"Đại án tham nhũng" 130 tỷ: Nguyên Tổng Giám đốc ALC II lãnh án tử

Vân Anh Thứ sáu, ngày 26/09/2014 19:12 PM (GMT+7)
Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, chiều ngày 26.9, TAND TP.HCM đã tuyên 3 án tử hình, 4 án tù chung thân trong vụ nâng khống thiết bị lặn tàu Tinro2 từ 100 triệu lên 130 tỷ nhằm chiếm đoạt tài sản Nhà nước.  
Bình luận 0
Tòa tuyên phạt 3 án tử hình đối với 3 bị cáo:  Vũ Quốc Hảo (SN 1955, nguyên Tổng giám đốc Công ty ALC II, Phạm Minh Tuấn (SN 1958, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải), Hoàng Lộc (SN 1965, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) cùng về tội “tham ô tài sản”.

img

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

Cùng tội danh trên, tòa còn tuyên phạt cùng mức án tù chung thân đối với 4 bị cáo: Lê Phúc Đức (SN 1976, nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam); Vũ Đức Hòa (SN 1979, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải); Lê Thị Minh Huệ (SN 1969, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải) Nguyễn Văn Tài (SN 1959, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty ALC II).

Các bị cáo nguyên là cán bộ ALCII gồm: Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Văn Thọ, Đinh Nguyên Tý,  Phùng Văn Đồng  cũng bị tuyên phạt từ 15 – 20 năm tù.

img

 Bị cáo Vũ Quốc Hảo bị tuyên án tử hình

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo: Hảo, Tuấn, Hòa, Huệ,… có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ALCII 130 tỷ đồng. Đối với thiết bị tàu  lặn Tinro2, tòa tuyên giao cho phía ALCII phát mãi thu hồi vốn. 

HĐXX còn nhận định, đây là vụ án có tổ chức, hành vi các bị cáo có dự mưu từ trước, việc phân công từng bị cáo được thực hiện chặt chẽ, chiếm đoạt với số tiền đặc biệt lớn, gây tổn thất cho Nhà nước làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Do đó cần thiết phải tuyên phạt các bị cáo với mức án thật nghiêm khắc phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời làm bài học răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.

Theo nội dung bản án tòa vừa tuyên, với mục đích muốn chiếm đoạt tài sản Nhà nước, lợi dụng chức vụ và quyền hạn là Tổng Giám đốc công ty ALCII, năm 2003 ông Vũ Quốc Hảo đứng ra thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải. Qua mối quan hệ làm ăn, ông Hảo biết được ông Kochi (người Nhật Bản) có tàu lặn Tinro2, đang khai thác sử dụng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và muốn hợp tác làm ăn.

Từ đó, ông Hảo thỏa thuận với ông Kochi sẽ đưa tàu Tinro2 thành tài sản góp vốn vào công ty Cát Long Hải và sử dụng nó vào việc ký hợp đồng thuê tài chính với ALCII. Sau đó, ông Hảo và Phạm Minh Tuấn đã tìm cách hợp pháp hóa tàu này cho công ty Cát Long Hải và  thuê tàu chở thiết bị lặn ra Hải Phòng để tạo tình huống bị bắt giữ. Khi thiết bị này được bán đấu giá, Công ty Cát Long Hải xin mua lại với giá 100 triệu đồng.  

Sau khi hợp pháp hóa thiết bị tàu lặn, Tuấn và Huệ thông qua Hoàng Lộc (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Việt Nam - Vivaco) nâng giá thiết bị này từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng và  ông Hảo đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới  thực hiện hợp đồng thuê tài chính với ALCII để giải ngân 130 tỷ trên. Trong tổng số tiền 130 tỷ trên, ông Hảo đã sử dụng gần 79 tỷ đồng mua đất trạm dừng chân Miền Tây (ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem