"Nhiều người đề nghị tôi kiện bầu Kiên"

Thứ năm, ngày 15/09/2011 13:48 PM (GMT+7)
" Nghe đi nghe lại những phát biểu của bầu Kiên, tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, với rất nhiều lời quy chụp, vô căn cứ" - Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi bức xúc.
Bình luận 0

“Giới trọng tài cũng cực kỳ bức xúc và nhiều người đề nghị tôi kiện bầu Kiên để lấy lại sự trong sạch cho đội ngũ trọng tài”

img
Chủ tịch HĐTT QG Nguyễn Văn Mùi

“Vụ 500 triệu đồng chắc chắn không liên quan đến trọng tài" 

PV: Sau khi nghe bài phát biểu của bầu Kiên trong lễ tổng kết mùa giải 2011, ông cảm giác thế nào và bây giờ thì sao?

- Ông Nguyễn Văn Mùi: Thú thật, tối hôm đó tôi không ngủ được. Phần vì bức xúc trước lời quy chụp thiếu căn cứ, phần vì anh em, bạn bè, đồng nghiệp và rất nhiều lãnh đạo nhắn tin, gọi điện động viên. Tổng cục phó Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn cũng gọi điện cho tôi chia sẻ và những sự đồng cảm đó thực sự quý giá với tôi vào thời điểm ấy. Hôm nay, tôi bình tâm trở lại rồi. Suốt 36 năm làm bóng đá, tôi đã quen với áp lực nhưng chỉ thương anh em trọng tài. Họ bị sốc mà chẳng biết nói với ai.

Giới trọng tài phản ứng thế nào về phát biểu của bầu Kiên, đặc biệt là chi tiết 500 triệu đồng?

- Bốn trọng tài làm việc trong trận đấu ĐT.LA - HP.HN là Vũ Bảo Linh, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Phong Vũ và Võ Minh Trí. Đấy đều là những trọng tài cứng, rất bản lĩnh. Những trận đấu căng thẳng và có tính chất quyết định như thế, chúng tôi đã phân công những trọng tài tốt để làm nhiệm vụ. Cả 4 người này đều khẳng định không có tiêu cực và rất mong muốn làm rõ vụ việc. Giới trọng tài cũng rất bức xúc. Tôi tha thiết đề nghị anh Kiên tiết lộ danh tính của những người liên quan đến vụ này nếu có, để chúng tôi thanh lọc đội ngũ và chống tiêu cực đến cùng.

Ông nghĩ sao về tính chân thực của tình tiết 500 triệu đồng?

- Tôi khẳng định không có chuyện đó, tôi đã điều tra rồi. Không ai có gan trời mà vòi vĩnh, chứ đừng nói khoản tiền lớn thế. Nếu điều đó là thật thì chính người của các CLB ấy dựng lên chuyện này để lừa cấp trên hòng trục lợi. Mặt khác, bầu Long, bầu Tuấn của HP.HN có khẳng định gì đâu?

Còn về nhận định rằng tiêu cực của trọng tài mùa 2011 nhiều hơn năm 2005, thưa ông?

- Anh Kiên nói thế khiến người hâm mộ lầm tưởng rằng trận nào cũng có tiêu cực, trọng tài nào cũng dính chàm. Tôi mong muốn anh Kiên cung cấp thống kê của mình trong những trường hợp cụ thể. Liệu anh ấy có thông tin và có sẵn sàng hợp tác không? Tôi khẳng định tới thời điểm này, tôi không thấy bất cứ hiện tượng tiêu cực nào chứ đừng nói là bằng chứng trọng tài tiêu cực, vòi tiền các đội bóng.

“CLB nào cũng nói mình trong sạch thì trọng tài bẩn với ai?”

Công tác chống tiêu cực, theo ông, nên bắt đầu từ đâu?

- Trong công tác chống tiêu cực, các CLB phải đi tiên phong. Nếu mọi đội bóng không cám dỗ thì làm sao trọng tài “nhúng chàm” được. Đội bóng nào cũng nói mình sạch, không “mua” trọng tài thì trọng tài tiêu cực với ai? Các ông bầu nói không tin nữa thì rút hết. Sao không nghĩ giới trọng tài bị oan, họ cũng chán, nản, cũng rút hết. Họ nói rằng họ tâm huyết với bóng đá, vậy những người khác là không tâm huyết à?

Theo ông, nguyên nhân nào khiến trọng tài trở thành tâm điểm của dư luận?

- Trọng tài cô độc nhất vì bao nhiêu tiêu cực, xấu xa đều đổ hết cho họ. Các CLB luôn lấy trọng tài ra làm lý do biện hộ cho việc đội nhà thua trận, như một cách đổ lỗi cho thất bại. Các CLB ấy thường nói với báo chí và bóp méo sự thật chứ chưa có ai phản hồi trực tiếp với chúng tôi. Những sai sót về chuyên môn của trọng tài là một phần của bóng đá. Đỉnh cao như bóng đá Tây Ban Nha, họ vô địch châu Âu, vô địch thế giới đấy nhưng trọng tài vẫn thổi phạt đền cho Real Madrid trong tình huống phạm lỗi ngoài vòng cấm. Sao không ai đặt vấn đề trọng tài tiêu cực?

Nâng cao chế độ cho trọng tài là giải pháp hiệu quả cho tiêu cực. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Nói như vậy là không chính xác. Ngày xưa, chúng tôi làm trọng tài, lương đâu có cao, ăn cháo ngô, nằm giường sắt, tắm nước máy công cộng nhưng vẫn làm tốt. Nhiều người nói chuyện chế độ cho trọng tài là thấp nhưng tôi khẳng định, chưa bao giờ trọng tài nhận được thu nhập cao như năm nay. Trung bình, thu nhập của họ cũng đạt 8 -9 triệu đồng/tháng, so với mặt bằng xã hội thì như vậy là cao rồi. Tất nhiên, anh em muốn được nhiều hơn thế bởi so với mặt bằng chung của bóng đá, mức thu nhập đó là ít nhất.

Thời điểm vừa qua, giới trọng tài nói gì với ông?

- Đáng chú ý nhất là những lời đề nghị tôi khởi kiện. Tôi được biết, vài trọng tài đã được yêu cầu tường trình về vụ việc 500 triệu đồng. Anh em bảo nếu thắng kiện, chúng tôi sẽ yêu cầu bầu Kiên bồi thường danh dự đúng 500 triệu đồng để đi làm từ thiện. Tôi nghĩ đó là suy nghĩ và cách đấu tranh thiếu tích cực, thiếu xây dựng. Nếu tâm huyết với bóng đá, chúng ta phải cầu thị, phải dũng cảm nhìn vào những nhược điểm của mình, phải thay đổi để phát triển.

“Trọng tài Việt Nam vẫn là khả thi nhất"

Ý tưởng đào tạo những trọng tài ở vùng trắng về bóng đá có thể giải quyết được sự khan hiếm trọng tài trung lập cho V.League không?

- Đặt ngược vấn đề nhé. Chúng ta thử thống kê xem có bao nhiêu cầu thủ miền núi đang thi đấu cho các đội bóng V.League? Những vùng trắng về bóng đá thì không bao giờ có nhân tố tốt cho bóng đá, trọng tài cũng vậy. Không phải đợi lúc anh Kiên nói mà chúng tôi cũng từng mở nhiều lớp tập huấn trọng tài, đón trọng tài ở miền núi về học, tập huấn. Nhưng cuối cùng, họ bỏ hết hoặc không đủ trình độ để điều hành các trận đấu. Một trọng tài đi học rồi, họ cần có cơ hội để thực tập thì mới nâng đẳng cấp lên được. Học mà không đi đôi với hành thì làm sao tiến bộ được? Nói như anh Kiên là không thực tế, thiếu tính khả thi.

Còn về việc thuê trọng tài nước ngoài, thưa ông?

- Ý tưởng này cũng không thực sự tốt và tính khả thi rất thấp. Trọng tài bóng đá luôn mắc sai lầm và nếu thuê một trọng tài ngoại, họ mắc sai lầm thì sao? Chúng ta lại treo còi vĩnh viễn à? Nếu trong một nền bóng đá, cầu thủ ngoại, HLV ngoại, BTC thuê từ nước ngoài và trọng tài cũng ngoại nữa thì còn cái gì của chúng ta. CĐV có đến xem những người nước ngoài thi đấu không?

Trọng tài nội của ta còn có bố mẹ, anh chị em ở đây, khi làm gì đó, họ phải ý thức rằng cả đời, cả kiếp sống ở đây, họ làm gì sai thì không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn ảnh hưởng đến bố mẹ, con cái mình. Chẳng ai muốn bố mẹ, vợ con mình phải xấu hổ, bị người đời khinh thường cả.

Vậy giải pháp nào cho bài toán trọng tài, thưa ông?

- Tôi cũng đã nghĩ đến giải pháp trao đổi trọng tài với các nước khác, như Thái Lan chẳng hạn. Vừa rồi, chúng tôi có mời Chủ tịch Hội đồng trọng tài Thái Lan sang Đà Nẵng giao lưu và bàn bạc về ý tưởng này. Hai bên đều đã thống nhất trong cùng một thời điểm, chúng ta có thể điều chuyển những trọng tài Việt Nam sang Thái Lan làm nhiệm vụ và phía bạn cũng đưa trọng tài tốt nhất của họ sang thổi những trận ở Việt Nam. Cái đó khả thi và hiệu quả hơn nhiều.

Xin cám ơn ông

Theo Bongdaplus

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem