40 năm hải chiến Hoàng Sa: Còn mãi ký ức bi hùng

Thứ bảy, ngày 11/01/2014 07:39 AM (GMT+7)
40 năm đã trôi qua nhưng cựu thượng sĩ Trần Dục- Quản trưởng khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) của Hải quân Việt Nam Cộng hòa vẫn nhớ như in trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Bình luận 0
Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà ấm cúng ở thôn Mậu Tài (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế), ký ức 40 năm trước hiện về khiến ông Dục không giấu được xúc động. Theo lời kể của ông Dục, ngày 16.1.1974, HQ-4 đang tuần tiễu dọc vùng bờ biển từ Quy Nhơn- Quảng Trị thì nhận được lệnh phải hành quân ra Hoàng Sa. Thừa lệnh trung tá Vũ Hữu San - Hạm đội trưởng, Quản trưởng Trần Dục chỉ đạo điều khiển HQ-4 vào bờ ở Đà Nẵng tiếp tế nhiên liệu, lương thực, vũ khí rồi lên đường lúc nửa đêm. Sau 12 giờ đồng hồ hành quân, trưa 17.1, HQ-4 đã chở 160 sĩ quan, binh lính ra đến Hoàng Sa.

Ông Dục kể lại câu chuyện chiến đấu trong trận hải chiến Hoàng Sa.
Ông Dục kể lại câu chuyện chiến đấu trong trận hải chiến Hoàng Sa.

Lúc HQ-4 có mặt, đã có 6 tàu quân sự của Trung Quốc lởn vởn ở đây, trong đó có 2 tàu giả dạng tàu dân sự. Theo lệnh của trung tá San, lực lượng của HQ-4 dùng loa phát tiếng Việt lẫn các tiếng Trung, Anh khẳng định chủ quyền và xua đuổi tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, lực lượng trên các tàu Trung Quốc không những không rút đi mà còn trả lời ngang ngược rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chúng. Đáp trả lại sự ngoan cố đó, trung tá San lập tức ra lệnh lái HQ-4 tông thẳng vào tàu mang số hiệu 407 của địch. Sau va chạm này, tàu 407 và một chiếc tàu khác của giặc hoảng hốt tháo chạy về phía các đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Lúc này, HQ-4 và các chiến hạm khác đã đổ bộ hàng chục người lên các đảo Monney, Quang Ảnh và Hữu Nhật để dẹp cờ Trung Quốc, cắm cờ Việt Nam.

“HQ-4 bị tử thương 3 người, bị thương 15-16 người. HQ-10 thiệt hại nặng nhất, với hơn 60 người chết, trong đó Hạm đội phó và Hạm đội trưởng đều tử thương. HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương. HQ-16 có 2 người chết, lực lượng người nhái có 4 người chết”- ông Dục cho hay.

“Dù lực lượng của địch rất mạnh nhưng chúng tôi vẫn khai chiến trước và đã chiến đấu dũng cảm”- ông Dục kể về cuộc tấn công địch ngày 19.1.1974. Theo ông Dục, đến khoảng hơn 10 giờ ngày 19.1.1974, sau khi có lệnh khai hỏa, HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa nổ súng trước, HQ-4 và HQ-5 cũng lập tức tiến vào tham chiến. “Mình nổ súng thì chúng cũng nổ súng. Sau một thời gian giao chiến, HQ-4 chỉ bị thiệt hại nhẹ nhưng buộc phải lùi ra xa do trở ngại tác xạ nên không phát huy được hoả lực.

Khoảng mươi phút sau khi HQ-4 gặp sự cố, HQ-10 bị bốc cháy tại chỗ rồi chìm. Trong khi đó, HQ-16 bị trúng đạn pháo làm xuyên thủng hầm máy nên phải tạm thời rút lui. Đến khoảng 11 giờ 30 phút, do phát hiện một chiến hạm hiện đại của địch tiến nhanh vào vùng giao tranh, HQ-4 và HQ-5 được lệnh rút lui về phía đông nam.

Trong khi đó, phía quân Trung Quốc do cũng bị tổn thất nặng, trong đó một tàu phải ủi bãi, một tàu bốc cháy, nên không thể đuổi theo. “Lúc này, tôi nghe cấp trên nói sau khi tạm lùi để khắc phục thiệt hại, chúng tôi sẽ tiếp tục xua đuổi địch ra khỏi Hoàng Sa. Mọi người trên HQ-4 ai cũng sẵn sàng với quyết tâm cao. Nhưng rồi trước thông tin quân địch được chi viện hàng loạt tàu chiến và chiến đấu cơ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ đạo chúng tôi rút lui khi đang trên đường quay trở lại Hoàng Sa”- ông Dục nuối tiếc nói.

An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem