"Ông vua" dưa xoài ở An Giang

Thứ bảy, ngày 30/11/2013 09:44 AM (GMT+7)
Cứ đến mùa xoài, xoài non rụng la liệt dưới gốc. Bỏ thì tiếc, lượm vào rồi lại đem bỏ. Điệp khúc ấy kéo dài cho đến ngày ông Nguyễn Hoàng Liệt (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang) thử làm ăn chơi... Và dưa xoài ra đời từ đó.
Bình luận 0
“Mỗi công xoài, mỗi mùa rụng sinh lý cả tấn xoài non, tôi có 10 công, 1 năm xem như tôi bỏ đi ít nhất 10 tấn xoài non, cả cù lao này biết là bao nhiêu…”- ông Liệt kể cơ duyên đến với nghề làm dưa xoài.

Chỉ vì tiếc xoài rụng

Ban đầu vợ ông ngâm những trái xoài rụng vào nước đường, ăn thấy cũng ngon ngon. Thế là vợ chồng ông nghiên cứu, tìm tòi công thức chế biến thành món dưa chua, rồi tìm cách để dưa xoài ngon và giòn hơn. Người thân đến nhà, vợ chồng ông đem ra chiêu đãi, ai ăn cũng khen. Thấy vậy, vợ chồng ông làm dưa xoài đem ra chợ bán, ban đầu vài ba ký, dần dần có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Vậy là nghề làm dưa xoài bắt đầu thịnh hành và phát triển.

Ông Nguyễn Hoàng Liệt trong xưởng chế biến xoài.
Ông Nguyễn Hoàng Liệt trong xưởng chế biến xoài.

Vài năm sau, nhiều cơ sở sản xuất dưa xoài lớn nhỏ “theo chân” Nguyễn Hoàng Liệt và đã phất lên khá nhanh. Nhờ nghề dưa xoài ra đời mà xoài rụng của nhà vườn xứ cù lao Giêng (gồm 3 xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới) trở thành món hàng có người bao tiêu.

Ông Lê Quang Diễn - Chủ tịch Hội ND xã Bình Phước Xuân nói: “Dân cù lao Giêng bây giờ trồng xoài không còn sợ ế nữa. Đặc biệt, những trái xoài rụng cũng được các cơ sở chế biến dưa xoài mua hết, mỗi ký có giá 5.000-8.000 đồng…”.

Dưa xoài vào siêu thị

Khi nhắc đến thăng trầm của nghề dưa xoài, ông Liệt trần tình: “Tôi không ngờ từ trái xoài rụng mà nay đã trở thành món khai vị nức tiếng xa gần. Tôi luôn nghĩ phải nhanh chóng chuyển từ sản xuất đơn điệu sang sản xuất hàng hóa mới có thể đưa nghề làm dưa phất lên”. Theo ông Liệt, nghề phất lên, sản phẩm được đi xa sẽ giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn mùa nông nhàn… Và ông Liệt đã mạnh dạn gặp trực tiếp Ban Giám đốc Sài Gòn Co.opMart để chào bán sản phẩm dưa xoài của mình và đã được chấp thuận. Có cơ hội ngàn vàng, ông Liệt nhanh chóng đăng ký mã số thuế, thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm… Từ chỗ sản xuất mỗi ngày vài trăm kg, cơ sở dưa xoài Hương Giang của ông cung cấp cho thị trường các chợ, siêu thị mỗi ngày vài ba tấn. Dưa xoài thành phẩm được đóng gói đưa vào siêu thị có giá 24.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận trên dưới 20%.

Năm 2013, cơ sở dưa xoài Hương Giang của gia đình ông Nguyễn Hoàng Liệt có tổng doanh thu trên 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Liệt đóng góp hơn 165 triệu đồng cho các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương, như xây dựng cầu đường, cất nhà tình thương, hỗ trợ học sinh nghèo...

Hơn 10 năm tuổi, thương hiệu dưa xoài Hương Giang của gia đình ND Nguyễn Hoàng Liệt có mặt trên hệ thống Siêu thị Co.opMart từ Hà Tĩnh cho tới Cà Mau. Trong những tháng cao điểm, cơ sở giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. “Tâm nguyện lớn nhất của tôi là làm sao cho thương hiệu của mình vươn xa hơn nữa, góp phần tạo thêm việc làm cho bà con quê tôi” - ông Liệt tâm sự.

Bà con muốn tìm hiểu về “dưa xoài Hương Giang”, liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Liệt theo số điện thoại 0918.665381.

Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem