Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, trong thời gian qua, NHNN đã có chính sách hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như: Cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá, chính sách cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch để khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp. Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu thủy sản, chính sách đầu tư phát triển ngành điện, cơ sở hạ tầng đối với các địa phương trong khu vực.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại tại hội thảo.
“Thời gian qua, các ngân hàng khu vực ĐBSCL đã cam kết cho 9 doanh nghiệp thực hiện 9 dự án tại 6 tỉnh vay với số tiền lên tới trên 2.565 tỷ đồng để thực hiện mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp” – ông Võ Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết.
Theo các đại biểu, thời gian tới cần có những nghiên cứu để xây dựng cơ chế đặc thù cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng các chương trình tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện được các mục tiêu đặt ra của chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng xã NTM. Các bộ, ngành và các địa phương cần hoàn thiện sớm quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, triển khai quyết liệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhấn mạnh: “Thời gian tới, chính sách tín dụng cần được huy động tối đa nguồn vốn, kể cả các nguồn vốn nước ngoài để hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư cho vay lĩnh vực này cần hướng tới sản xuất quy mô lớn, tăng khả năng liên kết, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, nhằm hỗ trợ xây dựng nông thôn mới…”.
Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc NHNN Việt Nam nói: “Nếu chúng ta tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp thì hiệu quả đồng vốn của ngân hàng sẽ được nâng lên. Nhu cầu sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp là cấp bách nên chúng tôi hứa sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để cho vay đối với các mô hình, dự án sản xuất ở vùng ĐBSCL”.
Trong khuôn khổ hội thảo, NHNN Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 6 doanh nghiệp của 6 tỉnh, thành: Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa với các ngân hàng thương mại trong chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp (đợt 3). Lễ ký kết lần này đã nâng tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình là 27 doanh nghiệp, thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố, với số tiền ký kết là trên 4.600 tỷ đồng. Đây là 27 doanh nghiệp đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tại 5 khu vực trên toàn quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.