"Vọng phu" ở biển Quỳnh Long

Thứ hai, ngày 11/10/2010 15:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều chiều, nơi bờ biển ấy vẫn có những người đàn bà thẫn thờ dõi mắt ra khơi xa để ngóng trông chồng, dẫu rằng chồng họ đã tử nạn trong những cơn lốc biển kinh hoàng.
Bình luận 0

Những "hòn vọng phu"

Chúng tôi về xóm Thành Công (xã Quỳnh Long, Quỳnh lưu, Nghệ An) vào đúng ngày hàng ngàn người dân đưa tiễn anh Cao Duy Phương, 44 tuổi (người tử nạn trong trận giông tố ngày 4-10) về nơi an nghỉ cuối cùng.

img
Chị Trần Thị Đoài ngất bên mộ anh Cao Duy Phương.
 

Anh Trần Đại Đồng - chủ tàu buồn bã kể: “Gần 11 giờ trưa 4-10, tàu bọn tui gồm 8 người về Đảo Ngư tránh bão, còn chừng 700m thì bị sóng đánh gãy tay lái rồi chìm. 7 người may mắn bơi được vào bờ. Riêng anh Phương bị sóng đánh bể phao và hất ra xa. Xác anh dạt sang tận biển Lộc Hà, Hà Tĩnh, 3 ngày sau mới vớt được”.

Chứng kiến đám tang anh Phương, nghe tiếng khóc như xé toang sóng biển của chị Đoài vợ anh, không ai cầm được nước mắt. Anh chị có 2 con. Vì gia cảnh nghèo khó nên 2 đứa con bỏ học rồi theo cha ra khơi. Khi đám tang chồng, đứa con trai ở biển xa trú bão vẫn chưa về.

Trước đó, khi được tin anh mất tích chị đã gào khóc đơn độc tìm chồng từ bãi biển Quỳnh Lưu đến Hà Tĩnh hơn 4 ngày trời. Nay chồng đã nằm sâu dưới 3 tấc đất, chị vẫn thẫn thờ ngồi ngóng ra biển như chưa thể tin chồng mình đã chết.

Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Lòn ở cuối thôn, bà Lòn năm nay hơn 60 tuổi nhưng người gầy quắt, khuôn mặt xô dày những nếp nhăn. Người cha thân yêu của bà bỏ mạng trên biển vì giông tố. Chị em bà nép mình trong vòng tay gầy yếu của mẹ bám biển lớn lên.

Bà nghĩ rằng không bao giờ lấy chồng đi biển nhưng tình yêu và duyên kiếp lại xui bà lấy chàng trai chuyên nghề ra khơi, vô lộng. Rồi chồng bà cũng tử nạn trên biển, bỏ lại cho bà đàn con nheo nhóc. Bà phải vật lộn làm đủ thứ nghề để nuôi con. Nhưng tai hoạ chưa hết. Năm 1996 đứa con trai đầu Trần Ngọc Hà của bà mới cưới vợ 6 tháng đi biển cũng vĩnh viễn không về.

Cuộc sống nghèo khó, người con dâu phải đi xa kiếm sống, và để nguôi đi nỗi đau mất chồng, bỏ lại cho bà đứa cháu trai còn đỏ hỏn. Không thể kể hết nỗi bất hạnh và cơ cực của bà khi tai hoạ luôn giáng xuống đời bà như thế. Vậy nhưng, chiều chiều người dân nơi đây vẫn thấy bà ra bờ biển nhìn về phía khơi xa như trông đợi chồng, con sẽ trở về...

Thế hệ trẻ sẽ bỏ biển?

img Xóm ni nhiều nhà có 2-3 người chết vì biển lắm. Có những đợt giông lốc, cả xã rợp vành khăn trắng. Sau mỗi lần đó, xóm lại có thêm những “hòn vọng phu” mới img

Hiện nay thế hệ trẻ ở Quỳnh Long đều không mặn mà gì với biển. Đa số những người đi biển đều ở độ tuổi trung niên. Chúng tôi đã làm cuộc khảo sát với hơn 100 học sinh THCS và THPT ở Quỳnh Long. 100% các em đều lắc đầu.

Em Trần Bá, học sinh lớp 7 nói: "Có thể đi làm thuê chứ nhất định em không theo nghề biển". Bà Trần Thị Sáu, thường vụ hội nghề cá Quỳnh Long cho biết: "Ở đây đa số là người học không lên đến cấp 2 và không có nghề gì khác nên phải đi biển. Thế hệ trẻ ngày nay họ không muốn theo vì nghề biển bạc bẽo và lắm rủi ro".

Dẫu biết biển bạc bẽo và rủi ro nhưng bao thế hệ làng chài vẫn phải bám biển mưu sinh. Mặc dù bài học những năm trước, người tử nạn trên biển nhiều là do thiếu thông tin… Nhưng hiện nay tình hình vẫn chưa cải thiện là bao. Quỳnh Long có 170 tàu thuyền thì hơn một nửa là thuyền nan, thuyền nhựa không đảm bảo.

Những thuyền có tải trọng lớn thì tuổi thọ đã từ 8 - 15 năm, đã tu sửa nhiều lần nên mức độ bền vững chống chọi với sóng to gió lớn không cao. Người dân nơi đây vẫn ý thức được nguy hiểm luôn rình rập nhưng vì mưu sinh và nghèo khó nên những thuyền nan, thuyền nhựa và những con thuyền cũ kĩ vẫn cứ lướt sóng ra khơi để rồi lại có thêm những “hòn vọng phu” trên bến… không chồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem