4 thanh niên cạy phá trên 100 ngôi mộ ở nghĩa trang, có thể bị xử lý ra sao?
4 thanh niên cạy phá trên 100 ngôi mộ ở nghĩa trang, có thể bị xử lý ra sao?
Phi Long
Thứ sáu, ngày 09/08/2024 08:14 AM (GMT+7)
Công an xác định 4 thanh niên đã cạy phá trên 100 ngôi mộ ở nghĩa trang TP. Pleiku để lấy nhôm mang bán. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.
Trước đó, Công an TP. Pleiku nhận được phản ánh của người dân về việc hơn 100 ngôi mộ tại Nghĩa trang TP. Pleiku bị cạy phá lấy mất phần khung nhôm.
Khoảng 22 giờ đêm 5/8, Nguyễn Tấn Phát cùng Nguyễn Quang Huy (18 tuổi, trú TP Pleiku) đến Nghĩa trang TP. Pleiku, cạy lấy khung nhôm bọc bàn thờ trên các ngôi mộ.
Đến khoảng 3 giờ ngày 6/8, sau khi cạy được khoảng 20 khung nhôm, Nguyễn Tấn Phát bị công an bắt quả tang. Nguyễn Quang Huy đã lợi dụng đêm tối chạy thoát.
Từ lời khai của Nguyễn Tấn Phát, Công an TP. Pleiku đã triệu tập Hoàng Vũ Bảo và Trần Minh Tú đến làm việc.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã cạy phá hơn 100 ngôi mộ tại Nghĩa trang TP. Pleiku. Sau khi lấy số nhôm từ các ngôi mộ, các đối tượng đã mang đi bán lấy tiền tiêu xài. Công an TP. Pleiku đang tiếp tục xác minh, truy bắt Nguyễn Quang Huy để xử lý theo quy định.
Các đối tượng cạy phá trên 100 ngôi mộ ở nghĩa trang để lấy nhôm bán. Ảnh: CA.
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, mồ mả là nơi chôn cất thi thể, hài cốt hoặc tro cốt của người đã khuất. Hành vi cạy phá mộ phần hoặc chiếm đoạt những đồ vật để ở trên mộ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược với đạo đức, tập quán truyền thống văn hóa phong tục của người Việt Nam.
Hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội xâm phạm mồ mả theo quy định tại Điều 319 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, người nào phạm tội xâm phạm mồ mả có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Trong trường hợp thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ đê hèn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, chiếm đoạt, hủy hoại các loại đồ vật có giá trị di tích lịch sử văn hóa thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Các đối tượng trên đã có hành vi lợi dụng việc người quản lý các khu mộ không biết đã lén lút, bí mật đi vào nghĩa trang cạy, phá hơn 100 ngôi mộ và chiếm đoạt tài sản trên mộ là các khung nhôm bọc trên bàn thờ các ngôi mộ để mang đi bán lấy tiền tiêu xài cá nhân, giá trị tài sản bị chiếm đoạt có khả năng sẽ lớn hơn 2 triệu đồng nên có dấu hiệu của tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Đối với hành vi này, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và xác minh xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.
Tuy nhiên, nếu quá trình điều tra, xác minh hành vi của các đối tượng trên, Cơ quan điều tra nhận thấy đủ yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản thì có thể bị xem xét xử lý hình sự Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Đối với hành vi này, người phạm tội có thể bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù.
Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị xâm phạm theo Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015 về chi phí khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gây ra, gồm các khoản: Chi phí mua vật liệu xây dựng; Chi phí thuê nhân công xây dựng, sửa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người gây thiệt hại đã gây ra…
Ngoài các khoản nêu trên, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thêm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết, trường hợp không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.