Theo số liệu của Bộ GD–ĐT, vẫn còn 190.000 thí sinh có điểm từ sàn trở lên chưa đỗ NV1, tuy vậy, rất ít thí sinh “ngó ngàng” tới các trường ĐH vùng. Cụ thể như ĐH Tây Bắc dành gần hơn 960 chỉ tiêu NV2 ở 30 ngành học, tuy nhiên tới ngày 31-8, số hồ sơ thí sinh gửi về rất “thưa thớt”.
Ông Lò Bình Minh – Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Năm nào các trường ĐH vùng cũng phải chật vật xét tuyển NV để tuyển đủ thí sinh. Những thí sinh NV2 gửi hồ sơ vào các trường ĐH vùng thường chỉ giống “ký gửi tạm” 1 năm rồi rút hồ sơ thi lại. Một mặt vì điều kiện địa lý, mặt khác vì tâm lý ra trường với tấm bằng không “oai” sẽ khó xin việc ở địa phương khác. Vì vậy, xét tuyển được thí sinh không có hộ khẩu thường trú vùng Tây Bắc là rất khó”.
Ông Minh cho biết thêm: Biện pháp tháo gỡ là ưu tiên xét tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú. Thí sinh vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số được ưu tiên đến 3,5 điểm xét tuyển vào trường. Vì đây là những thí sinh có hi vọng gắn bó với trường suốt 4 năm học. Dù điểm xét tuyển chỉ 13 - 14 nhưng trường vẫn phải trông chờ vào NV3 nữa.
Các trường ĐH thuộc nhiều tỉnh như ĐH Hà Tĩnh, ĐH Hồng Đức, ĐH Tây Nguyên… cũng gặp tình trạng tương tự. Nhận định về thực trạng này, GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD–ĐT cho biết: “NghịÞch lý kẻ ăn không hết người lần chẳng ra trong giáo dục hiện nay rất phổ biến, nặng nhất là ở khối các trường dân lập. Bộ GD – ĐT cần có chính sách hỗ trợ, thu hút cho các trường ĐH, CĐ vùng và cũng nên nới lỏng hơn nữa cho các trường dân lập trong việc xét tuyển. Chỉ có vậy mới có thể thay đổi được cục diện”.
Thiên Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.