"Nghệ nhân" duy nhất còn làm gốm vuốt tay ở Hà thành

Việt Tùng Thứ sáu, ngày 19/09/2014 16:32 PM (GMT+7)
Cả xã có hàng trăm hộ làm gốm, nhưng giờ chỉ còn duy nhất anh Phạm Anh Đạo ở xóm 2, xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) làm gốm vuốt tay. Gốm vuốt tay đẹp, độc đáo, nhưng vì lợi ích kinh tế, nó đang bị gốm công nghiệp “đè” bẹp. Anh Đạo bảo: “Cũng có một số người đến học, nhưng chưa ai thành nghề!”...
Bình luận 0

Nghệ nhân khiếm thính

Gã cầm cục đất ném bụp xuống bàn xoay, dùng hai bàn tay vòng ôm lấy cục đất, trong vài giây cục đất tạo thành hình cái bánh bao. Rồi gã khéo léo gí ngón tay vào giữa, cục đất xoay tròn, nhanh như cắt biến thành cái bình hoa trông rất có hồn... Đó là công việc, là tài nghệ vuốt gốm bằng tay của Đạo. Và cũng bởi lẽ đó, mà người dân nơi đây thường gọi anh bằng cái tên trìu mến… “Đạo gốm”.

Tôi biết Đạo cách đây gần chục năm, khi đó anh chưa thành nghệ nhân, chưa phải là “thanh niên tiêu biểu Thủ đô”, chưa nhận được nhiều giải thưởng danh giá như bây giờ. Mẹ Đạo kể lại, cậu là một đứa trẻ từ khi mới sinh ra đã phải chịu nhiều thiệt thòi. “Nó được sinh đôi, nặng chỉ 1,4kg, đứa em Phạm Anh Đức thì nặng hơn anh 1 lạng. Mặc dù chỉ hơn 1 lạng, nhưng Đức khỏe mạnh hơn hẳn, không hay ốm đau. Có lẽ mọi ốm đau bệnh tật, Đạo đã gánh hết cho em rồi” – mẹ anh nói.

Không như những đứa trẻ khác, khi đã 5 – 6 tuổi Đạo vẫn chưa nói được, đi chỉ chập chững. Hàng ngày Đạo chỉ ngồi thu lu một chỗ nhìn bố, ông Phạm Ngọc Huy – một nghệ nhân làng gốm Bát Tràng làm gốm. “Nó không nói được, nhưng rất hay để ý, mắt nó sáng lắm. Hễ nhìn thấy gốm bị xệ là nó đứng dậy dùng tay ra hiệu, hoặc khi thấy bố vuốt, vẽ gốm đẹp là vỗ tay, vẻ mặt rạng ngời, nên tôi cũng thấy vui” – ông Huy kể lại.

Cứ thế, mãi năm 10 tuổi Đạo mới biết nói bập bẹ và bắt đầu đi học, nhưng khổ nỗi do uống quá nhiều thuốc kháng sinh hay vì lý do nào đó, tai Đạo dường như không nghe thấy gì, nếu người nói không hét tướng lên. Đi học khó khăn, vất vả vì không nghe được lời thầy giảng, nên học hết lớp 6 Đạo đành ở nhà.

Anh lật lại tuổi thơ: “Khi tôi biết nhào mặn đất, thì nhà tôi, bố, ông không còn làm gốm vuốt tay nữa, ở trong làng cũng vậy. Tôi cứ mày mò nhào nặn, tác phẩm đầu tay là cái bát ăn cơm. Cầm những cái bát vuốt tay thô ráp, đường vân không cái nào giống cái nào, tôi rất sung sướng. Rồi tôi mê gốm vuốt tay lúc nào không hay”.

Trong một cuộc triển lãm gốm ở chợ gốm Bát Tràng, vì cảm phục, ngưỡng mộ trước tài năng của chàng trai khiếm thính, cô thôn nữ Nguyễn Mỹ Trinh ở làng gốm Kim Lan đã về cùng anh xây đắp hạnh phúc gia đình. Hiện họ đã có 2 đứa con trai, đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi, đều học rất giỏi.

Năm 2009, tôi gặp lại Đạo trong lễ tuyên dương 10 gương mặt tiêu biểu của Thủ đô. Đạo nhận giải, bởi anh là người số 1 và là người duy nhất đến thời điểm này ở Bát Tràng còn làm và giữ dòng gốm vuốt tay cổ. Và điều đặc biệt, là gốm vuốt tay của anh rất đẹp, độc đáo, được nhiều khách hàng khó tính lựa chọn, cũng chính vì thế mà anh đã được vinh danh là nghệ nhân khi vừa tròn 36 tuổi.

Nỗi lo thất truyền

Trở lại thăm gia đình anh Đạo, thăm làng gốm Bát Tràng, tôi cảm nhận được sự sung túc của người làm gốm nơi đây. Duy chỉ có gia đình anh Đạo thì vẫn tuềnh toàng với xưởng nhỏ như ngày nào. Trong xưởng, anh Đạo vẫn say sưa vuốt gốm. “Làm gốm vuốt tay nghèo, trong khi cả xã đã chuyển sang làm gốm công nghiệp, sao anh không chuyển?”. Câu hỏi ấy tôi đã từng hỏi Đạo gần chục năm trước. Đạo đạp khự bàn xoay dừng lại, nói chắc như đinh đóng cột: “Ai cũng chạy theo công nghiệp, chạy theo đồng tiền thì còn ai làm gốm vuốt tay? Tôi làm gốm vuốt tay không phải vì… tiền. Đơn giản chỉ vì thích, vì muốn giữ lại dòng gốm cổ”.


Ông Lê Xuân Phổ - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng

 Hiện ở Bát Tràng chỉ còn duy nhất anh Đạo làm gốm vuốt tay, còn lại đa số các hộ đã chuyển sang làm gốm công nghiệp, gốm đúc khuôn. Việc gìn giữ thương hiệu gốm vuốt tay quả là rất gian nan”.   
Nghe chồng nói, chị Trinh chen vào: “Nhà em lạ lắm! Ai cũng ca ngợi anh ấy vuốt gốm đẹp, cái gì cũng làm được, chỉ cần nhìn qua mẫu vẽ là anh ấy vuốt được ngay. Năm 2008, sau 6 tháng, tốn hơn 600kg đất anh ấy đã vuốt, nung thành công đôi chóe cao 2,5m, rộng 1,3m lớn nhất từ trước tới nay. Khách nườm nượp đến xem, nhiều người trả giá hơn 600 triệu đồng, nhưng nhà em nhất quyết không bán. Nhà em bảo, bán đi không biết lần sau mình có làm thành công nữa không”.

 

“Sao anh không mở lớp đào tạo lớp nghệ nhân trẻ?” - tôi hỏi. “Có chứ! Tôi luôn sẵn sàng dạy cho những người có nhu cầu học nghề gốm vuốt tay, truyền hết các ngón nghề cho họ. Từ trước đến nay, cũng đã có vài chục người học, nhưng chỉ duy nhất một cậu người Angola là học được 2 năm, hiện đã làm được những sản phẩm tương đối tinh xảo, nhưng cậu ấy đã về nước rồi. Còn trong nước, cũng có một sinh viên tên Bình ở Nha Trang ra học được 6 tháng, cũng đã làm được những sản phẩm đơn giản. Nhưng nghe vợ tôi nói, vừa qua cô ấy gửi email bảo đã ra nước ngoài sống rồi. Còn lại đa số đều không đủ kiên nhẫn, học được vài tuần, hoặc vài tháng lại bỏ” – anh Đạo cầm cục đất, bần thần nhìn chiếc bàn xoay cứ đều đều quay tròn.

Tài năng, tài hoa của Đạo thì dường như ai cũng biết, nhưng dường như nỗi lo thất truyền thì chỉ mình Đạo biết, chỉ mình Đạo lo (?!). “Giá có người làm thay, tôi đã được ngồi “đàng hoàng” tiếp các anh chị!” - Đạo nói.

Chia tay “Đạo gốm” tôi mang theo nỗi lo của anh, lẽ nào gốm vuốt tay Bát Tràng chỉ còn… Đạo gốm?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem