Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam. Coi thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự.
|
Bìa cuốn sách "Ngàn năm áo mũ" của tác giả Trần Quang Đức |
Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo so với trang phục cung đình Trung Quốc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Để làm rõ điều này, Ngàn năm mũ áo đã mô tả chi tiết, tỉ mỉ, sống động nhiều dạng trang phục như bộ Lễ phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương Quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v..
Trong khi đó, trang phục dân gian Việt Nam thời phong kiến tự chủ nhìn chung khá ổn định về kiểu dáng và hình thức. Trang phục của tầng lớp thường dân phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà. Mãi đến năm 1744 mới có một cuộc cải cách lớn trong trang phục dân gian, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát thực thi các sắc lệnh thay đổi toàn bộ triều nghi phẩm phục trong cung đình cũng như ngoài dân gian ở Đàng Trong, cấm tất cả các kiểu áo quần, yếm váy, khăn mũ thời trước, bắt buộc mặc quần chân áo chít (tức áo năm thân, áo dài). Đến thời vua Minh Mạng thì lối ăn mặc này được áp dụng cho toàn cõi nước Việt, để rồi chiếc áo dài đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.
Để dựng nên bức tranh phục trang to lớn này một cách khách quan và chân thực, tác giả Trần Quang Đức đã tìm kiếm và xử lý một lượng tư liệu lớn, cố gắng truy nguyên về nguồn, tìm ra tư liệu gốc chuẩn làm cơ sở, diễn dịch những tư liệu đó một cách chuẩn xác. Tác giả cũng cung cấp nhiều tư liệu tranh tượng, tiến hành khảo sát thận trọng dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan.
Có thể nói, "Ngàn năm áo mũ" đã bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.
Là một tác giả trẻ, Trần Quang Đức (sinh năm 1985 tại Hải Phòng) đồng thời là dịch giả của các tác phẩm "Trà kinh" (2008), "Chuyện tình giai nhân" (2011) và "Trường An loạn" (2012).
Năm 2004, khi đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội, anh đoạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 - dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Năm 2009, anh tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2012, trong khi đang là biên tập viên của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, anh tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt Nam và viết cuốn sách "Ngàn năm áo mũ". Hiện anh là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam.
Minh Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.