"Đánh thức" một vùng bãi sông, thu tiền tỷ

Thứ sáu, ngày 09/12/2011 17:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 15 năm trước, cựu chiến binh Phạm Thành Văn rời quân ngũ về học nghề lái “trâu sắt”, nhưng rồi anh lại quyết định chọn vùng bãi bồi ven sông Thái Bình để khai hoang, phát triển kinh tế.
Bình luận 0

“Đánh thức” một vùng bãi hoang

Sông Thái Bình, đoạn cuối nguồn đổ ra biển là ranh giới giữa 2 huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng của TP.Hải Phòng. Không biết bãi bồi này được sông Thái Bình ngầu đỏ phù sa bốn mùa, bồi đắp ra sao. Chỉ biết, từ những năm 1990, bãi đất hoang rộng tới vài chục ha, thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo này đã được hình thành.

img
Cựu chiến binh Phạm Thành Văn, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi TP.Hải Phòng.

Thấy tiềm năng đất đai ở đây đầy triển vọng, nhưng còn để hoang, anh Văn liền nảy ý định đề xuất chính quyền xã xin thuê một phần diện tích để cải tạo, làm kinh tế hộ gia đình và được địa phương chấp thuận, tạo điều kiện để anh lập Dự án Xây dựng trang trại VAC tổng hợp.

Nói là bãi bồi, nhưng thực tế vẫn còn bì bõm nước, giống bãi “mập đớp” (danh từ cư dân địa phương thường gọi). Chỗ cao thì cỏ lăn, lác “ngự trị”, mọc lút đầu, còn nơi trũng thì sình lầy, phù sa non ngập ngang thắt lưng.

Muốn khai thác bãi hoang phục vụ phát triển kinh tế, trước hết phải triệt tận gốc cỏ dại, thứ đến phải quai đê để bảo vệ bãi, đồng thời xây dựng công trình thủy lợi (cống điều tiết nước). Tất cả các công việc đó, đều trông vào sức người. Bởi, theo anh Văn, máy móc khó vào được bãi lầy. Vả lại, có vào được để giải phóng sức người thì gia đình anh cũng chưa có điều kiện để mua sắm máy móc.

Nghe anh Văn tâm sự, những ngày đầu khai hoang, lập đất thật gian nan. Ban ngày, anh cùng vài ba nhân công thuê, ngụp lặn giữa cái nắng chang chang nơi còn bãi để “đánh vật” với cỏ dại. Đêm đến, lại thắp đèn măng – sông đào ao, lập đất, quai đê…

Cứ thế, 5 năm ròng rã không có ngày nghỉ, hơn 10 ha bãi hoang đã được dọn sạch cỏ dại; 2km đê bối cộng với cống điều tiết nước cũng đã được đắp và xây dựng xong. Vốn tự có không đủ để trả chi phí nhân công và mua con giống thủy sản, anh phải vay thêm ngân hàng. Nhưng dù sao, “vạn sự khởi đầu nan”, bước đầu được như thế cũng coi là thuận lợi.

Chỉ có điều, không may cho gia đình anh năm đó (1996), cá tôm ở hai đầm nuôi đang lớn nhanh, hứa hẹn một vụ thu hoạch hiệu quả thì cơn bão số 2 quét qua địa bàn, làm đê bối bị vỡ. Hai đầm cá trôi cả ra sông. Thiệt hại ước gần 500 triệu đồng.

Nhìn khu bãi tan hoang sau bão, nhất là cơn bão thật lại xảy ra song hành cùng cơn “bão giá”, thứ gì cũng tăng, đặc biệt là giá nhân công, khiến ai nấy cũng đều lắc đầu, ái ngại cho anh Văn. Bỏ bãi thì thương, mà vương thì… tội. “Liệu rồi mình có còn đủ sức để khôi phục lại đầm bãi, tiếp tục phát triển trang trại VAC tổng hợp, nhất là nuôi trồng thủy sản?”.

Tự vấn mình chưa đủ, sau khi xoay xở trả xong món nợ ngân hàng, anh Phạm Thành Văn quyết định khăn gói ra tỉnh ngoài “tầm sư học đạo”. Với anh Văn, thất bát kể trên anh chỉ coi là rủi ro, chứ không phải là thất bại. Thậm chí, anh còn cho đó là bài học về sự phát triển kinh tế thiếu tính ổn định, bền vững của mình.

Trở về vùng bãi với những kinh nghiệm mới học hỏi được, người cựu chiến binh này có phần thực tế hơn, không phiêu lưu, mạo hiểm mà quyết định chọn cách làm kinh tế trang trại “lấy ngắn nuôi dài” phù hợp với mình. Theo đó, một mặt mở rộng thêm diện tích đầm nuôi thủy sản theo hướng quảng canh, mặt khác anh tập trung đầu tư vào 2 ao đầm nuôi chính.

Thấy lượng đất dư thừa quá lớn do đào ao, mở đầm, sau khi tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, anh đầu tư xây 5 lò gạch kiểu đứng, do Trung tâm Ứng dụng KHCN – Sở KHCN Hải Phòng chuyển giao công nghệ.

Với mô hình này, mỗi năm tận dụng lượng đất dư thừa, cơ sở sản xuất gạch của anh Văn đã cho ra lò hàng triệu viên gạch đặc đạt chất lượng, phục vụ việc xây dựng trang trại của mình và cung cấp cho thị trường xây dựng trong và ngoài thành phố.

Để đảm bảo ổn định “đầu ra” cho sản phẩm gạch, đồng thời cũng để mở rộng thêm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, năm 2000, anh Văn “bắt tay” với một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty XD Bạch Đằng – Hải Phòng, nhận cung ứng VLXD cho họ, gồm gạch, cát, đá, đất cấp phối để xây dựng công trình và làm đường giao thông. Tuy “mèo bé bắt chuột bé”, nhưng với hướng đi này, chỉ sau 3 năm (2000-2003), trừ chi phí các khoản và đóng góp nghĩa vụ với Nhà nước, gia đình anh Văn vẫn còn thu lời hơn 2 tỷ đồng.

“Nhấn ga” làm giàu

Không dừng ở việc nuôi thủy sản, làm gạch, năm 2007 thấy khu vực bãi bồi ở xa khu dân cư có thể chăn nuôi quy mô lớn theo hướng trang trại. Tuy nhiên, đầu tư cho trang trại loại này sẽ phải cần lượng vốn lớn, trong khi vốn tự có chưa thể đáp ứng, còn vay vốn ngân hàng thì lãi suất cao, lại không thể dễ vay. Bởi vậy, anh Văn quyết định hợp đồng với Công ty CP để nuôi lợn gia công.

img
Trang trại lợn của ông Phạm Thành Văn.

Theo ông chủ trang trại này tính toán thì, nuôi gia công lợi nhuận không lớn. Nhưng trong điều kiện ngắn vốn, nếu nuôi nhiều vẫn có lãi. Quả đúng như vậy, với 2 trại nuôi, quy mô 600 con/ trại, gia đình anh Văn chỉ phải đầu tư ban đầu 1,5 tỷ đồng/trại, nhưng lợi nhuận thu về từ 2 trại lợn này cũng được trên 1 tỷ đồng/năm.

Điều đáng nói, từ cách làm trang trại tổng hợp “lấy ngắn nuôi dài” của anh Văn, một số hộ nông dân ở Vĩnh An đã mạnh dạn ra vùng bãi bồi này để cải tạo, đầu tư mở trang trại nuôi gà, lợn cho Công ty CP, đưa tổng số trang trại nuôi gia súc, gia cầm ở đây lên 25 trang trại. Riêng trang trại tổng hợp của anh Văn, ngoài lợi nhuận hàng tỷ đồng thu được mỗi năm, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 30- 40 lao động, với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/ người/ tháng.

Bộc bạch với chúng tôi, anh Văn không ngần ngại mà dốc hết những lời “gan ruột”: “Đầu tư vào nông nghiệp nói chung, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nói riêng, rủi ro là rất cao. Có thể vụ này thu bạc tỷ, nhưng vụ sau mất trắng là lẽ thường tình do thiên tai hoặc dịch bệnh. Điều quan trọng là phải biết chấp nhận. Bản thân gia đình tôi đã từng phải bán đi tất cả để trả nợ vì những rủi ro như thế. Chỉ cần có chí là nên, bởi “thua keo này, bày keo khác”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Đặc biệt, làm ăn phải thực sự nghiêm túc, dù được mùa hay thất bát cũng phải chịu trách nhiệm tới cùng. Có vậy, khi gặp “vận rủi”, mới có người chìa tay chia sẻ, giúp đỡ…”.

Phải chăng vì lẽ này, nói cách khác, vì con người thực và việc làm thực của anh Văn mà khi anh bày tỏ nguyện vọng sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hệ thống ao đầm nuôi trồng thủy sản, xây dựng thêm 2 trại lợn nữa tại địa bàn xã Vĩnh An và mở rộng quy mô chăn nuôi xuống xã Hưng Nhân, đồng thời xin cấp phép mở bãi VLXD… đã được ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh An Vũ Tiến Hòa đồng tình ủng hộ ngay.

Một ngày đầu đông, đứng trên đê cao, phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ khu bãi bồi mênh mông, hoang vu ngày nào bên sông Thái Bình, nay san sát trang trại quy mô lớn, ao đầm tôm cá lao xao, chúng tôi thấy ấm áp thực sự và càng cảm phục trí sáng tạo, sự cần mẫn, dẻo dai của những chủ trang trại nơi đây, mà anh Văn là một trong số điển hình tiêu biểu. Chính anh là đốm lửa đầu tiên đã làm thức dậy cả vùng bãi hoang này, để nó rộn ràng, sầm uất như hôm nay.

“Trời phú cho tôi vóc dáng khỏe mạnh, lại chân chất nông dân nên khi đứng chủ một doanh nghiệp rồi (Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành), bạn bè, đồng chí trong chi bộ của tôi vẫn gọi tôi là “Văn trang trại”. Không sao, trang trại mới là nơi tôi khởi nghiệp và nó cũng đang nuôi chí làm giàu của tôi. Tôi chỉ mong, trang trại VAC tổng hợp của mình cũng như của các hộ nông dân khác trong khu vực sẽ ngày một khang trang hơn, hiệu quả hơn để làm giàu cho gia đình và đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ngoài những danh hiệu, phần thưởng cao quý được trao tặng ra, chỉ xin được các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi thực hiện được tâm ước cũng như khát khao làm giàu chính đáng này của mình” - ông Phạm Thành Văn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem