Bà Phạm Châu Giang - Trưởng phòng điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh kiến nghị điều tra chống bán phá giá mặt hàng thịt gà nhập khẩu từ Mỹ của Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước.
Quyền khởi kiện nếu bị xâm hại
Bà Giang cho biết, các ngành sản xuất trong nước hiện nay đều được quyền khởi kiện nếu thấy bị xâm phạm lợi ích chính đáng (gọi tắt là được phòng vệ thương mại). Các biện pháp có thể thực hiện là kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp và kiện tự vệ. 3 cách thức kiện này khác nhau nhưng đều có mục đích chung là để bảo vệ sản xuất trong nước. Thông thường, các giải pháp đạt được sau đó là tăng thuế hay áp hạn ngạch với các mặt hàng nhập khẩu bị kiện...
Đùi gà Mỹ nhập khẩu được bày bán trong một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Đ.D
Bộ Công Thương sẽ thẩm tra, nếu đủ căn cứ để khởi kiện thì sẽ ra quyết định điều tra và thông báo cho các bên nguyên và bị đơn, gửi tới cả WTO (Tổ chức Thương mại thế giới); gửi bảng câu hỏi tới các bên liên quan để điều tra, thẩm tra lấy chứng cứ thực tế. Tiếp đó sẽ ra một báo cáo điều tra và ra biện pháp phòng vệ thương mại tùy thuộc vào kết quả điều tra cụ thể.
Bà Giang khẳng định: Không thể vì giá bán của gà Mỹ tại Việt Nam thấp là có thể khởi kiện chống bán phá giá mà phải so sánh, cùng sản phẩm đó thì giá bán ở Mỹ là bao nhiêu mới có đủ căn cứ để khởi kiện. “Căn cứ ban đầu để khởi kiện là doanh nghiệp (DN) Mỹ đã bán đùi gà này tại Mỹ với giá bao nhiêu, có cao hơn 20.000 đồng/kg không trong khi cũng đùi gà ấy bán sang Việt Nam chỉ có 20.000 đồng/kg. Kết quả điều tra phải phụ thuộc vào việc thẩm tra từng DN Mỹ đã bán đùi gà sang Việt Nam”-bà Giang nói.
Theo bà Giang, bảo vệ sản xuất trong nước trước hàng hóa nước ngoài là trách nhiệm chính của cơ quan điều tra, đó là cơ quan nhà nước. Người dân, DN chỉ “lo” các thủ tục ban đầu khi kiến nghị khởi kiện, “gánh nặng” còn lại là ở cơ quan điều tra. Vì chỉ có cơ quan điều tra khi có quyết định điều tra mới lấy được chi tiết các hợp đồng, hóa đơn của các bên liên quan để phục vụ cho việc điều tra.
Vụ gà đang điều tra, xử lý…
Trở lại việc kiến nghị kiện mặt hàng gà nhập khẩu từ Mỹ, bà Giang cho biết, các DN, tổ chức có quyền đưa ra các kiến nghị, bao gồm cả các kiến nghị có đủ hoặc không đủ cơ sở. Cơ quan nhà nước tiếp nhận kiến nghị khởi kiện sẽ phải xử lý trên cơ sở pháp luật.
“Chúng tôi đã có đơn kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước từ hơn 1 tháng nay, đã làm việc với các cơ quan liên quan và đang thu thập thêm thông tin, trao đổi thêm với các cơ quan quản lý, DN, hiệp hội. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định điều tra chính thức thì không thể công bố vì như thế sẽ vi phạm quy định của WTO”- bà Giang nói.
Bà Giang khẳng định: “Chúng tôi rất khuyến khích người dân, DN phát hiện thấy mặt hàng nhập khẩu nào có giá rẻ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì lên tiếng. Bảo vệ quyền lợi chính đáng là tốt, còn cơ quan quản lý chỉ có thể công bố khi có thông tin điều tra rõ ràng”.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, hiện các bộ ngành đã thu thập được một số số liệu phục vụ việc thẩm tra nhưng vẫn phải chờ số liệu chính thức mới có thể đánh giá về kiến nghị khởi kiện gà Mỹ. “Những thông tin liên quan đến vụ gà Mỹ đã và đang khẩn trương được xử lý và đã có ít nhiều nhưng chưa thể cung cấp rộng rãi”- một thành viên của cơ quan điều tra cho biết.
Cho đến nay, Bộ Công Thương cho biết, phía Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước cũng chưa chính thức nộp hồ sơ khởi kiện, cũng chưa thuê luật sư bảo vệ. Nếu chính thức có đơn khởi kiện thì sau 15 ngày cơ quan quản lý sẽ ra thông báo về việc khởi kiện và sau 30 ngày sẽ ra quyết định có điều tra hay không?
“Vụ kiện thịt gà Mỹ bao giờ tiến hành đang phụ thuộc vào thời điểm DN và hiệp hội DN nộp đơn khởi kiện. Nếu khởi kiện chắc chắn DN sẽ phải mất một khoản chi phí, như chi phí thuê luật sư. Tuy nhiên, xét về quyền lợi chính đáng đạt được thì các chi phí này vẫn thấp hơn so với lợi ích đạt được”- một chuyên gia trong lĩnh vực kiện chống bán phá giá phân tích.
Câu hỏi đặt ra là khởi kiện DN Mỹ có quá khó với các DN, hiệp hội DN của ta hay không và cơ hội để giành phần thắng như thế nào?- vị chuyên gia này chia sẻ rằng: “Việc kiện Mỹ hay bất kỳ nước nào để bảo vệ chính đáng nền sản xuất trong nước cũng vậy, không hề khó khăn hay sợ thất bại. Chúng ta chỉ cần lưu ý các tính toán kỹ thuật khi tiến hành khởi kiện. Các căn cứ phải từ thực tiễn, còn dựa vào suy đoán chủ quan hay đồn đoán sẽ khó thành công. Điều tra với DN thì nước nào cũng giống nhau. Nếu họ xuất sản phẩm sang ta giá thấp mà bán ở nước họ giá cao hơn là ta có thể khởi kiện”.
Bán giá 20.000 đồng/kg là vô lý
Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, đùi gà nhập từ Mỹ về thường đi qua đường biển mất khoảng 50- 60 ngày mới về tới Việt Nam, chưa kể thời gian bảo quản thì chẳng ai biết được là bao lâu. Hiện nay, chất lượng của các loại sản phẩm này cũng chưa có tài liệu nào khẳng định chất lượng của thịt ngoại tốt hơn thị nội. Theo tôi, việc giá gà nhập khẩu từ Mỹ về đến Việt Nam bán ra chưa đến 1 USD/kg đùi gà là quá vô lý. Dù người chăn nuôi của Mỹ có lợi thế với giá nguyên liệu ngô, đậu tương rẻ hơn nước ta nhưng giá gà bán tại thị trường Mỹ theo phản ánh của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đã kiểm chứng cũng không rẻ tới mức như thế, vẫn ở 60.000-80.000 đồng/kg. Do đó, việc đề nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước là hoàn toàn hợp lý, các cơ quan chức năng cần làm rõ vấn đề này, liệu có phải nhà nhập khẩu gian lận thương mại, nhập hàng gần hết “đát” với giá bèo về bán cho người tiêu dùng.
Phi Long (ghi )
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.