Nghề “rủi ro” nhất
"MC là nghề "rủi ro" nhất. Chỉ cần nói hớ một câu thôi, ấn tượng về bạn trong lòng khán giả sẽ mãi là câu nói đó. Mình có thể dẫn chương trình tốt từ đầu nhưng chỉ một câu nói vô nghĩa hoặc sai ở cuối chương trình là mình... thất bại" - Thanh Vân - MC trẻ của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” tâm sự rất chân thành.
Đó chính là một đúc kết rất “chua chát” cho tất cả những ai đã trót dấn thân vào con đường “làm dâu trăm họ” này. Có thể nhìn nhận “sự cố” dịch sai lời phát biểu của diễn viên Ngô Ngạn Tổ của MC “lão làng” Lại Văn Sâm tại lễ bế mạc Liên hoan phim Việt Nam quốc tế lần I là một minh chứng.
Rất nhiều trang báo điện tử đã đăng tải clip dịch sai của anh, cư dân các diễn đàn trên mạng được thể lao vào bình luận với rất nhiều những tính từ châm chọc, chế giễu tai nạn của MC nổi tiếng. Thảng hoặc cũng có những ý kiến bênh vực, cho rằng đó là một sự chữa cháy cần thiết trong tình huống không có người phiên dịch.
Nữ MC dẫn cùng với Lại Văn Sân là Ngô Mỹ Uyên cũng đã lên tiếng rằng: “Quá bất ngờ nên không phản ứng kịp”. Rồi một tờ báo mạng lại còn mời vài chuyên gia tâm lý phân tích “sự im lặng của MC Lại Văn Sâm dưới góc độ tâm lý”...
Tóm lại, sự cố này đã bị “làm nóng” một cách hơi quá mức cần thiết. Và MC Lại Văn Sâm đã chọn sự im lặng trước làn sóng này, từ chối các cuộc điện thoại “hỏi thăm”. Có lẽ hơn lúc nào hết, anh cần sự cảm thông cho mấy phút cháy rụi của “đống củi” đã cần mẫn thu nhặt gần suốt đời làm báo hình.
|
MC Lại Văn Sâm cùng bạn dẫn Tóc Tiên. |
Nghề không chuyên
Đòi hỏi cao, khán giả khắt khe, áp lực lớn, kiếm được tiền... đó là những phác hoạ về nghề MC ở Việt Nam nhưng cũng thật bất ngờ khi biết rằng, nghề MC ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn nghiệp dư nếu xét về góc độ đào tạo.
Ngoài các đài truyền hình lớn như VTV, HTV có các khoá đào tạo ngắn hạn MC riêng của mình, một vài nhà văn hoá tại các thành phố lớn cũng mở lớp MC chủ yếu phục vụ hội nghị, đám cưới... thì hiện nay vẫn chẳng có trường lớp nào coi MC là một nghề cần được đào tạo bài bản. Tất cả các kinh nghiệm xử lý tình huống trên sân khấu đều được các MC “lão làng” truyền dạy lại cho MC trẻ mới vào nghề, mà bản lĩnh, sự nhanh nhạy của mỗi người mỗi khác nhau, thế nên va vấp là không tránh khỏi.
MC Anh Tuấn- người dẫn chương trình “Trò chơi âm nhạc” lâu năm cho biết: “Sự cố trong nghề ai mà không gặp phải. Trong suốt thời gian 6 năm dẫn gameshow này, tôi nhớ có một lần, tôi đã quá đà trêu một bạn chơi khiến bạn đó tự ái. Sau đó, tôi rất buồn và xin lỗi nhưng cái gì đã nói trên sân khấu thì không thể lấy lại. Đây cũng là một bài học đáng nhớ trong thời gian tôi làm MC”.
MC kiêm nghệ sĩ hài Xuân Bắc cũng cho biết mình đã bị khán giả phản ứng kịch liệt trong chương trình “Đuổi hình bắt chữ” khi giải nghĩa hình ảnh một chú chó nằm nhe răng là "tử tuất", cho rằng đó là một sự xúc phạm đến anh linh của những liệt sĩ và thân nhân của họ. Tất nhiên, sự cố này không hoàn toàn do Xuân Bắc mà còn liên quan đến khâu kịch bản nhưng đó cũng là một kỷ niệm khó quên với anh.
Xin hãy thứ tha!
Nhiều MC cho biết, những khoá học ngắn hạn thực sự không giúp ích được nhiều cho các học viên. Họ vẫn phải học hỏi và đi lên từ kinh nghiệm.
Theo nhiều người trong nghề, không có ai làm MC mà không va vấp bởi đây là một nghề đặc thù, liên quan đến chuyện phát ngôn, phải nói nhanh, nói liên tục, có muốn “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” cũng không thể. Bên cạnh đó, các MC thường phải chịu rất nhiều áp lực khi làm chương trình, từ đạo diễn, kịch bản đến tần suất và thời lượng phát sóng.
Khán giả Vũ Đức Bình ở Bắc Ninh bức xúc: “Tôi nghĩ MC là nghề nói trước công chúng nên cần phải tỉnh táo, chính xác, nếu không thì anh làm nghề này làm gì. Tôi nhớ có lần xem chương trình chính luận, một MC kỳ cựu trong nghề "ăn nói" khi dẫn đại biểu đến thăm nhà tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lại giới thiệu: "Giờ đây, trước bàn thờ anh, hẳn ai trong chúng ta cũng nhớ tới câu nói nổi tiếng của anh: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn".
Bạn đọc Lê Quốc Thái ở Hà Nội lại có quan điểm khác: “Nên phân biệt đâu là sự cố có thể bỏ qua vì tình huống bất khả kháng, đâu là sự cố không thể bỏ qua vì MC đó trình độ kém, thiếu kiến thức. Con người thì “nhân vô thập toàn” nên theo tôi những lỗi có thể bỏ qua được thì khán giả nên bỏ qua”.
MC Thanh Bạch, một "lão làng" trong nghề dẫn chương trình tâm sự: "Người dẫn chương trình muốn thành công nhất định phải có sự nhạy cảm để dự báo tình huống và đưa đến những quyết định đúng đắn. Thế nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, có rất nhiều trường hợp phải ở trong hoàn cảnh đó mới biết là mình cũng lúng túng ra sao. Không thể ngồi ngoài mà nói mình sẽ giải quyết trơn tru thế này, thế kia được, vì thế cũng nên có sự cảm thông nhất định với các tai nạn nghề nghiệp".
Bùi Vũ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.