44 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc: Chuyện người lính tay không "1 chọi 3" vượt vòng vây
Những trận đánh trước ngày 17/2/1979 và chuyện người lính tay không "1 chọi 3" vượt vòng vây
Gia Bình
Thứ năm, ngày 16/02/2023 06:36 AM (GMT+7)
Rạng sáng 17/2/1979, những dàn loa khổng lồ từ bên kia biên giới được bật hết công suất, hướng thẳng sang Phong Thổ, Lai Châu và phát đi bài hát “Người ơi người ở đừng về”. Tiếng hát dứt, pháo và hỏa tiễn nổ vang, biến những căn nhà bằng gỗ lợp cỏ dọc đường biên thành tro bụi.
Dù đã 44 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày 17/2/1979 vẫn còn in đậm đối với người cựu chiến binh Đỗ Quốc Trung (SN 1950, ở Phong Thổ). Kể với PV Dân Việt, ông Trung cho biết, khi đó đang ngủ bỗng tỉnh dậy vì "nghe tiếng sấm dền liên hồi" dù mới giữa tháng 2. Là cựu chiến binh Sư đoàn 316, từng tham gia chiến dịch Tây Nguyên và nhiều trận đánh ác liệt khác nên ông nhanh chóng nhận ra đây không phải sấm, là tiếng của pháo dội lại.
Năm 1979, ông Trung vừa chuyển công tác từ quân đội sang Lâm trường Phong Thổ, trụ sở cách biên giới gần 20km. Bị đánh thức bởi tiếng pháo sớm 17/2, ông cho hay "rất bất ngờ, nhiều người sợ hãi". Phụ nữ và trẻ em được lâm trường ưu tiên cho lên xe ô tô, tản cư về Nông trường Tam Đường, nay là TP.Lai Châu.
Nhưng vẫn có những công nhân không kịp về. "Pháo bắn ở biên giới nhưng thám báo, biệt kích đã lẻn vào tận đây. Có một cô gái và hai thanh niên người Thái Bình, đi từ trạm trồng rừng về lâm trường để di tản nhưng bị chúng bắn chết cả. Họ độ tuổi 18 – 19, vừa từ quê lên vài hôm", ông Trung nhớ lại.
Nhiều công nhân sau đó sợ hãi, nhặt tạm vài bộ quần áo rồi "một mạch đi về xuôi". Ông Trung ở lại, cùng những công nhân lâm trường khác chăm sóc mọi người, chuẩn bị từng bữa cơm, dựng từng căn lều cho "dân chạy loạn".
Với nhiều người, cuộc chiến ngày 17/2/1979 là bất ngờ nhưng lực lượng vũ trang đã được chuẩn bị từ trước và thậm chí, những trận đánh nhỏ lẻ đã diễn ra trước đó.
"Có ý kiến bên ngoài nói ta bị động, bị Trung Quốc tấn công bất ngờ, nhưng chúng ta rất chủ động", ông Nguyễn Thanh Luận, nguyên Chính trị viên Đồn Nậm Xe (Lai Châu) nói. Theo ông, trước 17/2 khoảng 20 ngày, lực lượng vũ trang Lai Châu nhận chỉ thị nêu rõ Trung Quốc sẽ tấn công lớn trên toàn tuyến biên giới.
Căn nhà mái ngói đã cũ của ông Luận nằm sâu trong ngõ, trước cửa đề 4 chữ "Ẩm hà tư nguyên". Người cựu chiến binh trải qua kháng chiến chống Mỹ, rồi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đang hoàn thiện cuốn tiểu thuyết "Dấu chân xanh" kể về sự hi sinh, gian khổ của lực lượng biên phòng.
Ông Luận cho hay từ trước 17/2/1979, những căng thẳng biên giới được đẩy lên cao độ, nhiều Hoa kiều vượt biên trái phép về Trung Quốc bỗng quay lại "nhận họ, nhận anh em" ở các bản vùng cao với mục đích do thám.
"Ở Dào San, Phong Thổ, chúng tôi phát hiện một người từ huyện Kim Bình vượt biên sang nhận anh em nhưng thực tế là gián điệp. Khi bị bắt, anh ta đã kết nạp được 2 người Mèo vào đường dây của mình và còn bí mật phá súng đại liên của bộ đội", ông Luận kể lại.
Theo ông, phía Trung Quốc trước khi tổng tấn công còn nhiều lần bắn sang các ruộng nương giáp biên khiến người dân lo sợ, phải rút vào sâu nội địa. Họ còn tổ chức đánh úp, phục kích các trạm, tổ tuần tra của biên phòng.
Hạ sĩ "một đánh ba" thoát vòng vây
Ngày 4/1/1979, hạ sĩ Trần Thanh Bình (ở Vĩnh Phúc) thuộc Đồn 33 Công an Vũ trang Lai Châu (nay Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng) nhận lệnh cùng 2 đồng đội ra trạm gác với nhiệm vụ "30 phút một lần gọi về, báo cáo hoạt động bên kia biên giới". Trận đánh nhỏ nhưng khốc liệt đang chờ đón họ.
"Khi đi, tôi mang ống nhòm, đeo súng, dao, cầm điện thoại còn các chiến sĩ tên Vượng và Cù mỗi người mang một AK và 2 lựu đạn để sẵn sàng chiến đấu bởi lúc đó tình hình rất căng thẳng", ông Bình nhớ lại.
Ngày thường, đi tuần thường mang chó theo nhưng lần này người hạ sĩ lại "đuổi nó về". Ông rất tiếc về sai lầm này bởi quân khuyển có thể sớm phát hiện ra địch phục kích.
Từ đồn vượt 3km đường núi dày đặc sương mù, tổ ba người tới một khúc cua như khuỷu tay gập, cách biên giới khoảng 900m. Ở đó, hạ sĩ Bình thấy 2 đầu người, đội mũ Trung Quốc đang nhô lên sau vách đá nên hô "địch, bắn" rồi xả liên thanh được vài viên thì nhận ra mình ở giữa vòng vây của khoảng 10 lính Trung Quốc.
Theo ông Bình, "Bên kia" lúc phục kích, mỗi người họ cầm một súng ngắn cùng một dùi cui. Khi vừa nổ súng, ông bị dùi cui "táng thẳng vào đầu", choáng váng nằm im dưới đất chứng kiến hai đồng đội của mình chiến đấu giáp lá cà. Anh Vượng hy sinh tại chỗ còn anh Cù bị bắt - kết quả của cuộc phục kích bất ngờ với quân số vượt trội.
Trong lúc nửa tỉnh, nửa mơ với đầu đầy máu, ông Bình thấy 2 lính Trung Quốc mỗi người cầm một tay mình kéo về phía biên giới. Qua khu vực thường giã gạo nấu cơm ở trạm gác, người hạ sĩ này nhớ địa hình nơi đây là dốc suối Nậm Na, có thể lăn xuống, bơi qua bờ bên kia cũng là đất Việt Nam nên quyết định đào thoát.
"Tôi vùng dậy bất ngờ, đấm vào yết hầu một người khiến đối phương nằm ra đất. Người còn lại lập tức bắn súng ngắn, viên đạn xuyên qua đùi làm tôi "tí vào chỗ hiểm". Tôi đá người này xuống vực", ông Bình nhớ lại.
Người lính Trung Quốc thứ 3 nổ súng bắn ông Bình nhưng may mắn chỉ trúng hộp đạn đeo trước ngực nên không thương vong. "Tôi lao thẳng vào người này, cả hai cùng lăn xuống con dốc rồi vật lộn, súng ống, dùi cui rơi ra hết. Mình nhặt được viên đá để đập buộc đối phương bỏ chạy và mình cũng chạy", ông kể.
Lúc đó, phía Trung Quốc tập trung kéo, đẩy chiến sĩ Cù về biên giới nên không đuổi ông Bình, chỉ cho súng bắn theo.
Sau khi qua suối, người hạ sĩ cố leo lên ngọn đồi cỏ tranh, cởi áo ngủ vứt lên cành cây để đồng đội có thể thấy rồi ngất đi vì mệt và mất máu. Đồn 33 khi đó nghe tiếng súng, cho ca nô đi tuần và phát hiện, đưa ông Bình về bệnh viện Phong Thổ, giao bác sĩ cùng thầy cô cắm bản chăm sóc.
"Năm 1983, tôi ra quân nhưng ban đầu không lấy được vợ vì tin đồn "bị bắn mất gáo", ông cười và cho biết sau đã lấy vợ, sinh 5 con.
Về phần đồng đội của mình, ông Bình cho hay chiến sĩ Cù bị địch bắt, giam 2 năm rồi trả về qua phía Lạng Sơn. Mấy năm gầy đây, họ tìm lại được nhau, biết rằng ông Cù cũng như mình, ban đầu khó lấy vợ vì vướng tin đồn "bị địch tiêm thuốc lúc ở tù".
Những câu chuyện về những trận đánh nhỏ lẻ như trên còn xảy ra rất nhiều trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Bị vong lục (là Văn bản do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia công bố nhằm làm rõ quá trình diễn biến của vấn đề, sự kiện nào đó đã bị xuyên tạc hoặc vi phạm nhằm khẳng định sự thật và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc gia và quốc tế) của Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện, trước khi tấn công diện rộng, Trung Quốc gây ra những sự kiện biên giới phức tạp. Các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm hoặc tấn công nhỏ được tổ chức ngày càng nhiều, năm 1974 có 179 vụ nhưng đến 1977 tăng lên 873 vụ.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động lực lượng lớn của các đại quân khu Quảng Châu và Vân Nam tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngày 16/3, phía Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng những trận đánh dọc đường biên còn kéo dài tới năm 1989, có nơi rất khốc liệt như ở Vị Xuyên (Hà Giang) được ví như "lò vôi thế kỷ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.