4.500 đường ngang chực chờ gây họa

Tuấn Dũng Thứ ba, ngày 25/08/2015 06:44 AM (GMT+7)
Công tác đảm bảo an toàn tại các vị trí giao cắt đường sắt - đường bộ đang đặt ra cấp thiết bởi theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGT), tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra tại các đường ngang dân sinh vẫn chiếm gần 79% tổng số các vụ tai nạn đường sắt.
Bình luận 0

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao

Theo số liệu của Bộ GTVT, trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện có khoảng 6.000 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó 1.500 điểm là đường ngang hợp pháp bao gồm đường ngang có gác, đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và đường ngang phòng vệ bằng biển báo. Còn lại tới 4.500 lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa xảy ra TNGT đường sắt.

img

 Một đường ngang dân sinh không có gác chắn ở khu phố 4, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.     Ảnh: VIETBAO

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong nửa đầu năm 2015, TNGT đường sắt xảy ra chủ yếu tại các đường ngang dân sinh chiếm gần 79%, tại các đường ngang có cảnh báo tự động chiếm hơn 18% và tại các đường ngang có biển báo chiếm gần 3%. Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng: Vấn đề hiện nay là làm sao hạn chế được TNGT tại các đường ngang thì TNGT đường sắt sẽ giảm. Muốn làm được, vai trò của chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua là rất lớn, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật khác. Bộ trưởng Bộ GTVT  Đinh La Thăng đã nhiều lần yêu cầu Tổng cục Đường sắt: Triển khai ngay cần chắn tự động, tập trung làm tại các “điểm đen” trước.

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, từ tháng 3 đã yêu cầu tất cả các đơn vị đường sắt phải phối hợp địa phương bảo đảm an toàn giao thông ở đường ngang, không phân biệt đâu là hợp pháp hay không.

“Trong thời gian tới, VNR sẽ nghiên cứu áp dụng tất cả cần chắn đẩy sẽ được thay thế, thí điểm lắp mô tơ, số lao động dôi dư sẽ được bổ sung làm việc tại các đường ngang có biển báo. Đồng thời rà soát toàn bộ lực lượng tuần cầu. Tuần đường sẽ tuần luôn cầu, rút lực lượng thừa ra cảnh giới đường ngang” - ông Thành cho biết.

Mỗi nơi một mô hình

Tại Hà Nội và Bắc Ninh, địa phương đã giao đơn vị quản lý giao thông thành lập đội gác chắn, tổ chức cảnh giới, lập chốt gác một cách bài bản, chuyên nghiệp. TP.HCM cũng có khoảng 7 điểm gác ở đường ngang do lực lượng thanh niên xung phong thành phố đảm nhận; Bình Dương có 2 điểm giao dân phòng cảnh giới; Hưng Yên có 6 điểm ở huyện Văn Lâm do tổ tự quản Hội Cựu chiến binh huyện tổ chức gác.

Tại Đà Nẵng, ngành đường sắt thuê lao động cảnh giới, trong đó có các nhân viên đường sắt, nhân viên gác đường ngang đã về hưu...

Ông Bùi Văn Tựu - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt cho biết, với mô hình cảnh giới do Hội Cựu chiến binh đảm nhận như ở Hưng Yên đạt được nhiều yếu tố: Quản lý nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, kinh phí thấp. “Với kinh phí hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/điểm cho 2 người gác như ở mô hình này, sẽ không thể thuê được lao động khác. Còn nếu tổ chức một đội có tính chất chuyên nghiệp thì sẽ đòi hỏi kinh phí rất lớn từ ngân sách. Mặt khác, nếu lương người lao động thấp sẽ không ổn định được lao động, tinh thần trách nhiệm không cao” - ông Tựu cho biết.

Còn theo ông Thái Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Sài Gòn, mô hình điểm gác đường ngang do thanh niên xung phong đảm nhận ở TP. HCM đạt hiệu quả cao: “Họ vừa có sức khỏe, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ và tính kỷ luật của lực lượng TNXP”. 

Lắp 300 bộ cần chắn trong năm 2015

Ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc VNR cho hay, mục tiêu của VNR là đến năm 2020 sẽ đưa thiết bị chắn tự động vào toàn bộ đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang có gác trên mạng lưới đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt, trong năm 2015 phải lắp đặt được 300 bộ thiết bị; trong đó 100 cần chắn tự động tại đường ngang cảnh báo tự động và 200 cần chắn, dàn chắn bán tự động tại đường ngang có gác. Việc lắp đặt được triển khai theo hướng ưu tiên các đường ngang có mật độ phương tiện lưu thông lớn, nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt cao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem