Sáng nay, 18.2, tại buổi họp báo của Kiểm toán Nhà nước, nhận định về việc EVN quyết định thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành cũng như việc đầu tư ngoài ngành tràn lan của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước suốt một thời gian dài vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội- ông Mai Xuân Hùng, cho biết: Cuối năm 2012, đầu 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu đến năm 2015, tất cả các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước phải thoái hết vốn từ đầu tư ngoài ngành.
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Mai Xuân Hùng trong buổi họp báo sáng nay của KTNN
Có thể nói, việc đầu tư ngoài ngành xuất phát ngay từ chủ trương ban đầu khi thành lập các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, chúng ta đã hướng tới mục tiêu thành lập các tập đoàn đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Nhưng trong quá trình hoạt động và quản lý vốn của mình, các tập đoàn, tổng công ty đã quá tập trung vào những ngành nghề có lợi trước mắt mà lại không phải là ngành chính của mình, trong một giai đoạn dài.
Đặc biệt giai đoạn từ 2005 đến 2012, đầu tiên là tập trung đầu tư vào các tổ chức tín dụng - các ngân hàng mọc lên như nấm. Sau đó là lĩnh vực chứng khoán, cho thuê tài chính, bất động sản... Nhiều đối tác chiến lược muốn có sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước – được coi như những “anh cả đỏ” trong lĩnh vực kinh tế – vì thế, họ được mời chào, được ưu đãi để tham gia với các đối tác.
Những năm 2007, 2008 được coi là giai đoạn cao trào khi trên thị trường chứng khoán, chỉ số chứng khoán của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên tới 2.0 - 3.0. Nhưng đến cuối năm 2010, đầu 2011, khi thị trường chứng khoán bắt đầu xuống dốc, chỉ số chứng khoán xuống dưới 1.0 thì các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới bộc lộ rõ “sức khỏe” thật sự của mình. Bản thân sức khỏe của doanh nghiệp ta còn yếu, làm trong lĩnh vực chính của mình còn chưa xong thì nói gì đến việc đầu tư ra ngoài ngành.
Và chính qua đó, chúng ta đã có được một bài học đắt giá: “Người đã yếu thì chỉ nên tập trung vào một việc, trước tiên hãy làm tốt công việc chính của mình. Nếu ôm đồm làm thêm những việc mang tính chộp giật thì sớm muộn gì cũng dẫn đến tình trạng chộp giật lẫn nhau. Việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bây giờ là việc rất đáng làm, dù muộn. Có một thực tế là số vốn bị thất thoát do đầu tư trái ngành nghề của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có chỗ lên tới 40 – 50%”, ông Hùng nhận định.
Hải Phong (ghi) (Hải Phong (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.