"Ngộp thở" với muôn kiểu khuyến mãi dày đặc

Thứ sáu, ngày 25/05/2012 13:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người tiêu dùng đang “ngộp thở” vì mật độ khuyến mãi dày đặc. Đó là do doanh nghiệp bán lẻ muốn đẩy nhanh lượng hàng tồn kho, gom tiền về bằng mọi cách.
Bình luận 0

Nhan nhản khuyến mãi

Chị Thu Hà - Trưởng phòng quan hệ khách hàng của một công ty lớn chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi siêu thị mua đồ, tôi tiêu tốn 1 - 2 triệu đồng là bình thường. Nhưng giờ phải luôn cân nhắc mua vừa đủ rau, thịt không mua cả ký để tràn lan như trước”. Phần lớn người tiêu dùng đang dần thay đổi cách thức sinh hoạt hàng ngày cũng như giảm dần những thói quen dùng hàng hiệu xa xỉ.

img
Nhiều hoạt động khuyến mãi được cả nhà sản xuất và nhà phân phối thực hiện.

Để giữ chân khách hàng và tiêu thụ được hàng hóa, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, siêu thị từ bé đến lớn liên tiếp tiến hành các chương trình khuyến mãi. Các siêu thị Co.op Mart, Vinatext Mart, Martximark… liên tiếp có nhiều hoạt động khuyến mãi và giảm giá từ 5 – 50%, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng. Bên cạnh việc giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, các siêu thị còn tặng kèm quà theo sản phẩm, tổ chức bốc thăm trúng thưởng…

Không chỉ siêu thị có chính sách khuyến mãi, giảm giá với các mặt hàng tiêu dùng mà ngay cả hãng xe máy bán chạy như Honda Việt Nam cũng vừa chính thức giảm giá đồng loạt đối với các mẫu xe máy trang bị hệ thống phun xăng điện tử PGM-FI. Khách hàng mua xe máy sẽ được tặng một phiếu quà tặng trị giá 888.000 đồng.

Các đơn vị bán lẻ khác cũng đã và đang có trăm nghìn kế để giữ chân khách hàng. Khuyến mãi, tặng quà, mua hàng giá trị từ 1 triệu đồng trở lên tặng voucher 200.000 đồng… là những biển hiệu dễ dàng bắt gặp trên mọi tuyến phố.

Nhiều doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ giải thể

Theo khảo sát của nhóm phóng viên thị trường, khu vực đang tung ra nhiều khuyến mãi nhất là các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử, hàng tiêu dùng. Và bị tổn thương, giải thể nhiều nhất từ việc người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, cũng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cơ quan quản lý nên chú trọng đầu tư vào hệ thống phân phối nội địa, để nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng đều có lợi.

Theo một điều tra của Tổng cục Thống kê tại 706 doanh nghiệp phá sản, có đến 69,4% phản ánh nguyên nhân là do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 15,1% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh.

Trong tổng số các doanh nghiệp đã giải thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất, chiếm tỷ lệ 26,1%.

Về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ cho rằng: "Ngành bán lẻ phải hoạt động thiết thực và năng động, nên tập trung vào hướng phát triển để hàng hóa dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn. Đặc biệt, nên phát triển phương thức bán lẻ thông minh hơn để đáp ứng sự liên tục thay đổi trong sở thích và thói quen mua sắm của khách hàng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem