360 độ Sao: Kepa - Ngựa non háu đá hay “đại ca cầm đầu”?

Long Nguyên Chủ nhật, ngày 03/03/2019 10:10 AM (GMT+7)
Cái mác “thủ môn đắt giá nhất thế giới” cùng vụ lùm xùm về việc chống đối quyết định của HLV Sarri ở trận chung kết Carabao Cup vừa qua khiến thủ môn Kepa trở thành cái tên vừa nổi tiếng lại vừa tai tiếng.
Bình luận 0

Clip Kepa Arrizabalaga - Thủ thành đắt giá nhất thế giới:

Cao thủ chơi chim

Ngày 3.10.1994, gia đình Arrizabalaga Revuelta chào đón thành viên mới. Một thằng nhóc sinh ra ở làng chài Ondarroa thuộc xứ Basque (Tây Ban Nha) nhưng có nước da trắng bóc, gương mặt xinh như thiên thần. Bố mẹ thằng nhóc ấy quyết định đặt tên con mình là Kepa cho ngắn gọn và dễ nhớ hơn rất nhiều so với cái họ dài thườn thượt.

Nhà thuộc diện có điều kiện nên từ nhỏ, việc của Kepa chỉ là... chơi và làm bất cứ trò nghịch ngợm nào mà một thằng nhóc có thể nghĩ ra. Dân miền biển nhưng việc đầu tiên mà Kepa được bố dạy không phải là học bơi, câu cá hay chèo thuyền mà lại là... chơi chim.

img

Từ nhỏ, Kepa đã có biệt tài huấn luyện chim khi thừa hưởng niềm đam mê này từ người bố

Chịu ảnh hưởng từ ông bố, Kepa rất thích chơi chim. Mà nghề chơi nào cũng lắm công phu. Để tìm được những chú chim kim oanh hót, Kepa phải học hỏi bí quyết từ bố. “Làm thế nào kiếm được mấy con chim hay và huấn luyện nó thành con chim giỏi nhất hả bố?”. Mỗi lần Kepa hỏi câu này, ông bố đều trả lời: “Phải có niềm đam mê, sự kiên trì và tự tin, con ạ”. Câu nói về việc huấn luyện chim ấy, ai ngờ lại trở thành phương châm rèn luyện và chơi bóng đá của Kepa từ bé đến bây giờ.

"Huấn luyện chim cần sự kiên trì và tự tin. Đến giờ, tôi áp dụng luôn những điều đó vào bóng đá", Kepa cho biết.

Vì thích chơi chim Kepa từng hai lần mang chim đi thi và đoạt giải nhất tại vùng Vizcaya vào năm 2008 và 2010. Hai chú chim của Kepa khi ấy có những cái tên rất “oách” là Oker và Rocky. Ngoài ra, Kepa còn có một chú chim khá cưng nữa tên là Raikkonen (đặt theo tên “người tuyết” Kimi Raikkonen, tay đua F1 lừng danh một thời).

Đến tận bây giờ, Kepa vẫn giữ được thú chơi chim. Thậm chí, nhiều lúc anh còn đùa rằng: “Tôi chưa bỏ được cô bạn gái Andrea Perez vì cô ấy cũng là một bậc thầy về huấn luyện chim”.

Cái duyên trong khung gỗ

Thích chơi chim nhưng đam mê lớn nhất của Kepa tất nhiên là bóng đá. Bởi nếu không, thế giới bây giờ đã có huấn luyện viên chim cảnh Kepa chứ lấy đâu ra siêu thủ môn Kepa.

Thích chơi bóng nhưng khi “khởi nghiệp”, vị trí mà cậu bé Kepa yêu thích là đá tiền đạo. Gì chứ thằng bé nào mà chẳng khoái được sút bóng vào gôn. Kepa từng chứng tỏ mình là một tay săn bàn khá cừ ở những trận đấu đường phố.

img

Từ khi còn rất trẻ, Kepa đã luôn tự tin vào bản thân 

Nhưng rồi một lần, sau khi chứng kiến Kepa lập cú đúp, thủ môn của đội nhí bảo: “Về bắt gôn cho tao lên đá tiền đạo một tí”. Chiều bạn nên Kepa về đứng thủ môn. Chỉ nghĩ là tạm thời nhưng rốt cuộc, Kepa lại cảm thấy vô cùng hứng thú và quyết định trở thành một thủ môn.

Lezama (tuyến trẻ của Athleti Bilbao) là đội bóng đầu tiên Kepa tập luyện. Vị trí mà Kepa lựa chọn là thủ môn. HLV thủ môn của Lezama khi ấy là Luis Llopis từng chứng kiến năng khiếu của Kepa và đã thốt lên: “Thằng bé này là một thủ môn giỏi và trong tương lai, nó có thể trở thành số một thế giới”.

“Kepa xử lý bóng bằng chân rất khéo, đọc tình huống nhanh và thường xuyên đưa ra phán đoán chính xác để cản phá. Sai lầm là điều không có trong từ điển của Kepa”, HLV Llopis của Kepa thời niên thiếu cho biết.

Với một thằng bé nào đó, nghe được câu này hẳn phải sướng mê tơi. Nhưng Kepa thì chẳng tỏ thái độ gì. Thậm chí, đồng đội của Kepa từng cho rằng: “Thằng này thích nhưng giả vờ không nói gì. Chắc lại tỏ ra nguy hiểm đây”. Thực tế, từ khi còn nhỏ, Kepa vốn đã là người ít nói và chỉ thích chứng tỏ bằng hành động.

Thành công nhờ tinh thần... cục bộ địa phương

Con đường trở thành thủ môn chuyên nghiệp của Kepa có lẽ đã không suôn sẻ nếu cậu bé này sinh ra ở một nơi nào đó khác xứ Basque. Người xứ Basque có tính cục bộ địa phương rất cao. CLB Athletic Bilbao từng có truyền thống chỉ sử dụng cầu thủ có nguồn gốc xứ Basque, điều khiến họ trở thành một đội bóng kiểu “CLB gia đình” nhưng cũng kèm theo rất nhiều hạn chế.

Tất nhiên, khó người khó ta, dễ người dễ ta. Chính vì là người xứ Basque, Kepa lại càng phải cố gắng nhiều hơn, trong một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt với nhiều người vừa là bạn lại vừa là đối thủ.

Dần dần, những kinh nghiệm từ việc... chơi chim với ông bố lại phát huy tác dụng trên sân đấu. Kepa rèn được tính kiên nhẫn, sự tự tin và hun đúc nên một phẩm chất mạnh mẽ đến tận hôm nay.

img

Nhờ tính cách cục bộ của người xứ Basque, Kepa đã phát triển nhanh tại Athletic Bilbao

Ông Llopis vẫn nhớ, có một lần, ông xoa đầu Kepa và động viên: “Cố lên con, rồi một ngày con sẽ thành thủ môn giỏi nhất thế giới”. Đổi lại, thằng bé cao nhỏng, có gương mặt trắng trẻo, đẹp trai kiểu búng ra sữa lạnh lùng trả lời: “Cảm ơn chú. Chú không cần khen nhiều và xin chú nhớ là từ lần sau đừng xoa đầu cháu như vậy”.

Trả lời kiểu “lấc cấc” như vậy, nhưng thực tế Kepa chả có ý gì. Đơn giản là anh muốn chứng tỏ sự tự tin của bản thân và chẳng bao giờ bị tác động bởi những lời nói, bất kể là khen hay chê.

“Kepa à, cậu ta còn trẻ nhưng đã sở hữu một cái đầu lạnh khi trấn giữ khung thành. Cậu ấy rồi sẽ trở thành thủ môn hay nhất thế giới”, Nika Cuenca, biên tập viên tờ AS (TBN) chia sẻ.

Đi để trở về

Năm 20 tuổi, Kepa được HLV Marcelo Bielsa cho lên đội một. Tất nhiên, ở lứa tuổi quá trẻ, lên đội một thì Kepa chỉ được làm quen với không khí của những buổi tập, được học hỏi kinh nghiệm từ các đàn anh rồi... ngồi dự bị.

Nên nhớ, Bielsa là một người “nghiện bóng đá”. Ông chính là “sư phụ” của nhiều HLV lừng danh thế giới, điển hình là Pep Guardiola. Một ai đó đã được Bielsa chọn nghĩa là ông đã nghiên cứu cực kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Hiểu tài năng của Kepa và không muốn anh lãng phí thời gian để ngồi dự bị, HLV Bielsa gọi anh lên nói chuyện riêng. Câu chuyện giữa hai người đàn ông không ưa nói nhiều và thích thẳng thắn diễn ra ngắn gọn.

“Cậu rất giỏi, nhưng còn trẻ”, Bielsa mở lời. “Tôi biết, thưa sếp”, Kepa trả lời. “Cậu nên chuyển tới một vài nơi để được ra sân nhiều hơn. Đến thời điểm thích hợp, cậu sẽ trở lại”. “OK”.

img

Được cho mượn ở môi trường vừa sức giúp Kepa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm

Câu chuyện kết thúc và Kepa lập tức thấy mình được đem tới SD Ponferradina theo dạng cho mượn. 20 trận đấu với 7 lần giữ sạch lưới và vô số pha bay lượn như chim khiến Kepa ghi điểm sâu sắc. Thêm một lần cho mượn nữa tới Valladolid và 12 trận giữ sạch lưới sau 40 lần ra sân là kết quả không tồi với một thủ môn trẻ.

Bilbao tất nhiên không còn gì để thử thách Kepa nữa và anh được trở lại xứ Basque, khoác áo Athletic Bilbao, đồng thời nghiễm nhiên có suất bắt chính. Nhiều cô gái xứ Basque đến giờ vẫn còn “bực” Kepa vì anh chàng này “đã yêu sớm lại còn chung thủy”. 6 năm qua, Kepa luôn dính như sam với cô bạn gái Andrea. Thậm chí, có nàng còn đùa, giá kể mình biết... chơi chim sớm hơn thì không khéo đã “câu” được gã Kepa đẹp trai, tài năng, lại có thần thái “chuẩn men”.

Kepa cao 1m89, nặng 81kg. Anh được gọi lên đội tuyển Tây Ban Nha từ năm 2018 và đến nay đã có 3 lần được ra sân. Mặc dù vậy, ở đội tuyển quốc gia, Kepa hiện chỉ là số 2, xếp sau thủ thành David de Gea.

Tăng giá là bởi... Zidane

Tất nhiên, với tài năng của mình, tên tuổi của Kepa không chỉ gói gọn ở xứ Basque. Thậm chí, Atheltic Bilbao với phẩm chất cục bộ địa phương lại vô tình trở thành “cái ao”, khiến Kepa khi đã đạt tới đẳng cấp thế giới cần một môi trường lý tưởng hơn để thi thố tài năng.

Real Madrid sau khi chia tay Iker Casillas và mãi không mua được David de Gea bắt đầu tìm kiếm các giải pháp khác. Keylor Navas giỏi giang, nhưng tiêu chuẩn mà chủ tịch Perez muốn lại phải kèm theo việc “trở thành một thương hiệu”.

Kepa đáp ứng được tiêu chí ấy, lại là người Tây Ban Nha nên ông Perez rất ưng. “Mang ngay thằng bé ấy về Bernabeu cho tôi”, Perez chỉ đạo cấp dưới. 18 triệu euro lập tức được người của Real mang lên bàn đàm phán với Bilbao.

img

Chuyển đến Chelsea, Kepa trở thành thủ môn đắt giá nhất thế giới

Bán một thủ môn trẻ mà có ngần ấy tiền, Bilbao xiêu lòng lập tức. Kepa thì cũng phấn khởi trước viễn cảnh được khoác áo CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20 và trở thành đồng đội của những Benzema, Bale hay Ronaldo (khi ấy vẫn còn đá cho Real).

Nhưng đùng một cái, kẻ phá đám xuất hiện. Người đó là Zinedine Zidane, HLV trưởng của Real lúc đó. Quyết không đồng ý với việc chiêu mộ Kepa, chiến lược gia người Pháp giải thích: “Kepa rất tài năng, nhưng tôi không muốn mua một thủ môn vào giữa mùa giải.

Đang bay bổng lại bị kéo tụt xuống mặt đất, nhưng Kepa không buồn bã hay nhụt chí. Trái lại, để thể hiện sự tự tin đến mức hơi kiêu ngạo của mình, Kepa ký luôn một hợp đồng có thời hạn 7 năm với Bilbao kèm theo mức phí giải phóng hợp đồng lên đến 80 triệu euro.

Tất cả những gì sau đó thì ai cũng biết. Mùa hè 2018, Real chi 35 triệu euro mua Thibaut Coirtois, còn Chelsea phải chi 71,6 triệu bảng để đưa Kepa về sân Stamford Bridge. Con số này đã biến Kepa thành thủ môn đắt giá nhất thế giới, xếp trên cả Alisson Becker, người giữ cái mác “đắt nhất hành tinh” đúng 1 tuần khi chuyển từ AS Roma tới Liverpool.

Kepa có tên trong danh sách đội tuyển Tây Ban Nha tham dự World Cup 2018 nhưng không được ra sân thi đấu phút nào.

Khi được hỏi về “mối thù” với Zidane, Kepa trả lời rất đơn giản và đầy cá tính: “Tôi không có thù hận với Zidane. Tôi chẳng bất mãn với ai hết. Trở thành thủ môn đắt giá nhất thế giới đơn giản là một vở kịch và nó mang đến cái kết có hậu cho tôi”.

Ai nên khôn chẳng dại đôi lần

Từ ngày đến Chelsea, Kepa đã chơi khá tốt. Bất chấp phong độ trồi sụt của cả đội, thủ môn này luôn “đứng ngoài” các cuộc chỉ trích của cổ động viên Chelsea.

Nhưng trận chung kết Carabao Cup với Man City đã thay đổi tất cả. Quyết định “bật” ông thầy Sarri khi không chịu ra sân thay người khiến Kepa trở thành cái bung xung để những người yêu mến, gắn bó với Chelsea trút giận.

Mọi cụm từ xấu nhất, tệ nhất, cay nghiệt nhất trút cả lên đầu Kepa. Đổi lại, thủ thành này chỉ giải thích tương đối ngắn gọn và chốt lại là: “Tôi ổn”.

img

Sự việc không hay với HLV Sarri sẽ giúp Kepa trưởng thành hơn

Kepa hiện đang phải trả giá bằng án phạt nội bộ. May cho anh là HLV Sarri không phải người quá khó tính và ông đang có dấu hiệu sẽ tha thứ, sau khi thấy mức độ trừng phạt đã tạm ổn.

“Khi tôi phạm sai lầm nào đó, nhiều người cứ khuyên tôi phải xin lỗi một ai đó hoặc nhận lỗi một điều gì đó. Nhưng tôi thấy mình ổn và cách xin lỗi tốt nhất mà tôi muốn là hành động cụ thể”, Kepa cho biết về quan điểm sống của mình.

Kepa còn trẻ và rất dễ bị coi là “ngựa non háu đá” bởi hành động kể trên. Nhưng những ai gắn bó với anh từ khi còn là một thằng nhóc tại học viện bóng đá của Bilbao sẽ hiểu, đấy là tính cách của Kepa: Mạnh mẽ, không khoan nhượng và luôn muốn “cháy hết mình”. Chỉ hơi tiếc là cái cách thể hiện thì không hay ho cho lắm.

Cú vấp này sẽ mang tới bài học đắt giá cho Kepa và có vẻ như anh đã tương đối thấm thía. Nhưng phẩm chất muốn thể hiện cái tôi, kiểu nói chuyện cộc lốc mang hơi hướng “đại ca cầm đầu” của Kepa chắc chắn sẽ không thay đổi. Mà những điều tốt đẹp về chuyên môn thì Kepa chẳng cần thay đổi, khi anh còn tương lai rộng mở ở phía trước, để trở thành thủ môn giỏi nhất thế giới chứ không chỉ là đắt nhất toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem