"Phù thủy" ghép điều và "tuyệt kỹ" ép cây tăng hạt

Hoàng An Thứ năm, ngày 05/03/2015 06:30 AM (GMT+7)
Dù chỉ mới học hết lớp 6, nhưng ông Hoàng Văn Tần (SN 1955, hiện ngụ thôn 8, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã có kỹ thuật ghép điều “siêu hạng”, đạt hiệu quả mỗi cây lên tới 30-40kg hạt. Không chỉ “ép” cây điều của mình tăng hạt, ông còn giúp nhiều người dân trong vùng cùng áp dụng kỹ thuật, làm giàu từ điều.
Bình luận 0

Gian nan con đường đi mở vườn điều

img

Mỗi cây điều trong vườn của ông Tần cho 30-40kg hạt/vụ, nhờ phương pháp “ghép thở”.   
Con đường đến với cây điều của ông Tần đã cách đây 35 năm. Khi đó (năm 1980) mới 25 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Văn Tần đã đánh một canh bạc khi đưa cả gia đình, cùng các em ruột từ ngoài Bắc vào tỉnh Sông Bé lập nghiệp. Mới vào nơi đất khách quê người, ông xin làm công nhân cao su. Nhờ biết chắt bóp chi tiêu, cùng anh em góp tiền mua một số diện tích đất của nông trường, cộng với diện tích tự khai phá để trồng cây ăn quả. Bên ly rượu đầu xuân, ông Tần nhớ lại những ngày đầu mới lập nghiệp: “Khi tỉnh Sông Bé chia tách thành Bình Dương và Bình Phước (năm 1997), không chỉ mủ cao su, các loại cây ăn quả như nhãn, xoài cũng cùng chung số phận rớt giá. Bí quá, tôi phải phá bỏ 10ha vườn cây ăn trái, chuyển sang trồng điều”.

Thời gian đầu, cũng như nhiều hộ khác, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng điều, ông Tần chỉ thu hoạch được 1-2 tấn/ha, nên cũng không thể thoát nghèo. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tần cho biết: “Nguyên nhân do đa phần người nông dân thiếu hiểu biết nên trồng điều hạt. Khi thất bại lại chuyển sang trồng điều ghép, sau thời gian chăm bón cây vẫn cho hạt nhỏ, năng suất thấp”. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng, qua nhiều lần thay giống rồi phải chặt bỏ vì năng suất không thể tăng. Đứng trước thực trạng đó, anh em ông Tần đã rất trăn trở làm thế nào để “ép” cây điều tăng năng suất, không những giúp gia đình mình vươn lên làm giàu mà nhiều nông dân khác cũng thoát nghèo.

Nghĩ là làm, ngay từ vụ điều 2001-2002, anh em ông Tần tìm đến những vườn điều của người dân các xã Long Hưng, Bù Nho, Long Tân... để tìm những cây tốt, cho hạt to, rồi xin nhánh về ghép vào cây điều kém chất lượng. Đến năm 2006, những thử nghiệm cho kết quả vượt trội, mỗi vụ điều ông Tần thu được gần 5 tấn/ha.

Từ những thành công ban đầu, người nông dân chỉ mới học hết lớp 6 lại tiếp tục cải tiến phương pháp ghép điều vào những cây già cỗi nhằm “ép” cho sản lượng phải tăng hơn nữa. Theo ông Tần, phương pháp “ép” cây điều cho hạt to, chất lượng loại A của ông được gọi là “ghép thở” (không cưa cây như phương pháp Top Working của Ấn Độ - PV). Đây là phương pháp ghép nhánh vào những cây cho ít hạt hoặc hạt quá nhỏ, sau đó mới tỉa cành. “Với kiểu ghép này, vườn điều phải thông thoáng, mỗi ha chỉ nên chừa lại 200 cây (hàng cách hàng 5m, cây cách cây 10m), thì việc thu hoạch không những không bị gián đoạn vì không cưa cây mà con cho tỷ lệ nhân thu hồi đạt từ 30 - 32%, cây điều ít sâu bệnh, thu được 30 – 40kg hạt/cây, quy ra mỗi ha thu từ 6 – 8 tấn điều là bình thường” - ông Tần khẳng định.

Cùng nông dân làm giàu từ điều

Những ngày này, khi người trồng điều trên cả nước đang hối hả thu hoạch điều, thì vườn điều của ông Tần vẫn đang… ra hạt. Chứng kiến những nhánh điều vừa ghép từ 3-4 tháng trước, chỉ cao khoảng 60cm, nhưng có rất nhiều chùm hạt, mỗi hạt to gấp 4-5 lần hạt điều của nhà người khác khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Đưa tay chỉ những cành điều trĩu hạt, ông Tần tự tin nói: “Mỗi cây chỉ cần cho 30-40kg hạt, vụ điều này chắn chắn vườn của tôi thu trên 6 tấn điều/ha. Với giá 29.000 đồng/kg tại xã Long Hà, việc thu hơn 1,7 tỷ đồng/10ha là đương nhiên”.

img 
Cũng vì sản lượng, chất lượng điều tại vườn nhà ông Tần đạt hiệu quả cao trong nhiều vụ liền, từ tháng 8.2014, Đề án “Ghép cải tạo vườn điều già năng suất thấp bằng giải pháp ghép thở, kết hợp đầu tư chăm sóc phòng trừ tổng hợp sâu bệnh dại” đã được Hiệp hội Điều Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Sinh thái Thanh Nga hỗ trợ thực hiện thí điểm tại 30 hộ dân ở xã Long Hà. Bên cạnh đó, nhận thấy phương pháp “ghép thở” của ông Tần đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, cuối năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức 9 lớp với 900 nông dân trên địa bàn tỉnh, mời ông Tần truyền đạt kinh nghiệm. Sau đó, ông Tần ghép trình diễn 40 mô hình ở các xã, những mô hình trình diễn đều đạt hiệu quả cao.

Tiếng lành đồn xa, đến nay có rất nhiều đoàn cán bộ nông nghiệp từ các huyện Đạ Tẻh, Đạ Hoai, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đưa nông dân đến vườn điều của anh em ông Tần tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Ông Lê Mậu Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đạ Tẻh, nhận xét: “Thăm vườn ông Tần, chúng tôi nhận thấy tính mới, sáng tạo trong ghép cải tạo nhằm làm trẻ hóa vườn cây. Chúng tôi sẽ triển khai chương trình “ghép thở” cho bà con nông dân ở Đạ Tẻh vào năm 2015”.

Còn ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) không khỏi ngạc nhiên nói: “Kỹ thuật ghép cải tạo ở vườn điều ông Tần khá thành công. Mô hình đã lan rộng sang nhiều hộ nông dân khác, rất có hiệu quả. Hy vọng ông Tần tiếp tục hoàn thiện quy trình ghép cải tạo để giới thiệu cho bà con trồng điều áp dụng phát triển sản xuất”.

Trước thắc mắc của tôi, hiệu quả đã thấy rõ nhưng vì sao ông chưa áp dụng rộng rãi cây giống của mình cho người dân. Ông Tần, tâm tư: “Tôi đã nộp các hồ sơ và cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm xem xét chứng nhận “Cây giống đầu dòng” để được phép lưu hành rộng rãi cho người trồng điều, từ đó khẳng định thương hiệu điều Việt Nam luôn có chất lượng trên thị trường thế giới”. Còn hiện tại, ông Tần đang ấp ủ ước mơ sẽ giúp thêm nhiều nông dân trong vùng cùng áp dụng được phương pháp ghép điều này để làm giàu một cách bền vững, bởi theo ông rất nhiều người dân trong vùng vẫn giữ thói quen, cứ thả hạt điều xuống là “có ăn”, rồi khai thác hết vụ này qua vụ khác mà không chăm sóc, cải tạo vườn điều thường xuyên.

  Do đạt hiệu quả về lượng và chất tại vườn điều của gia đình mình, ông Tần đã được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm và tặng quà. Nhiều đoàn nông dân ở các tỉnh khác cũng đến học hỏi kinh nghiệm.  
  Theo kỹ sư Phạm Văn Nguyên - chuyên gia Hiệp hội Điều Việt Nam, phương pháp “ghép thở” của ông Tần đạt được nhiều mục tiêu: Tiết kiệm chi phí, thời gian, hiệu quả kinh tế. Điều này không những đem lại sự phát triển nhanh và bền vững cho ngành điều, mà người trồng điều còn thoát nghèo một cách bền vững vì phương pháp của ông Tần đã được chứng minh qua thực tế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem