Trong hai năm 1996 và 1999, gia đình bà Ngô Thị Nam (thôn 5), ký hợp đồng với Nông trường Lam Sơn trồng 4ha cao su theo Dự án 327, thời hạn 50 năm.
|
Người dân thôn 5, xã Lam Sơn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) phản ánh sự việc với PV báo NTNN. |
Theo hợp đồng kinh tế đã ký, ngoài các điều khoản ràng buộc giữa người dân trồng cao su với nông trường, còn có điều 6 của bản hợp đồng ghi rõ: "Cùng với nông trường xác định giá bán (mủ-PV) hợp lý, nếu hai bên không đi đến thống nhất thì gia đình có quyền bán cho cơ quan khác theo giá thỏa thuận của mình, nhưng với điều kiện bắt buộc là phải hoàn lại vốn trả nhà nước và các khoản phải nộp cho nông trường như thuế sử dụng đất, BHXH, QLXN bằng tiền mặt đủ 100% chỉ tiêu phân bổ hàng năm".
Và "nông trường thu quản lý phí theo quy định của Ban quản lý Chương trình 327 cho từng năm". Cũng theo bà Nam, từ năm 2002, khi cây cao su bắt đầu cho khai thác, gia đình bà luôn bán mủ cho nông trường và thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký trong hợp đồng. Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, Ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn (chuyển đổi mô hình doanh nghiệp từ Nông trường Lam Sơn) đưa ra định mức hàng tháng cho người trồng cao su quá cao (tức giao khoán sản phẩm cho từng hộ).
Đặc biệt, hiện nay gia đình bà Nam cũng như những hộ trồng cao su ở Lam Sơn phải nộp tiền "quản lý phí" do công ty đề ra là: 7 triệu đồng/ha/năm. Khi người dân lên tiếng thắc mắc, phản đối cách áp đặt các khoản thu, khoán của công ty, đồng thời không nhập mủ về cho công ty nữa, thì Ban giám đốc cử đội bảo vệ xuống vườn cao su thu bát và máng trút mủ của họ.
Vấn đề phản ánh của nông dân ở xã Lam Sơn là đúng. Doanh nghiệp này do tỉnh quản lý nên UBND huyện đã báo cáo về tỉnh. Hiện nay, huyện cũng đang phải chờ cách xử lý và giải quyết của tỉnh.
Ông Bùi Trung Anh - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc
Làm việc với NTNN, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn lý giải: "Do phải trang trải cho hoạt động của bộ máy công ty, nên Ban giám đốc công ty thống nhất phải đưa ra mức thu như vậy mới có kinh phí hoạt động".
Cũng theo ông Thành, việc người dân không nhập đủ số lượng mủ theo quy định của công ty là do có thể họ trốn nợ, hoặc do lợi ích cá nhân. "Giá mua mủ cao su của công ty đưa ra đều phải có hội đồng định giá, khi cần thay đổi mức giá thì phải có thời gian, chứ không thể theo tư thương bên ngoài" - ông Thành nói.
Liên quan đến vấn đề thu "quản lý phí" quá cao của Công ty TNHH một thành viên Lam Sơn, ông Lê Hồng Định - Phó Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết: UBND xã Lam Sơn cũng đã nhận được phản ánh của bà con trồng cao su ở thôn 5, nhưng vì công ty này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên việc thu "quản lý phí" và áp dụng hình thức xử phạt người trồng cao su, chính quyền không thể can thiệp sâu được. "Chúng tôi đã có công văn gửi công ty yêu cầu giải thích rõ những vẫn đề dân thắc mắc, để có câu trả lời thỏa đáng cho bà con trong kỳ họp HĐND xã sắp tới"- ông Định nói.
Hồng Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.