tập trung rà soát lại tất cả các dự án BĐS đang tồn đọng. Dự án nào cho làm tiếp, cái nào điều chỉnh, cái nào dừng. Thứ hai là cơ cấu lại thị trường này một cách cân đối, phù hợp với quy hoạch các khu đô thị, các chủng loại thị trường nhà ở, cho thuê...
Bên cạnh đó, phải giải quyết nhà ở xã hội, nhà cho sinh viên. Trong năm 2013, thị trường sẽ ấm lên, theo lời hứa của Bộ trưởng. Điều này sẽ tạo ra chuyển biến tích cực nếu ta thực hiện những giải pháp tích cực như vậy.
Liên quan tới chất lượng công trình: Về cơ bản, công trình xây dựng của VN, nhất là những công trình lớn, là đảm bảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều công trình quy mô không lớn thì chất lượng thấp, diện rộng ở khắp nơi kể cả những chương trình dự án mục tiêu.
Vấn đề thủy điện ảnh hưởng tới nhiều chuyện khác. Làm tốt thì đem lại dòng điện như đất nước, nhưng ảnh hưởng cũng nhiều. Bộ Xây dựng phải tổng rà soát lại cùng với Bộ Công thương, giải đáp về chất lượng công trình, Bộ TNMT phải giải đáp được về chuyện môi trường... Cuối năm sau phải có báo cáo tổng thể tới Chính phủ, Quốc hội.
Đề nghị phải Bộ Xây dựng phải sớm xây dựng Luật quản lý đô thị, nếu không quy hoạch thủ đô sẽ bị phá vỡ vì không có luật để quản lý quy hoạch. Bộ trưởng phải tiến hành rà loại quy hoạch tổng thể các đô thị trên toàn quốc.
Tiến hành tái cơ cấu tổng thể các DNNN thuộc lĩnh vực bộ phụ trách ngay. Trên cơ sở đó, tiến hành kiểm tra vốn, cân đối tài chính, vấn đề tiêu cực thất thoát trong hoạt động của các DNNN để chấn chỉnh kịp thời.
Lộ trình đặt ra là trong năm 2013 tích cực triển khai tạo bước chuyển biến. 2014, 2015 tiến hành thoái vốn, thoái ngành để tổ chức lại và cổ phần hóa cơ bản các DN kinh doanh vật liệu xây dựng và các Cty xây dựng, trừ một số tập đoàn, TCty lớn Nhà nước nắm giữ.
Chủ tịch Quốc hội kết luận: Nói chung, Bộ trưởng trả lời khá đầy đủ các vấn đề trong lĩnh vực của mình, duy có chỗ TĐST 2 thì trả lời chưa dứt khoát thôi. Xin cám ơn Bộ trưởng và các đại biểu.
H.P-P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.