"Vua đồng bãi" chân đất kiếm tiền tỷ

Thứ bảy, ngày 27/12/2014 08:15 AM (GMT+7)
 Vị vua đó không ngai vàng, ghét giầy Tây mà chỉ toàn dận chân đất. Vị vua đó da đen nhẻm, bàn tay lúc nào cũng lấm lem đất cát nhưng tiền tỷ thì không bao giờ thiếu...
Bình luận 0
Ba lần trắng tay

Hôm nay, ông Đặng Xuân Đệ chống gậy lọc cọc từ trong làng ra bãi xem thằng con nhập về 16 con bò sữa. Năm nay đã 93 tuổi rồi mà ông nào có biết con bò sữa nó mày ngang, mũi dọc thế nào đâu nên tò mò lắm!

Trong đàn con đông đúc của mình ông thương thằng Đặng Xuân Hạnh bởi nó còi cọc nhất. Ấy thế mà Hạnh lại là một đứa con ý chí sắt đá cũng phải chào thua, từ bần hàn vươn lên trở thành một ông vua bờ bãi trên đất Nguyên Lý (Lý Nhân, Hà Nam).

img

"Vua đồng bãi" Đặng Xuân Hạnh.

Tự nhận mê đất từ bé nhưng tình yêu chỉ thực sự định hình trong anh khi xảy ra năm đói 1993. Lúc ấy, Hạnh mới đi bộ đội về, chứng kiến cảnh cả xã mất mùa bởi nạn “sâu lửa” làm cháy những cánh đồng, nhà anh cũng không phải là một ngoại lệ.

Bao mồ hôi, công sức đổ xuống bốn sào ruộng khoán chỉ gặt về 80 kg thóc nửa lửng, nửa lép. 80 kg thóc ấy có nhiệm vụ nuôi bốn con người từ vụ mùa đến vụ chiêm.

Anh gỡ khoai lang - thứ cây lương thực có tốc độ lớn vào hạng nhanh nhất phần để bán, phần để cả nhà luộc chống đói. Nhìn hai đứa con tranh giành, ngấu nghiến bát cơm trắng đắp ụ thân lang xanh, anh bỗng ứa nước mắt: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến ruộng, thật nhiều ruộng cho thỏa cơn đói này”.

Vợ chồng anh xin đội mảnh đất lầy thụt bỏ hoang để cấy 2 mẫu ruộng. Họ còn nhớ như in cái cảm giác được dầm chân trong thóc khi phơi nó sung sướng đến như thế nào. Thóc ngoài cót vàng ươm chật lối đi. Thóc trong cót vun cao ngần ngật nóc nhà.

Hai vợ chồng hoan hỉ thắp đèn ngắm cái cót thóc như ngắm một kỳ quan. Kỳ quan đắp lên bằng mồ hôi, bằng nước mắt và cả hi vọng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, nông thôn miền Bắc nhà nào có vài tạ thóc trong bồ là ra đường, mặt vênh cao ngang ngọn tre rồi, đằng này nhà họ có tới trên 4 tấn thóc - một điều mà không có cả trong trí tưởng tượng phong phú nhất.

Lượng lương thực dồi dào ấy đủ để cho anh chị mua một bộ máy xát, chăm một đàn lợn mấy chục con rồi từ đó làm ngôi nhà mái bằng to vào loại nhất nhì trong làng.

Những lần đi xát gạo thuê qua bãi Già, bãi Khổ Phần, bãi Đồng Phú ven sông Hồng anh thấy sao mà phí hoài đến thế. Cả một cánh bãi bát ngát trong hoang tàn. Tiếc của, anh làm đơn xin thuê lại.

Năm 2004, họ dựng trên đất bãi một cái chòi nhỏ, vách thưng bằng phên tre, mái lợp bạt rồi kê lên một chiếc chõng. Điện không có, nước cũng không, bốn phía xung quanh chỉ là bờ sông, bãi sú.

Vụ đầu họ gieo 1 mẫu ngô. Đến mùa thu hoạch thương vợ tẽ ngô bỏng cả tay anh mày mò nghiên cứu ra cái máy tẽ dựa trên cơ cấu tương tự “ruột gà” của máy xát gạo có điều bổ sung thêm một tấm ép bắp.

Cả vùng, cả huyện rồi cả tỉnh Hà Nam khi ấy đã học làm theo chiếc máy tẽ ngô của anh. Ngô vụ đó giá cao ngang với gạo. Niềm vui của hai vợ chồng trẻ như được nhân đôi.

Năm 2005, họ hăng hái trồng tới 6 mẫu. Lúc cây ngô đang thời kỳ đóng bắp thì đài báo sẽ có nước to. Suốt ba ngày đêm, quên ngủ, ít ăn, hai vợ chồng đèn pin treo trên đầu, tay cầm xẻng, cầm cuốc đào đào, đắp đắp được một con đê bao quanh bãi ngô dài cả cây số, cao 60-70 cm.

Đắp xong, và miếng cơm vào miệng, đài vẫn oang oang báo nước sẽ còn lên to nữa. Vội vàng chặt thân chuối kết lại thành mảng họ di dời mấy trăm con gà vào làng. “Ục” rồi “ầm” một tiếng con đập vỡ tan, nước chảy như thác, bờ bãi lút chìm.

Đàn bò trong chuồng cuống quá cũng bứt thừng lồng lên bơi ra bãi cát run rẩy đứng. Vụ đó trên 400 con gà giò, 6 mẫu ngô đương thời kỳ ra bắp đã chầu hà bá.

Trên chiếc giường sóng vỗ bong bong, hai vợ chồng bó gối nhìn ra biển nước suốt từ đêm đến sáng. Nước vừa rút, họ vội dọn ruộng, mua chịu giống, vật tư trồng tiếp. Vụ ngô muộn được đền đáp bằng 9 tấn sản phẩm vừa đủ trả nợ.

Năm 2007, khi mở rộng diện tích lên 30 mẫu, nước sông lên lại một lần nữa tay trắng. Nước rút, tái sản xuất nhưng khi ngô vừa trổ cờ, phun râu thì sóng lại duềnh lên, cao hơn cả lần trước lại thất bát đến khốn cùng.

Người say đất

Sau biết bao lần hà bá thử thách mà vẫn bền gan, năm 2008 Đặng Xuân Hạnh làm đơn gửi về 6 xóm có đất bãi xin họp dân để nói chuyện thu gom đất. Lúc đầu anh thỏa thuận thuê 100.000 đồng/sào/năm rồi sau đó thuê 200.000 đồng/sào/năm.

img

Anh Hạnh đang chăm chuối


Không phải gieo trồng gì cũng có thu một cách chắc ăn nên ai nấy đều cho anh thuê. Không chỉ trả tiền sòng phẳng mà anh còn rộng rãi ủng hộ luôn mỗi xóm 15 triệu đồng làm quỹ xây nhà văn hóa.

“Để cho đất phục vụ mình được lâu dài phải có đức với nó. Ngoài bổ sung thêm phân chuồng, tro bếp thì tôi còn cho đất nghỉ ngơi”.

Cho “người yêu” nghỉ ngơi nhưng chính anh lại chưa nghỉ một ngày nào. Dù có ốm đau, dù tay còn đang cắm dây truyền tiếp nước nhưng anh vẫn phải ra bãi chỉ huy người làm thì mới yên lòng.
Rằm Trung thu, tết Độc lập nào anh cũng có quà cho cả 6 xóm cùng vui.
Có trong tay 83 mẫu đất màu, 6 mẫu đầm, 2 mẫu chuối, 2 mẫu ruộng, anh trở thành ông vua bờ bãi từ bấy! Anh bảo, cả đời mình gắn chặt với đất, không bao giờ dám rời quá đất hai ngày.

Những lần đi tập huấn xa đều chỉ nhanh nhanh, chóng chóng muốn về. Có lần 8 giờ tối từ Vĩnh Phúc anh phi xe máy một mạch về đến nơi khi quá 11 giờ đêm nhưng nào có ngủ ngay. Cởi phăng giầy, anh lại lội chân trần ra bãi.

Chân sục từng ngón xuống phù sa cảm nhận độ mát mà biết đất có tơi, có xốp, ngực hít căng phồng gió sông mà cảm nhận độ ngọt như đường phèn. Dạo một vòng quanh gần 100 mẫu đất mất trọn 3 tiếng đồng hồ nhưng anh bảo không đi thì ăn không ngon, ngủ không yên.

Lắm buổi sáng, nghe trên bãi có tiếng người thì thầm, vợ anh tưởng trộm, len lén ra xem thì thấy chồng mình tay vuốt ve thân ngô, miệng thủ thỉ: “Mày ăn đã đủ chưa, nếu đói mai tao cho thêm nhé!”. Những khi mùa vụ thất bát thì anh lại trách cây rằng: “Tao chăm mày như thế mà mày nỡ phụ công là sao?”.

Hỏi là hỏi như vậy thôi chứ cây làm sao mà biết trả lời. Chỉ có gió bãi lùa vào thân ngô tiếng xào, tiếng xạc. Những lúc cây tươi tốt, bắp nở nang anh xoạc chân, đứng giữa bãi mà reo: “Thắng lợi rồi, bà con ơi”.

Chứng kiến cảnh ấy, vợ anh chỉ còn lắc đầu lẩm bẩm: “Rõ là cái ông động rồ”. Anh cười: “Tôi say đất quá rồi mình ạ!”. Trên bao la đất đó, anh thí nghiệm máy tra hạt (tự sáng chế), máy đánh rạch, máy làm đất cùng các công thức phân tro, giống má.

Tiến thêm một bước, anh thuê 2,1 mẫu đất trong 49 năm với tổng giá trị tiền tỉ để lập ra một trang trại bò sữa 50 con của riêng mình. Anh bảo mấy năm nay toàn thân ngô lẫn bắp non cho nhà máy bên Thái Bình xuất khẩu đi Hàn Quốc làm thức ăn cho bò sữa.

Bên xứ đó, người ta nhập ngô, nhập bò về mà nuôi còn có lãi lớn thì tại sao ở đây sẵn đồng bãi, sẵn thức ăn thế này lại không bắt tay vào nuôi?
Mỗi sào ngô bò trồng trong 75 ngày sẽ thu được 1,5 tấn sản phẩm. Một năm có thể trồng được bốn vụ ngô như thế nhưng bảo chỉ trồng ba vụ còn lại cho đất nghỉ.
(Theo NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem